Mức độ quan tâm đất nền sụt giảm nhưng giá vẫn cao
Thị trường đất nền đang chứng kiến làn sóng các nhà đầu tư rao bán đất với giá cắt lỗ ngày càng nhiều.
Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, tại thị trường Hà Nội, mặc dù số lượng thông tin chào bán đất nền tăng nhưng mức độ quan tâm đến phân khúc này trong những tháng đầu năm 2023 đã giảm khoảng 60% so với năm 2021 và giảm 30% so với năm 2022. Đáng chú ý, dù không có nhiều giao dịch, tính thanh khoản đang bị đứt gãy nhưng giá đất nền hiện vẫn đang giữ ở mức cao.
Khảo sát thực tế cũng cho thấy, từ đầu năm đến nay, tại một số huyện ngoại thành Hà Nội như Hoài Đức, Gia Lâm,Thường Tín, Sóc Sơn, Ba Vì…, giá đất nền được chào bán dao động trung bình từ 15 - 55 triệu đồng/m2 tùy vị trí và diện tích. Khu vực Long Biên có mức giá cao hơn, khoảng 85 triệu đồng/m2.
Một số khu vực tại Hà Nội có giá rao bán đất nền tăng như Gia Lâm với mức tăng từ 47 lên 50 triệu đồng/m2 vào đầu năm 2023; huyện Thạch Thất, Đan Phượng cũng có giá rao bán tăng mạnh so với năm 2022.
Tuy nhiên, bên cạnh xu hướng tăng giá thì một số huyện cũng đang có giá rao bán sụt giảm so với năm 2022, nhưng con số không đáng kể. Điển hình như huyện Mê Linh có mức giá rao bán đất nền dao động trung bình khoảng 25 triệu đồng/m2 cho năm 2022 nhưng đầu năm 2023 đã giảm nhẹ xuống còn 24 triệu đồng/m2; tương tự là huyện Thanh Oai với mức giá bán giảm từ 22 xuống còn 21 triệu đồng/m2.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Sau cơn sốt, bất động sản Bắc Giang hiện nay thế nào?
Trong thời điểm thị trường bất động sản Bắc Giang diễn biến sôi động, chỉ cần có người bán đất, các nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền ngay. Tuy nhiên, hiện tại hoàn cảnh đã trái ngược, thị trường rơi vào trầm lắng theo đó thanh khoản cũng sụt giảm.
Mấy năm trở lại đây, thị trường bất động sản Bắc Giang liên tục đón nhận nhiều cơn sốt đất, khiến giá liên tục tăng mạnh. Theo đó, trong giai đoạn 2020 - 2021, nơi đây trở thành "miền đất hứa" của giới đầu tư địa ốc tại miền Bắc, khi không ít người kiếm được tiền tỷ từ thị trường này.
Còn nhớ, đầu năm 2022, thị trường này vẫn diễn biến rất sôi động, khi đó cứ có lô đất nào được rao bán là nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền nhanh chóng. Thậm chí 1 lô đất có tới 20 người tranh mua.
Anh Tuấn, người dân tại xã Tân Tiến kể lại, đầu năm ngoái gia đình anh rao bán 1 mảnh đất có diện tích 100m2 nằm ở mặt đường rộng 6m. Chỉ trong 1 buổi sáng có hàng chục xe ô tô của người mua và môi giới nối đuôi nhau tới xem đất.
"Cứ mỗi lần có người vào mua giá đất lại kê chênh lên 20 - 30 triệu đồng. Cuối cùng, tôi chốt bán với mức giá hơn 3 tỷ đồng. Người mua lập tức xuống tiền đặt cọc, chỉ vài ngày sau đã hoàn tất thủ tục sang tên và trả hết tiền", anh Tuấn nói.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Cần mạnh tay hơn trong xử phạt "trốn thuế" mua bán bất động sản
Hiện tượng trốn thuế của các cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh vẫn diễn ra rất phức tạp, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Việc này gây nên những hậu quả lớn đối với Nhà nước cũng như với môi trường kinh doanh.
Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, hướng đến sự công bằng cho các chủ thể tham gia kinh doanh, Đảng và Nhà nước đã có những sự điều chỉnh kịp thời trong các chủ trương, chính sách về thuế. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, rất nhiều cá nhân và doanh nghiệp bị kiểm tra, thanh tra, điều tra về hoạt động kinh doanh trốn thuế. Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về thuế đang xảy ra theo chiều hướng diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, đặc biệt phổ biến nằm ở lĩnh vực bất động sản với giá trị rất lớn, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, làm lũng đoạn, thiếu minh bạch cho thị trường bất động sản.
Trong lĩnh vực bất động sản, nhiều dấu hiệu trốn thuế, không kê khai hoặc giao dịch ghi giá chuyển nhượng tại hợp đồng thường thấp hơn nhiều so với giá thực tế mà các bên thỏa thuận nhằm giảm số tiền phải đóng thuế.
Mới đây, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra một số đối tượng có hành vi khai báo sai giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất, có dấu hiệu phạm tội "trốn thuế", quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự.
Theo tìm hiểu của PV, việc chuyển nhượng, giao dịch đất đai bằng các hợp đồng "hai giá" nhằm giảm hoặc trốn tránh nghĩa vụ thuế giữa các bên xảy ra khá phổ biến.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Rào cản từ hạn mức chuyển nhượng với quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung
Quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp bộc lộ một số hạn chế, bất cập nhất định. Bất cập xuất phát từ chính sách về đất đai là rào cản lớn đối với chủ đầu tư của các dự án nông nghiệp.
Là một quốc gia đang phát triển, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Theo báo cáo ngày 29/12/2022 của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 thì GDP năm 2022 ước tính tăng 8,02% (cao hơn tốc độ tăng 6,42% của 6 tháng đầu năm 2022). Có được sự tăng trưởng này là nhờ sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự chuyển hướng kịp thời trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn, lạm phát tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ buộc các quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,88% (đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế).
Đây là khu vực ghi nhận tốc độ tăng trưởng đồng đều do ít chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mặc dù kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển, nhưng nhìn chung sản xuất vẫn phân tán, nhỏ lẻ. Vì vậy, để đạt được hiệu quả cao, định hướng của nước ta về phát triển nông nghiệp bền vững, lâu dài là chuyển hướng từ sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ sang quy mô sản xuất hàng hóa lớn.
Theo Quyết định số 387/QĐ-BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 2/3/2022 về vấn đề phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2020 thì tính đến ngày 31/12/2020, diện tích nhóm đất nông nghiệp của cả nước là 27.983.482ha.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Kiến nghị dừng đề xuất quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn
HoREA kiến nghị xem xét không nên tiếp tục đề xuất "quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn" trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tới đây.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa gửi kiến nghị tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với một số nội dung đáng chú ý. Trong đó, có nội dung đề nghị xem xét không nên tiếp tục đề xuất "quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn" trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tới đây.
Theo HoREA, việc Bộ Xây dựng đề xuất quy định sở hữu nhà chung cư; chủ sở hữu chung cư sẽ phải chấm dứt quyền sở hữu khi nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ. Chủ sở hữu được tiếp tục sử dụng phần diện tích đất có nhà chung cư, nhưng phải nộp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư mới, áp dụng đối với tất cả nhà chung cư xây dựng mới sẽ làm tăng gánh nặng và độ phức tạp cho công tác quản lý nhà nước của ngành xây dựng.
HoREA nhận thấy, rất cần thiết nghiên cứu và trả lời ý kiến trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị "cần làm rõ, rà soát bản chất của vướng mắc cải tạo, phá dỡ nhà chung cư cũ có phải do quy định về sở hữu nhà chung cư không xác định thời hạn hay không? Có phải nếu chuyển sang hình thức sở hữu nhà chung cư có thời hạn thì sẽ xử lý được hay không?".