HoREA kiến nghị chưa tăng thuế sử dụng đất, chưa đánh thuế nhà đất thứ hai
HoREA kiến nghị không thí điểm tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở và không tăng thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên tại TP.HCM vào thời điểm hiện nay.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM đề nghị không thí điểm tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở và không tăng thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên tại TP.HCM vào thời điểm hiện nay.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, việc tăng thuế trên không hợp tình, hợp lý, nhất là trong lúc thu nhập của các hộ gia đình, cá nhân nhìn chung đang bị sụt giảm và cả nước đang trong quá trình nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 lại phải đương đầu với những thách thức rất lớn của các “cơn gió ngược” tác động từ bên ngoài.
Đề xuất này cũng không phù hợp với lộ trình dự kiến đến khoảng năm 2025, vì Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ xem xét đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật thuế, trong đó có đề án về Luật Thuế tài sản (thuế bất động sản).
Xem thông tin chi tiết tại đây
Doanh nghiệp bất động sản “nhảy nhóm nợ“, nhiều hệ lụy sẽ ập đến với nền kinh tế
“Nhảy nhóm nợ” là cụm từ các doanh nghiệp bất động sản e ngại nhất ở thời điểm hiện tại. Bởi nếu vào danh sách nợ xấu kéo dài, việc tiếp cận khoản vay mới từ ngân hàng gần như “đóng cửa”.
Xu hướng tăng tỷ lệ nợ xấu bất động sản vẫn chưa dừng lại khi bước sang năm 2023 - thời kỳ “đỉnh nợ” trái phiếu doanh nghiệp, một loạt doanh nghiệp bất động sản không thể trả nợ các lô trái phiếu tới kỳ đáo hạn nên phải “khất nợ” với nhà đầu tư, đồng thời lùi thời điểm thanh toán.
Trên thực tế tình trạng chậm thanh toán lãi và gốc trái phiếu đã diễn ra phổ biến trong nửa năm qua. Trong giai đoạn từ 16/9/2022 đến ngày 31/1/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ghi nhận có tới 54 doanh nghiệp công bố thông tin với nội dung chậm trả gốc, lãi trái phiếu.
Đặc biệt rất nhiều doanh nghiệp trong số này kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản như Novaland, Hải Phát, Công ty Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, Nam Land, Đầu tư LGD, Danh Khôi, Gotec Land, BĐS Hà An, Apec Land Huế.
Sau đó, chuyên trang trái phiếu của HNX tiếp tục ghi nhận thông tin nhiều doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi trái phiếu đã phát hành như Công ty Nice Star, Lavida Invest, Fuji Nutri Food hay Công ty BĐS Phú Gia.
Làn sóng doanh nghiệp bất động sản mất thanh khoản, không còn khả năng trả nợ đang lan rộng. Trong khi đây là nhóm phát hành trái phiếu doanh nghiệp tích cực nhất trong những năm trước và các ngân hàng đang nắm giữ hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản bên cạnh các khoản vay kinh doanh bất động sản thông thường.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Phê duyệt quy hoạch tỉnh là sức mạnh để đưa Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu
Trở thành tỉnh thứ 4 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đây là tiền đề tạo nên sức mạnh để đưa Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu.
Trong thời kỳ phát triển nhanh và bền vững như hiện nay, có thể thấy Thanh Hóa đang dần trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao.
Theo quy hoạch được thủ tướng phê duyệt, đến năm 2025, Thanh Hóa sẽ nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc. Đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước; quốc phòng, an ninh đảm bảo vững chắc; giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Niềm tin trên thị trường đi xuống, doanh nghiệp BĐS đối mặt với bài toán hóc búa
Doanh nghiệp bất động sản đang rất cần trợ lực để vượt qua những khó khăn, thách thức của năm 2023 - được đánh giá là lớn hơn rất nhiều lần so với năm 2022 và những năm trước đó, kể cả trong giai đoạn dịch bệnh.
Sự sụt giảm về thanh khoản đang là vấn đề khó khăn nhất của thị trường bất động sản và cả thị trường tài chính. Điều này cũng tạo ra rủi ro thanh khoản đối với nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp đang bị áp lực trả nợ đè nặng, đây cũng là thách thức lớn nhất, còn ngân hàng cũng phải đối mặt với áp lực nợ xấu gia tăng.
Ngoài tháo gỡ vướng mắc pháp lý, gánh nặng lãi suất và cơ cấu nợ cho các doanh nghiệp, nền kinh tế đang cần những tác động để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư, tạo động lực để khơi thông mọi dòng chảy thanh khoản đang bị tắc nghẽn.
Reatimes tiếp tục cuộc trao đổi với ông Phạm Xuân Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội cho thuê tài chính Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước).
Xem thông tin chi tiết tại đây
Nhà đầu tư ngoại đánh giá cao thị trường bất động sản Việt Nam
Thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang chứng tỏ sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư và quỹ nước ngoài, bất chấp tình trạng khó khăn mà các nhà đầu tư trong nước đang đối mặt.
Báo cáo khảo sát của nhà đầu tư châu Á - Thái Bình Dương năm 2023, do Công ty tư vấn bất động sản CBRE công bố vào tháng 1/2023 cho thấy, TP.HCM và Hà Nội lọt top 10 điểm đến hấp dẫn nhất về đầu tư xuyên biên giới. Đặc biệt, TP.HCM lần đầu tiên xếp thứ ba chung cuộc, thậm chí còn hấp dẫn hơn cả Australia.
Các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường bất động sản nhà ở tại Việt Nam chủ yếu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á như Hồng Kông, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Với tốc độ đô thị hóa dự báo đạt tỷ lệ 42% vào năm 2025, trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam vẫn còn tiềm năng phát triển bất động sản rất lớn. Thêm vào đó, tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều lên, khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực này.
Điển hình, các nhà đầu tư Singapore đã bắt đầu năm mới 2023 với một số thương vụ quy mô lớn.