Nhà đầu tư "mắc cạn" tiền tỷ vì ăn theo siêu dự án Vành đai 4
Ngày 25/6, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô dài 112km, gồm cả đường trên cao, dưới thấp chính thức khởi công đồng loạt tại 6 vị trí thuộc ba địa phương Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên.
Tại TP. Hà Nội, 4 điểm khởi công gồm vị trí giao cắt giữa Vành đai 4 với quốc lộ 2, thuộc xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn; giao cắt với đường gom Đại lộ Thăng Long, thuộc xã Song Phương, huyện Hoài Đức; giao trục phía Nam tại Km45+700, thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai và nút giao với quốc lộ 1A cũ tại Km52+600, thuộc xã Văn Bình, huyện Thường Tín.
Cách đây khoảng 1,5 năm, thông tin về chủ trương đầu tư dự án đã khiến thị trường nhà đất ven khu vực quy hoạch diễn biến sôi động. Giá đất các khu vực "ăn theo" dự án như Sóc Sơn, Thường Tín, Thanh Oai, Hoài Đức… tăng vọt. Tại huyện Sóc Sơn, giá đất tăng gấp 2 - 3 lần. Ở huyện Thường Tín có lô được rao bán tới 63 - 84 triệu đồng/m2…
Thế nhưng, ghi nhận ở thời điểm hiện này, khi dự án chính thức khởi công, bất động sản "ăn theo" dự án lại rơi vào cảnh đìu hiu. Thậm chí nhiều nhà đầu tư chấp nhận cắt lỗ vẫn không có thanh khoản.
Chị Minh Thuỳ (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, đầu năm 2022, gia đình chị mua một lô đất mặt đường Tây Thăng Long thuộc xã Tân Hội, huyện Đan Phượng để "đón đầu" Vành đai 4 với giá 75 triệu đồng/m2. Nhưng chỉ vài tháng sau thị trường địa ốc rơi vào cảnh trầm lắng. Giữa năm 2022, bất động sản "ăn theo" đường Vành đai 4 cũng rơi vào tình trạng ảm đạm.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Giá đất trung tâm TP.HCM tăng cao, người dân đổ về vùng ven
Những năm gần đây, các huyện ngoại thành TP.HCM có tốc độ gia tăng dân số nhanh. Một trong những nguyên nhân là do giá đất khu vực trung tâm Thành phố tăng cao.
Để chuẩn bị cho công tác triển khai nghiên cứu lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP.HCM đã đề nghị UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức cung cấp dữ liệu dân số hiện trạng và đề xuất nhu cầu tăng dân số.
Đến nay, đã có 19 quận, huyện và TP. Thủ Đức có văn bản phản hồi. Hai địa phương chưa báo cáo là huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ. Ba quận, huyện chưa đề xuất nhu cầu gia tăng dân số đến năm 2040 là Q.8, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ.
Theo Sở QH-KT TP.HCM, số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2004 đến nay, dân số TP.HCM tăng nhanh tại khu vực vành đai nội thành phát triển mới và các huyện ngoại thành, trừ Cần Giờ.
Mức độ tăng dân số tại một số quận, huyện phía Tây và phía Bắc (như Q. Bình Tân, huyện Bình Chánh và Q.12) cao hơn nhóm quận, huyện phía Đông và phía Nam Thành phố.
Khu vực nội thành phát triển mới gồm Q.7, Q.12, Q. Tân Phú, Q. Bình Tân, TP. Thủ Đức. Những quận này có tốc độ tăng dân số nhanh nhất TP.HCM, chủ yếu đến từ dân nhập cư. Trong đó, Q. Bình Tân là nơi tiếp nhận nhiều người nhập cư nhất, xếp sau là Q.12.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Triển vọng thị trường nhà ở công nhân
Nhà ở công nhân là loại hình nhà ở được xây dựng cho công nhân, phần lớn dành cho công nhân làm việc trong các KCN hoặc các nhà máy lân cận. Tuy nhiên, nguồn cung phân khúc này vẫn còn hạn chế.
Nhà ở công nhân (NƠCN) có một số khác biệt với nhà ở xã hội (NƠXH), chủ yếu là về mặt vị trí và pháp lý. Nhà ở xã hội có thể được phát triển ở nhiều nơi, trong khi đó NƠCN chỉ phục vụ cho đối tượng công nhân nên sẽ tập trung ở trong các khu công nghiệp hoặc khu vực xung quanh khu công nghiệp.
Người mua NƠXH sẽ nhận được sổ đỏ lâu dài hoặc 50 năm và chỉ được chuyển nhượng cho đối tượng đủ điều kiện mua NƠXH sau ít nhất 5 năm kể từ khi thanh lý hợp đồng mua hoặc thuê mua NƠXH.
Còn đối với NƠCN, phần lớn được thiết kế dưới dạng căn hộ cho thuê và được phát triển bởi doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân. Ba đối tượng được phép cung cấp NƠCN bao gồm: Doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp và các doanh nghiệp bất động sản. Tại các tỉnh phía Bắc hiện nay, 70% nhà ở công nhân được phát triển bởi các doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp.
Được biết, nhà ở công nhân là dạng các tòa nhà ở thấp tầng có chiều cao tối đa 5 tầng, không có thang máy và khu vực đỗ xe được bố trí ở mặt đất. Một số tiện ích hỗ trợ bao gồm: Khu sinh hoạt cộng đồng, căng tin, siêu thị mini, không gian xanh và sân chơi.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Bài toán năng lượng của bất động sản công nghiệp
Tuy tình hình cung cấp điện cơ bản được đảm bảo từ cuối tháng 6 nhưng việc cắt điện luân phiên trong thời gian vừa qua tại một số tỉnh khu vực phía Bắc đã đặt ra thách thức đáng kể cho lĩnh vực sản xuất, KCN, KCX.
Trong những tháng đầu năm 2023, tình trạng khí hậu khắc nghiệt khiến việc cung cấp điện trong mùa khô trở nên khó khăn hơn. Trước việc mực nước tại các hồ chứa xuống thấp khiến các nhà máy thủy điện phải hoạt động cầm chừng dưới công suất, việc cắt điện luân phiên trở thành giải pháp khó tránh để đảm bảo cung ứng điện. Một số nhà máy nhiệt điện than ở khu vực miền Bắc phải dừng hoạt động để bảo dưỡng, sửa chữa. Việc liên tục bị gián đoạn cung ứng điện đã gây ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất và tiến độ giao hàng của nhiều doanh nghiệp.
Các chuyên gia đánh giá, điều này có thể là bước đệm cho làn sóng đầu tư tại các tỉnh nhóm 2, khi khách thuê và nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư và di dời nhà máy sản xuất sang các khu vực khác. Đồng thời, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo và phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng truyền tải năng lượng tái tạo cũng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Theo ông Thomas Rooney, Quản lý Cấp cao Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Hà Nội: "Việc cắt điện gần đây đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại các tỉnh chủ lực về công nghiệp tại khu vực phía Bắc, gây sản xuất ngừng trệ, không kịp tiến độ giao hàng. Mặc dù một số khu công nghiệp, chế xuất hiện đại được trang bị hệ thống điện dự phòng nhưng vẫn tồn tại mối lo ngại ngắn hạn về tần suất cắt giảm điện tiềm ẩn".
Xem thông tin chi tiết tại đây
Giao dịch qua sàn là cơ sở xác định giá đất
Nhằm hoàn thiện cơ chế xác định giá đất, Nghị quyết Trung ương đã quy định: Bỏ khung giá đất; có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất.
Theo đó, giá đất phải tiệm cận với giá thị trường; thiết lập mặt bằng giá tương xứng với giá trị mang lại; phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, chính sách tài chính đất đai.
Đây không chỉ là mong muốn của cơ quan ban hành chính sách, mà còn là mong muốn của đại đa số người dân. Bởi khi giá đất tiệm cận với giá thị trường, tình trạng đầu cơ, thổi giá, hạ giá nhà sẽ được ngăn chặn, người dân gần hơn với giấc mơ an cư.
Cách đây 30 năm, Luật Đất đai 1993 ra đời cho phép việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất dễ dàng hơn. Thị trường bất động sản chính thức được hình thành. Từ đó đến nay, cùng với quá trình phát triển kinh tế, thị trường bất động sản ngày càng chứng tỏ vai trò to lớn và quan trọng đối với nền kinh tế, nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân, nhà đầu tư cũng như các nhà hoạch định chính sách.
Tuy nhiên, cũng trong quá trình đó, thị trường bất động sản đã bộc lộ không ít bất cập, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định, minh bạch, bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro.