Tại các chung cư ở Hà Nội, nhiều mâu thuẫn bắt nguồn từ diện tích chung - riêng
Theo Savills, thực tế ghi nhận, nhiều khu chung cư tại Hà Nội xảy ra các vấn đề phát sinh liên quan đến diện tích sử dụng chung - riêng. Mâu thuẫn chủ yếu đến từ việc các bên không phân định và thống nhất được khu vực nào thuộc sở hữu chung, khu vực nào riêng. Căng thẳng giữa cư dân và chủ đầu tư dẫn đến hoạt động của Tòa nhà bị đình trệ, các dịch vụ và tiện ích không được cung cấp đầy đủ.
Các văn bản pháp lý của Nhà nước liên quan đến quản lý và vận hành nhà chung cư đã quy định khá chi tiết và đầy đủ. Gần đây nhất, Thông tư 05 của Bộ Xây dựng - văn bản hợp nhất các văn bản liên quan đến quản lý vận hành nhà chung cư, đã được ban hành. Tuy nhiên, mâu thuẫn tại các dự án chung cư bắt nguồn từ sự thiếu đầy đủ, minh bạch trong tài liệu quy định việc sử dụng khu vực chung - riêng khi chủ đầu tư phát triển và xây dựng dự án; dù đã được phân định rõ trong văn bản luật. Điều này dẫn đến sự mơ hồ trong việc xác định quyền sở hữu và sử dụng sau này.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Tăng trưởng GDP quý II khó cán đích khi thị trường địa ốc tiếp tục “đứng bánh”
Dựa trên thực tế không có nhiều chuyển biến của nền kinh tế, báo cáo mới đây của nhiều tổ chức đều đưa ra nhận định, tăng trưởng GDP quý II sẽ ở mức thấp dưới 5% và mức tăng trưởng này gần như thấp nhất trong 13 năm qua (kể từ 2011), chỉ cao hơn mức tăng của quý II/2020 (tăng 0,2%).
Cụ thể, báo cáo vĩ mô của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vừa công bố dự báo, tăng trưởng GDP quý II chỉ ở mức 4,3%.
Theo KBSV, một số yếu tố có tính chất hỗ trợ về mặt chính sách đã xuất hiện như Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, ban hành thông tư 02 và 03, gói hỗ trợ nhà ở xã hội, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng VAT, tăng lương cơ bản, đẩy mạnh đầu tư công...
Xem thông tin chi tiết tại đây
Giải pháp nào cho doanh nghiệp đang mòn mỏi chờ dòng tiền?
Tại chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, nhiều đại biểu tiếp tục nêu ra những khó khăn bủa vây doanh nghiệp. Đại biểu Ma Thị Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang chỉ rõ, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm 2023 tăng 25,1% tương ứng với gần 77.000 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp phải bán tài sản để giải quyết thanh khoản. Thu nhập, đời sống của người lao động cũng bị ảnh hưởng. Quý I/2023 có 149.000 lao động mất việc làm, tăng 39.000 lao động so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chính sách ưu đãi vẫn chưa phát huy nhiều tác dụng.
Là người làm việc nhiều với các doanh nghiệp Việt Nam thông qua công tác kiểm toán, tư vấn, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, nguyên Tổng giám đốc PwC Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp đang gặp phải vấn đề thanh khoản khi chu kỳ vốn lưu động của doanh nghiệp ngày càng dài, kéo theo nhu cầu dòng tiền rất lớn, đặc biệt, khi các doanh nghiệp Việt Nam vẫn sử dụng vốn vay lớn, chi phí cho lãi vay cao.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Môi giới bất động sản bỏ nghề do thu nhập không đủ sống
Thị trường bất động sản có dấu hiệu "suy yếu" kể từ đầu năm 2022. Tình trạng này vẫn tiếp tục duy trì đến tận thời điểm hiện tại đã ảnh hưởng trực tiếp tới các ngành nghề liên quan, đặc biệt là lực lượng môi giới.
Dù gắn bó với nghề môi giới bất động sản nhiều năm, nhưng mới đây anh Nguyễn Đức Huy ở Hà Nội phải đưa ra quyết định chuyển sang công việc bán xe hơi. Theo anh Huy, từ đầu năm 2022, công việc môi giới bất động sản đã bị chững lại, giao dịch ít dần và gần như không có từ cuối năm 2022 đến đầu năm nay.
"Do thời gian dài không có giao dịch, văn phòng môi giới tôi làm phải tạm thời đóng cửa. Tôi và nhiều người khác phải bỏ nghề vì nhiều tháng nay không có thu nhập, cuộc sống hàng ngày gặp nhiều khó khăn", anh Huy nêu lý do.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Cần đồng bộ quy định giữa các luật về phương thức quản lý bất động sản đa công năng
Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi vừa góp ý về Luật Nhà ở (sửa đổi) gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Theo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi, chương trình phát triển nhà ở là một loại quy hoạch ngành, nằm ngoài hệ thống quy hoạch nhưng trình tự xây chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở hết sức rườm rà: UBND cấp tỉnh tổ chức lập chương trình phát triển nhà ở, gửi lấy ý kiến Bộ Xây dựng, trình HĐND cùng cấp thông qua rồi mới được phê duyệt.
Do đó, Sở Xây dựng Quảng Ngãi đề nghị cần xem xét theo hướng giữ nguyên như khoản 1 Điều 15 Luật Nhà ở năm 2014 là UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng chương trình phát triển nhà ở để trình HĐND cùng cấp thông qua trước khi phê duyệt và triển khai thực hiện chương trình (bỏ qua bước lấy ý kiến Bộ Xây dựng).