Giá đất nền ở tỉnh còn có thể giảm sâu hơn?
Sau thời "nhảy múa", thị trường đất nền ở nhiều tỉnh lộ dấu hiệu “xì hơi”, nhiều nhà đầu tư đang vung tiền gom đất "ngộp" với tầm nhìn trung và dài hạn. Tuy nhiên, cũng có không ít nhà đầu tư tiềm lực vẫn đang “ôm tiền” chờ giá giảm thêm.
Giữa tháng 1/2023, anh Trần Xuân Tiến (Hà Nội), một nhà đầu tư có gần 15 năm kinh nghiệm, "xuống tiền" mua một khu đất nông nghiệp tại Duy Tiên (Hà Nam), diện tích xấp xỉ 0,7ha, trị giá 830 triệu đồng.
Anh Tiến cho hay, kể từ tháng 8 đến nay, dù thị trường trầm lắng, anh vẫn đi qua nhiều tỉnh như Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Ninh Bình... để xem đất. Ưu tiên của anh hiện tại là những lô đất có vị trí đẹp, tầm giá 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, nằm gần khu dân cư.
“Nhà đầu tư mới thường thích lao vào sốt đất, nhiều người “ăn đậm” nhưng cũng không ít người khốn đốn vì gãy đòn bẩy tài chính. Ngược lại, những nhà đầu tư có tiềm lực, giàu kinh nghiệm thường chọn mua lúc trầm lắng, bán khi sôi động, vì thế đây là thời điểm thích hợp để họ xuống tiền”, anh Tiến nói.
Cũng nằm trong nhóm săn hàng ngộp, anh Hoàng Minh Vũ, một tay buôn đất gần 10 năm, cho biết thời gian qua, anh và cộng sự tích cực tìm kiếm “mối ngon” ở Hưng Yên, khu vực có đất nền gần các khu đô thị lớn, tuyến đường quy hoạch sau sốt giá giờ đang ghi nhận đà giảm 20 - 40%.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thị trường nhà ở “khát" nguồn cung: Nguồn cơn và hệ lụy
Nửa thập kỷ nguồn cung lao dốc, cơ cấu sản phẩm mất cân đối trầm trọng khi vắng bóng hoàn toàn phân khúc giá rẻ nằm trong tầm với của người dân là những thách thức lớn đang bủa vây thị trường nhà ở.
Nói một cách ví von, “cơn khát” nguồn cung tựa như con sóng dữ xô bờ thị trường. Sóng sau xô sóng trước, năm này qua năm khác, cứ thế đánh tan giấc mơ an cư của nhiều người lao động, bồi nên những cơn sốt ảo nhưng để lại các hệ lụy thật.
Theo số liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong khoảng 5 năm trở lại đây, nguồn cung bất động sản nhà ở mới được đưa ra thị trường đã liên tục “lao dốc”. Cụ thể, tổng cung ra thị trường của bất động sản nhà ở thương mại năm 2022 chỉ tương đương 90% năm 2021, 54% so với năm 2020, 44% so với năm 2019 và 28% so với năm 2018.
Đến nay, sự lệch pha cung - cầu ngày càng trở nên rõ nét hơn, nhất là trong bối cảnh thị trường trầm lắng. Các chuyên gia cảnh báo, thực trạng “khát cung” sẽ để lại nhiều hệ lụy khôn lường cho thị trường nhà ở, không chỉ khiến người dân gặp nhiều bất lợi, ngày càng hẹp cửa mua nhà, mà còn tác động tiêu cực đến cả những ngành nghề khác liên quan đến bất động sản, đồng thời làm kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Xem thông tin chi tiết tại đây
“Giải cứu” khẩn cấp nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đã có trình gửi Thủ tướng Chính phủ để đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
Có thể thấy Chính phủ đang quan tâm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, tạo nguồn cung nhà ở vừa túi tiền để từ đó “kích cầu” thị trường bất động sản. Vừa qua, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Tại Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 10/8/2022 kết luận hội nghị, Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng đề xuất nhiều giải pháp, gồm xây dựng đề án Xây dựng 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030.
Để hiện thực hóa đề án Xây dựng 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội thì giải pháp dài hạn, căn cơ là phải sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở để đề ra những chính sách thực chất nhằm phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là việc tạo lập quỹ đất, bố trí vốn, các cơ chế ưu đãi và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Nhưng Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến thông qua vào cuối năm 2023 và phải đến tháng 7/2024 mới có hiệu lực. Trong một năm rưỡi sắp tới, Chính phủ cần áp dụng giải pháp trung hạn và ngắn hạn nhằm “giải cứu” nhà ở xã hội, gồm sửa đổi Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 49/2021/NĐ-CP).
Xem thông tin chi tiết tại đây
Sửa Nghị định 65: Cổ phiếu bất động sản có "tan băng"?
Việc sửa đổi Nghị định 65 về TPDN được kỳ vọng sẽ đem lại tác động tích cực không chỉ cho thị trường này mà cả các lớp tài sản khác như thị trường cổ phiếu. Trong đó, nhóm BĐS hứa hẹn có thêm cú hích phá "tan băng".
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất nghiêng về phương án lùi thời gian thực hiện quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp lại 1 năm, chuyển từ ngày 1/1/2023 sang ngày 1/1/2024.
Bộ Tài chính cũng đề nghị cho phép lùi thời gian thực hiện quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong vòng 1 năm, bắt đầu từ ngày 1/1/2024 thay vì từ 1/1/2023.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính còn đề xuất cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.
Theo giới phân tích, đây là tín hiệu tích cực cho thị trường trái phiếu khi áp lực trả nợ giảm đi, bởi thời gian vừa qua với bối cảnh thắt chặt các khoản vay ngân hàng, thị trường trái phiếu "chao đảo" và bán hàng trầm lắng, dòng tiền của nhiều nhà phát triển bất động sản đang dần cạn kiệt. Tất cả những điều này khiến khả năng thanh toán ngắn hạn của các doanh nghiệp bất động sản đang gặp nhiều thách thức.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Giá một căn nhà tại Thủ đô Hà Nội tương đương 45 năm thu nhập bình quân của người lao động
Thủ đô Hà Nội đã chính thức lọt top 10 thế giới về việc khó mua nhà do giá nhà vượt xa nhất so với thu nhập bình quân - theo một nghiên cứu vừa công bố.
Cụ thể, theo một nghiên cứu về thị trường bất động sản của NetCredit - nền tảng thuộc Enova International (công ty công nghệ có giá trị vốn hóa hơn 1,5 tỷ USD tại Mỹ) - cho biết: Hà Nội thuộc nhóm các Thủ đô khó mua nhà nhất trên thế giới.
Kết quả này được NetCredit phân tích dựa trên hơn 800.000 tin đăng bán nhà tại 73 thành phố là Thủ đô của các nước trên thế giới trong một năm từ tháng 10/2021 đến tháng 10/2022, đối chiếu với các báo cáo về thị trường nhà đất tại từng quốc gia.
Theo nghiên cứu này, mức giá bình quân của một căn nhà tại Thủ đô Hà Nội được rao bán trong khoảng thời gian trên là 251.000 USD (5,9 tỷ đồng). Còn mức giá nhà bình quân theo m2 tại Hà Nội là 4.100 USD/m2 (97 triệu đồng/m2). Khảo sát này thu thập dữ liệu của cả loại hình nhà ở riêng lẻ và căn hộ.