Giao dịch giảm một nửa, giá bán căn hộ Hà Nội vẫn tăng vì giá thép phi mã
Nguồn cung thấp, chất lượng phát triển cải thiện, cơ sở hạ tầng nâng cấp cùng với việc giá thép tăng gần đây đã dẫn đến giá bán căn hộ tăng trong quý III.
Savills vừa công bố báo cáo tổng quan thị trường bất động sản Hà Nội trong quý III. Báo cáo cho thấy thị trường căn hộ đã không tránh khỏi tác động tiêu cực do Covid-19.
Theo dữ liệu của đơn vị này, nguồn cung căn hộ mới tăng 101% theo quý và 3% theo năm sau khi 2 dự án mới và giai đoạn tiếp theo của 6 dự án mở bán, cung cấp khoảng 3.200 căn. Trong số đó, nguồn cung từ giai đoạn tiếp theo của các dự án đạt 2.500 căn hộ, tương đương 80% nguồn cung mới.
Đáng chú ý trong quý này, số lượng giao dịch căn hộ giảm mạnh song giá bán vẫn tăng. Cụ thể, do ảnh hưởng của Covid-19 nghiêm trọng trong quý này với việc giãn cách toàn thành phố trong vòng hai tháng, số lượng căn bán được trong quý khoảng 2.400 giảm 50% theo quý.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Vị thế thị trường nhà ở Việt Nam giữa xu hướng toàn cầu
Trong khi Covid-19 đã khiến nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ thì bất động sản nhà ở tại Việt Nam vẫn là một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Các chuyên gia nhận định, bất động sản được xem là kho lưu trữ của cải lớn nhất thế giới. Thời gian gần đây, phân khúc nhà ở đã nâng giá trị của bất động sản toàn cầu lên một tầm cao mới. Giá trị của tất cả loại hình bất động sản trên toàn thế giới đã đạt mức cao kỷ lục.
Khảo sát của Savills cho thấy, sự tăng trưởng này được thúc đẩy nhờ bất động sản nhà ở. Đây cũng là phân khúc bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất, tương đương 79% tổng giá trị bất động sản toàn cầu. Giá trị của bất động sản nhà ở trong năm vừa qua tăng 8%, đạt mức 258,5 nghìn tỷ USD.
Không nằm ngoài xu hướng của thị trường quốc tế, ông Troy Griffth, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam nhận định, đầu tư vào thị trường bất động sản tại Việt Nam tiếp tục là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Đã đến lúc phát triển khu công nghiệp không thể tách rời đô thị, dịch vụ
Bất động sản công nghiệp đang có nhiều “xung lực” để có thể phát triển “lên hương”. Tuy nhiên, để hướng tới sự bền vững, tư duy phát triển buộc phải thay đổi, theo đó, khu công nghiệp phải xanh, sạch, gắn liền với khu đô thị, dịch vụ.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI ở mức 19,12 tỷ USD, gần bằng 98% cùng kỳ năm ngoái. Tuy vốn đăng ký sụt giảm nhưng vốn FDI giải ngân tăng 2% lên 11,58 tỷ USD. Trong đó, công nghiệp chế biến và chế tạo vẫn dẫn đầu với 8,31 tỷ USD, tương đương 71,7% tổng vốn thực hiện. Theo Chứng khoán Agribank (Agriseco), điều này cho thấy nhu cầu xây dựng nhà máy để sản xuất, kinh doanh tại khu công nghiệp sẽ tiếp tục tăng, do đó doanh nghiệp khu công nghiệp còn nhiều dư địa tăng trưởng.
Trong giai đoạn 2011 - 2020, dòng vốn FDI vào KCN tăng 10%. 5 tháng dầu năm 2021, vốn đăng ký mới vào KCN tăng 10,3% so với cùng kỳ. Các hiệp định thương mại tự do, chính sách khuyến khích thu hút nhà đầu tư nước ngoài và các quy định mới về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế… dự kiến sẽ thúc đẩy và duy trì dòng vốn đầu tư dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam các năm tới.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thanh Hóa: Đi tắt đón đầu để trở thành “ngôi sao” mới trên thị trường bất động sản công nghiệp
Thanh Hóa là địa phương đang có nhiều dư địa và lực đẩy phát triển, đưa các khu công nghiệp và bất động sản công nghiệp “cất cánh” trong thời gian tới.
Trong bối cảnh thị trường chung khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nhiều phân khúc sụt giảm mạnh thì vẫn có những phân khúc thị trường tìm được cơ hội trong khó khăn, bứt phá mạnh mẽ, đó là thị trường bất động sản công nghiệp. Nguồn cung, nguồn cầu, tỷ lệ lấp đầy, giá thuê, sức hút đầu tư của bất động sản công nghiệp đều đạt các chỉ số tăng trưởng tích cực.
Theo CBRE, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trên cả nước tăng từ 70,2% năm 2020 lên 71,8% trong 5 tháng năm 2021. Các khu vực trung tâm như TP.HCM, Hà Nội, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 90%, do đó nhu cầu đã dịch chuyển về những vùng ven trung tâm có quỹ đất rộng, vị trí thuận lợi và hưởng lợi từ các dự án đầu tư công.
Giá thuê đất trung bình tại Việt Nam khoảng 112 USD/m2, thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực tối thiểu 50%. Giá thuê được dự kiến duy trì ở mức ổn định khi nguồn cung tăng lên. Việc giá thuê trung bình tăng nhưng thấp hơn so với các nước trong khu vực châu Á vẫn sẽ giúp Việt Nam thu hút dòng vốn FDI.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Hà Nội: Nhà đầu tư bất động sản cân nhắc khi "đón sóng" hạ tầng
Theo kiến trúc sư Ngô Trung Hải, khi có thông tin về dự án, quy hoạch mới, dù chưa triển khai nhưng đã gây "sốt đất" đang trở thành tình trạng phổ biến trên thị trường bất động sản.
Dù Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ mới giao nhiệm vụ lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư cầu Trần Hưng Đạo và chưa chính thức được duyệt nhưng giá đất nền tại khu vực quận Long Biên đã tăng "nóng."
Hàng loạt tin rao bán nhà đất ăn theo thông tin quy hoạch tại khu vực này đã khiến thị trường dậy sóng. Tình trạng này thường xuyên xảy ra mỗi khi các địa phương có quy hoạch mới và đã từng để lại rất nhiều hệ lụy tiêu cực. Tuy nhiên, những "trái đắng" thu được sau sốt đất vẫn không giúp các nhà đầu tư tỉnh táo khi nhập cuộc đua. Bởi vậy, các chuyên gia vẫn đưa ra cảnh báo, nhà đầu tư bất động sản cần cân nhắc khi "đón sóng" hạ tầng.
Dưới góc độ chuyên gia, kiến trúc sư Ngô Trung Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam nhận xét câu chuyện khi có thông tin về dự án mới, quy hoạch mới... dù là chưa triển khai hay chỉ mới là "tin đồn" đã gây "sốt đất" đang trở thành tình trạng phổ biến trên thị trường bất động sản.