Giá bất động sản tăng sốc 200%, nghìn người mua nhà tái mặt
Mặt bằng giá bất động sản nói chung đã tăng vọt lên 50%, có nơi cả 100% và thậm chí 200% chỉ trong vòng vài năm trong khi mức tăng trưởng kinh tế khoảng gần 7%/năm, mức tăng thu nhập bình quân đầu người ở mức 7 - 8%/năm.
Trên đây là những con số được Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnamreport) đưa ra tại báo cáo “Các xu hướng lợi nhuận theo ngành kinh tế năm 2019 – 2020” vừa được công bố. Từ những con số trên cho thấy, mức tăng giá bất động sản vượt quá xa tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người”.
Theo báo cáo, tại thời điểm cuối quý I/2019, rủi ro của thị trường bắt đầu tăng. Trên thị trường chứng khoán đã có gần 100 doanh nghiệp kinh doanh với giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng.
Thông thường, giá trị hàng tồn kho lớn rất hay xuất hiện ở các doanh nghiệp ngành bất động sản do đặc thù riêng về ngành nghề này là doanh thu phụ thuộc nhiều vào chu kỳ bán hàng kéo dài đến vài năm. Trong số 40 doanh nghiệp đang có tồn kho lớn nhất thị trường có tới 20 doanh nghiệp bất động sản bị liệt kê vào nhóm có tỷ lệ giá trị hàng tồn kho cao với giá trị của mỗi doanh nghiệp đều trên 2.000 tỷ đồng. Tồn kho tăng cao trong bối cảnh lãi suất ngân hàng biến động gây nên những diễn biến đáng lo ngại cho sự phát triển của thị trường bất động sản trong ngắn hạn.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Minh bạch thị trường đất đai: Phải bắt nguồn từ khâu định giá đất
Nút thắt lớn nhất trong Luật Đất đai hiện nay là vấn đề xác định giá đất theo thị trường, nhất là khi hệ lụy từ việc chênh lệch địa tô khi thu hồi, chuyển đổi đất đai, gây thất thu ngân sách đang thể hiện quá rõ.
Tình trạng “chảy máu” đất công (đất công được giao cho tư nhân với giá bèo, gây thất thoát ngân sách); thực tế ách tắc trong giải phóng mặt bằng khiến dự án giậm chân tại chỗ, ứ đọng nhiều năm hay việc khiếu kiện đất đai ngày càng gia tăng với diễn biến phức tạp… tất cả đều bắt nguồn từ sự thiếu minh bạch về giá đất khi thực hiện thanh toán các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai, định giá đất chưa đúng với giá trị thực tế.
Theo các chuyên gia, hiện còn nhiều kẽ hở trong việc lập các thủ tục pháp lý về giao dịch mua bán, chuyển nhượng đất đai, tạo vỏ bọc cho các giao dịch ngầm như hạ giá nhà đất để "né" thuế; găm thủ tục chuyển nhượng, trước bạ sang tên để tiếp tục mua bán, sang tay nhằm trốn thuế, gây thất thu ngân sách.
Vì thế, hiện có khá nhiều vấn đề phải sửa đổi trong Luật Đất đai, trong đó có việc thu hồi đất vì mục đích quốc gia, công cộng, quốc phòng an ninh; vấn đề giá đất, bồi thường cho người dân khi thu hồi đất; giá đất khi thực hiện các dự án BT... Việc giá đất Nhà nước quy định quá thấp lại được định giá bằng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất là mặt bằng "màu mỡ" cho các hành vi trục lợi từ đất đai. Vì những trường hợp này đều được định giá theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất để tính thu tiền sử dụng đất.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thị trường bất động sản đang bước vào giai đoạn sàng lọc
Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho biết, thị trường bất động sản ở cả hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM trong năm vừa qua đều gặp khó khăn.
Nguồn cung năm 2019 tại TP.HCM giảm 52% trong khi nguồn cung thị trường Hà Nội cũng giảm 26%, do đó giá bất động sản đã bị đẩy lên cao trong bối cảnh thị trường giao dịch trầm lặng hơn năm trước.
Cụ thể, theo ông Lực, giá bất động sản ở TP.HCM đã tăng 12%, giá ở Hà Nội tăng 6% trong năm qua, tùy từng phân khúc, địa bàn. Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhìn nhận, ở một số tỉnh khác như Quảng Ninh, Bình Thuận trong năm qua, bất động sản lại tăng trưởng rất tốt, nhà đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh này.
"Theo đó, tôi cho rằng thị trường bất động sản vẫn đang trong quá trình cơ bản sàng lọc chứ không đến mức độ bi quan. Một trong những nguyên nhân chính là do thể chế, chính sách không theo kịp sự phát triển của bất động sản, như vấn đề condotel chẳng hạn. Trong thời gian qua, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị phải có chính sách pháp lý phù hợp cho phân khúc này. Thứ hai liên quan đến rà soát, thanh tra kiểm tra", ông Lực nói.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Những cổ phiếu bất động sản “ghi điểm” năm 2019
Nhìn chung, các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trải qua năm 2019 khá tích cực. Thống kê 70 doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết trên HOSE và HNX cho thấy, tổng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế tăng từ 20 - 40% so với năm trước. Cũng nhờ vậy mà sau nhóm ngân hàng, cổ phiếu bất động sản cũng là nhóm dẫn dắt thị trường chứng khoán năm qua. Trong đó có nhóm cổ phiếu khu công nghiệp hưởng dòng vốn FDI và một số cổ phiếu hạng trung có lợi nhuận tăng trưởng cùng với dự án tốt.
Khu công nghiệp là một trong những nhóm cổ phiếu ấn tượng nhất thị trường với nhiều mã tăng trưởng hàng chục, thậm chí hàng trăm phần trăm trong năm qua. Diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu khu công nghiệp nhờ sự dịch chuyển của dòng vốn FDI vào các dự án khu công nghiệp.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn đăng ký của 3.883 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 16,75 tỷ USD, bằng 93,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Dòng tiền tích lũy cuối năm nay có đổ vào bất động sản?
Quan sát thị trường bất động sản cận Tết năm nay thấy rõ, lượng người đi mua đất vào dịp cuối năm bằng tiền tích lũy có vẻ thưa hơn hẳn so với các năm về trước. Một phần vì thị trường không còn nhiều sản phẩm để lựa chọn, phần vì theo khách mua, họ cũng không tự tin để mua nhà đất ở thời điểm này.
Chia sẻ của một khách đang tìm mua căn hộ tại quận 2, TP.HCM, được biết, nguyên nhân chính là giá nhà đất tại Sài Gòn đã lên quá cao, tiền tích lũy cộng lương, thưởng cuối năm của vợ chồng “không thấm vào đâu” so với giá nhà đất. Nếu liều để mua thì lại sợ gánh nặng. “Vì thế, đi tìm mua nhà ở cũng trong trạng thái “nước đôi”, nửa rất muốn, nửa lo sợ”, người này chia sẻ.
Đối với những người mua đất nền để xây nhà sau đó hoặc mua nhà phố đã xây sẵn trên đất có lẽ còn tỏ ra thận trọng hơn rất nhiều. Nếu cách đây 2 năm, các nền đất, căn nhà ven TP.HCM như quận12, quận 9, quận Bình Tân…, người mua thực đổ xô đi tìm kiếm vào dịp cận Tết là chuyện thường thấy, thì hiện tại tình hình trái ngược.