Aa

Bất động sản 24h: Ma trận giá đất ảo tại TP. Thủ Đức

Thứ Năm, 14/01/2021 - 10:30

Ma trận giá đất ảo tại TP. Thủ Đức; Bất động sản công nghiệp: Ngôi sao sáng của thị trường bất động sản 2021... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Ma trận giá đất ảo tại TP. Thủ Đức

Mua lô đất gần khu vực Bình Lợi, phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) từ năm 2018, đến quý 2/2019 ông L.T.Thiện chủ sở hữu lô đất từng đưa ra mức giá tầm 65 triệu đồng/m2 và giữ nguyên trong suốt 3 quý đầu năm 2020. Tuy nhiên chỉ 1 tháng sau khi tin TP. Thủ Đức chính thức thành lập, ông Thiện đã điều chỉnh giá trị khu đất của mình lên gần 80 triệu đồng/m2, tăng thêm 25% chỉ trong vài ngày ngắn ngủi.

Với mức giá trên, nhà đầu tư này cũng xác định sẽ khó bán. “Việc bán ra được hay không trong giai đoạn này không phải là mục tiêu tôi hướng đến, cái chính là tăng giá trị cho đất khi thông tin đang nóng và xem phản ứng của thị trường”, ông Thiện cho hay.

Chính bởi không có nhu cầu bán nên ông Thiện rất thoải mái định giá “trên trời” dù biết nhu cầu mua của thị trường không lớn. Ngoài ra nhà đầu tư này cũng tự tin dự đoán, sẽ không mất nhiều thời gian để giá trị bất động sản của khu vực đạt đến mức mà ông đã đưa ra. Việc bất động sản nóng lên vì TP. Thủ Đức là thật và sức hút từ sự phát triển này cũng thực nên giá đất tăng mạnh là chuyện xảy ra sớm hay muộn mà thôi.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản công nghiệp: Ngôi sao sáng của thị trường bất động sản 2021

Trong bối cảnh thị trường chung khó khăn và do tác động của dịch Covid-19, nhiều phân khúc sụt giảm mạnh thì bất động sản công nghiệp gần như không bị ảnh hưởng, thậm chí, dịch Covid-19 lại tạo nhiều cơ hội để phân khúc này bứt phá hơn. Từ nguồn cung, nguồn cầu, tỷ lệ lấp đầy, giá thuê, sức hút đầu tư của bất động sản công nghiệp trong năm 2020 đều đạt các chỉ số tăng trưởng tích cực.

Theo số liệu của các đơn vị nghiên cứu thị trường, tại miền Bắc, trong quý III/2020 có khoảng 2,1 triệu mét vuông nhà xưởng và nhà kho xây sẵn, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại khu vực Miền Nam, diện tích nhà kho xây sẵn chiếm khoảng 2,7 triệu mét vuông, tăng 28,2% so với năm ngoái. Trong khi đó, nguồn cung nhà xưởng xây sẵn đạt khoảng 2,9 triệu mét vuông sàn, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn cung mới gia tăng mạnh ở các khu vực công nghiệp trọng điểm.

Đến quý IV/2020, riêng nguồn cung nhà kho 4 tỉnh phía Nam như Long An, TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương đã tăng vọt lên trên 3 triệu mét vông. Bình Dương dẫn đầu các thủ phủ công nghiệp với gần 1,4 triệu mét vuông kho vận cung cấp cho thị trường bất động sản hậu cần. Phía Bắc cũng tăng trưởng thêm hơn 880.000m2 kho vận xuất hiện tại Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Ninh và Hải Phòng.

Điều đáng nói, dù nguồn cung tăng cao nhưng tỷ lệ lấp đầy trung bình các khu công nghiệp vẫn khá lý tưởng, đạt 73,7%. Ở khu vực phía Nam, tỷ lệ lấp đầy lên tới 88% tại TP.HCM, 99% ở Bình Dương, 94% ở Đồng Nai, 84% ở Long An và 79% ở Bà Rịa Vũng Tàu. Ở phía Bắc, tỷ lệ này lần lượt đạt 90% ở Hà Nội, 95% ở Bắc Ninh, 89% ở Hưng Yên, 82% ở Hải Dương và 73% ở Hải Phòng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

“Ngành vật liệu xây dựng của Việt Nam sẽ thuộc tốp đầu trên thế giới“

Thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) năm 2020 được đánh giá là bức tranh nhiều sắc màu khi bị tác động ít nhiều cùng với nhịp chững của thị trường bất động sản nhưng vẫn có những điểm sáng bứt phá, ngày càng có những đóng góp quan trọng với nền kinh tế. Các doanh nghiệp vật liệu xây dựng đang dần nâng cao khả năng thích ứng với công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến thị trường xuất khẩu.

PGS.TS. Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu Xây dựng

Liên quan đến vấn đề này, Reatimes đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS. Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu Xây dựng. 

PGS.TS. Lê Trung Thành nhận định, trong 10 năm tới, VLXD nước ta chắc chắn vẫn là một lĩnh vực quan trọng, có đóng góp đáng kể đến sự nghiệp phát triển của đất nước nói chung cũng như đối với ngành xây dựng nói riêng. Ngành VLXD của Việt Nam sẽ thuộc tốp đầu trên thế giới.

Đến năm 2030, dự báo sản lượng một số chủng loại VLXD chủ yếu ước đạt như sau: Xi măng 125 - 145 triệu tấn (xuất khẩu 25 - 35 triệu tấn), gạch ốp lát 670 - 690 triệu m2 (xuất khẩu 130 - 140 triệu mét vuông), sứ vệ sinh 37 - 43 triệu sản phẩm (xuất khẩu 7 - 8 triệu sản phẩm), kính xây dựng giữ ổn định 210 - 250 triệu mét vuông (xuất khẩu 10 - 20 triệu mét vuông), gạch xây đất sét nung giảm xuống 22 - 25 tỷ viên quy tiêu chuẩn, vật liệu xây không nung tăng lên 16 - 20 tỷ viên quy tiêu chuẩn, bê tông 250 - 270 triệu mét khối các loại.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Tập đoàn Đất Quảng khẳng định nhiều dự án trong bảng “phong thần” đã có sổ đỏ

Trong số 70 dự án nằm trong “bảng phong thần” do Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam công bố có một số dự án do Tập đoàn Đất Quảng làm chủ đầu tư.

Vừa qua, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam đã công bố chi tiết 70 dự án đầu tư đô thị chưa được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng, trong đó có một số dự án của Tập đoàn Đất Quảng. Đó là: Khu đô thị Đất Quảng Riverside (22,45ha), Khu phố chợ Điện Ngọc 2 (gần 5ha; 2016), Khu đô thị Đất Quảng Green City (15,5ha; 2015), Khu phố chợ Điện Nam Bắc (3,56ha; đang cấp), Khu đô thị Ngân Câu - Ngân Giang (9,3ha; 2014).

Trao đổi với Reatimes, lãnh đạo Tập đoàn Đất Quảng cho hay, Dự án Khu phố chợ Điện Ngọc 2 đã đầu tư hoàn thiện hạ tầng từ năm 2016, đã bàn giao cho Ban Quản lý dự án Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, đã có sổ đỏ và giao dịch trên thị trường.

Khu đô thị Ngân Câu - Ngân Giang làm xong từ năm 2014, hồ sơ thủ tục trình gửi các cơ quan liên quan để bàn giao cũng “treo”; nhưng chủ đầu tư vẫn bảo dưỡng, chăm sóc cây xanh, đường, điện…

Xem thông tin chi tiết tại đây

M&A bất động sản được dự báo sôi động năm nay

Nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng dần hé mở các cơ hội M&A của mình trong năm 2021. CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (HoSE: AGG) cho biết đang đàm phán mua 30 - 50 ha để phát triển các dự án thấp tầng và đã đặt cọc một dự án 3.000 sản phẩm tại Bình Dương. Coi việc mở rộng quỹ đất là chiến lược xuyên suốt, An Gia khẳng định không ngừng tìm kiếm các cơ hội, thực hiện M&A, ưu tiên đất sạch, có pháp lý rõ ràng, thời gian triển khai nhanh. 

CTCP Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) cũng đang thực hiện các thủ tục M&A 2 khu đất thuộc khu Đông TP.HCM (quận 9, Thủ Đức) với tổng diện tích hơn 100 ha, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2021. Giá trị mỗi dự án đạt hơn 2.000 tỷ đồng, theo đại diện công ty . Đồng thời, theo kế hoạch, năm 2020, Nam Long cũng tiến hành chuyển nhượng vốn từ 2 dự án Đồng Nai Waterfront (170 ha, Đồng Nai) và Paragon Đại Phước (45 ha, Đồng Nai), dự kiến đem lại 725 tỷ đồng thu nhập tài chính.

Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng các thương vụ M&A sẽ giúp thị trường bất động sản năm 2021 sôi động hơn. Bởi lẽ, quá trình phê duyệt pháp lý kéo dài kể từ giữa năm 2018 và tác động của dịch Covid–19 đã khiến nhiều nhà phát triển có quy mô nhỏ đối mặt với các vấn đề tài chính. Điều này đã tạo cơ hội săn tìm đất cho các công ty bất động sản có tiềm lực mạnh về tài chính. Theo Colliers Việt Nam, trong 9 tháng năm 2020 có ít nhất 10 nhà phát triển nước ngoài mới từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Singapore đang tìm kiếm cơ hội gia nhập thị trường Việt Nam. Con số này đáng ngạc nhiên khi so sánh với 12-15 nhà phát triển nước ngoài tại Việt Nam hiện tại, nguyên nhân từ việc Việt Nam kiểm soát tốt sự bùng phát đại dịch Covid-19. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top