Aa

Bất động sản 24h: Nhà ở xã hội - ước mơ an cư vẫn là bài toán khó với công nhân

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Hai, 15/05/2023 - 10:42

Để giá đất sát với giá thị trường; Nhà ở xã hội - ước mơ an cư vẫn là bài toán khó với công nhân... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Để giá đất sát với giá thị trường

Xác định giá đất sát hơn với giá thị trường đòi hỏi phải có nhiều giải pháp kết hợp, chứ không chỉ là bảng giá đất, ví dụ như: Luật thuế (cả về xây dựng luật và thực thi luật), quản lý thị trường, khống chế đầu cơ...

Tổng kết thực tiễn gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy, quy định về giá đất cụ thể là điểm không thành công. 

Giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định được sử dụng làm căn cứ tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất không nhận được sự đồng thuận của nhiều người bị thu hồi đất; tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn chiếm tỉ lệ cao (khoảng 60% các khiếu nại của người dân) do giá đất cụ thể được xác định thấp hơn giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng, nguyên tắc định giá đất "phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường" đã được thảo luận, trao đổi trong thời gian dài. Tuy nhiên, dự thảo Luật đất đai lần này vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Luật Đất đai năm 2013 trao cho UBND cấp tỉnh nhiều quyền năng, như có quyền giao đất, cho thuê đất, công nhận quyển sử dụng đất có quyền chuyển mục đích sử dụng đất; có quyền thu hồi đất và có quyền quyết định giá đất cụ thể làm căn cứ để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất… Điều này khó tránh khỏi tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" trong thu hồi đất và xác định giá đất cụ thể để bồi thường cho người bị thu hồi đất.

Xem thông tin chi tiết tại đây

TS. Đậu Anh Tuấn: “Việt Nam sẽ điều chỉnh chính sách như thế nào để giữ sức hấp dẫn với doanh nghiệp FDI?“

Thời gian qua, Việt Nam được xem là hình mẫu thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ môi trường đầu tư hấp dẫn, nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao.

Tại Hội thảo “Đầu tư kinh doanh giữa Nhật Bản và Việt Nam: Tìm kiếm cơ hội trong nghịch cảnh” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức, TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chia sẻ về bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam cùng những thách thức, cơ hội trong một số ngành nghề nổi bật. Bên cạnh đó, là những thông tin về khung pháp luật của Việt Nam dành cho nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam có nguyên tắc là Không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. (Ảnh minh họa: Reatimes)

Theo TS. Đậu Anh Tuấn, Nhật Bản là một quốc gia đặc biệt quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng của Việt Nam. Trong nhiều năm qua, mối quan hệ đối tác đầu tư thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản có nhiều ý nghĩa và mang chiều hướng tích cực. 

Đặc biệt, mối quan hệ hợp tác của hai nước đang phát triển mạnh mẽ và trở thành mẫu mực trong quan hệ hợp tác giữa một quốc gia phát triển và một quốc gia đang phát triển. 

Trước hết, đưa ra những nhận định về môi trường kinh doanh Việt Nam, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, dưới góc nhìn của nhà đầu tư thì hiện nay, Việt Nam là một thị trường đáng quan tâm và nổi bật với vị trí chiến lược đặc biệt. Việt Nam là một quốc gia có vị trí quan trọng khi nằm tiếp giáp với Trung Quốc và nằm trong trung tâm phát triển kinh tế năng động nhất trên thế giới. Chính vì vậy, thời gian qua, Việt Nam đã nhận được sự chú ý của các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các nhà đầu tư chuyên nghiệp Nhật Bản.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nhà ở xã hội - ước mơ an cư vẫn là bài toán khó với công nhân

Nhiều công nhân chia sẻ, với mức lương 7 - 8 triệu đồng/tháng thì rất khó có thể mua được nhà ở xã hội. Cùng với đó, việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ mua nhà của Nhà nước rất khó khăn, mức lãi suất vay ưu đãi lên tới hơn 8% là không kham nổi.
Có một căn nhà ở xã hội sau nhiều năm đi làm xa nhà, không phải thuê trọ là mơ ước của nhiều công nhân. Thế nhưng, thực tế, số tiền dành mua nhà ở xã hội còn quá lớn so với thu nhập hàng tháng của họ. Vì vậy, để mua được một căn nhà, họ sẽ phải lên kế hoạch tích lũy hay vay mượn, sau đó trả nợ trong nhiều năm. Đây thực sự là bài toán khó với nhiều công nhân, người lao động khi mưu sinh nơi “đất khách, quê người”.

Chị Đặng Thị Dung (quê ở Thái Nguyên), là công nhân Doanh nghiệp chế xuất Nitori Việt Nam, hiện 2 mẹ con chị sinh sống tại chung cư do công ty thuê cho công nhân. Mặc dù rất muốn có 1 nơi “là nhà”, là thuộc sở hữu riêng, nhưng với mức lương chỉ 7 triệu đồng/tháng nên dự định mua nhà ở xã hội của chị phải gác lại.

Chị Dung chia sẻ, với mức lương khiêm tốn như hiện nay, nếu chi tiêu thật tiết kiệm và gửi con cho ông bà ở quê chăm sóc giúp thì có thể mua một căn nhà nhưng sẽ phải trả góp trong thời gian rất dài. Nếu 1 căn nhà xã hội có giá khoảng 500-600 triệu đồng thì khả năng mua nhà của công nhân sẽ dễ dàng hơn.

Có cùng nỗi trăn trở, anh Nguyễn Đình Trung, công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết, anh sống và làm việc tại Hà Nội gần 10 năm nay, đã có bạn gái và muốn lập gia đình nhưng do chưa mua được nhà nên kế hoạch tạm gác lại.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường khách sạn Hà Nội phục hồi mạnh sau một năm mở cửa trở lại

Nhiều ý kiến đánh giá, thị trường du lịch nói chung và phân khúc khách sạn nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực, tiếp tục duy trì được đà phục hồi và bước đầu vượt qua khó khăn sau dịch bệnh.

Sau một năm kể từ ngày chính thức mở cửa trở lại từ ngày 15/03/2022, thị trường đã liên tiếp ghi nhận những tín hiệu tích cực.

Tổng cục Du lịch cho biết, dịp nghỉ lễ kéo dài vừa qua, các địa phương trên cả nước ước tính đã đón hơn 7,3 triệu lượt khách quốc tế và nội địa, trong đó 3,2 triệu lượt khách có lưu trú với tổng doanh thu du lịch ước đạt 24.000 tỷ đồng.

Các khách sạn tại Hà Nội cũng đang có những bước cải thiện nhất định. (Ảnh minh hoạ: Reatimes)
Các khách sạn tại Hà Nội cũng đang có những bước cải thiện nhất định. (Ảnh minh hoạ: Reatimes)

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2023 tăng trưởng GDP có sự giảm tốc, chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, khu vực dịch vụ lại thể hiện rõ sự phục hồi, với mức tăng 6,79%.

Hòa chung với bức tranh phục hồi của khu vực dịch vụ, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 do Tổng cục Thống Kê công bố, doanh thu lữ hành 4 tháng đầu năm 2023 trên toàn quốc ước đạt 9,1 nghìn tỷ đồng, gấp gần 2,1 lần cùng kỳ năm trước.

Khách quốc tế đến Việt Nam vào khoảng hơn 3.683,7 nghìn lượt người, đạt gần 50% mục tiêu cả năm, gấp 19,2 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 61,7% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước đại dịch.

Khách du lịch quốc tế tới Việt Nam chủ yếu tới từ thị trường Hàn Quốc, theo sau đó là Mỹ, Thái Lan và Trung Quốc. Hàn Quốc vẫn là thị trường hàng đầu với 259.357 lượt khách trong tháng 4 và hơn 1 triệu lượt khách trong 4 tháng đầu năm. Đặc biệt, lượng khách Trung Quốc trong tháng 4 cũng chứng kiến mức tăng ấn tượng với 111.903 lượt khách, gần gấp đôi lượng khách đến trong tháng 3. Tính chung 4 tháng đầu năm, thị trường ghi nhận 252.136 lượt khách Trung Quốc tới Việt Nam.

Tại thị trường Hà Nội, theo Sở Du lịch Hà Nội, thành phố đã đón tổng cộng 8,14 triệu lượt khách trong bốn tháng đầu năm, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, lượng khách nội địa ước đạt 6,7 triệu lượt và khách quốc tế vượt xa cùng kỳ 2022, đạt 1,44 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 30.150 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: “Nhà thầu xây dựng đang rơi vào tình trạng nợ vòng quanh”

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, các nhà thầu xây dựng hiện nay đều trong tình trạng nợ vòng quanh, chủ đầu tư nợ nhà thầu chính, nhà thầu chính nợ nhà thầu phụ...

Phát biểu tại sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2023, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) đã thẳng thắn bày tỏ những khó khăn mà cộng đồng nhà thầu xây dựng trong nước đang gặp phải. 

Theo ông Hiệp, các nhà thầu xây dựng Việt Nam hiện nay đang rơi vào hoàn cảnh khó chồng khó khi hành lang pháp lý cho các nhà thầu rất "mỏng manh", nhiều lỗ hổng. Cùng với đó, tình trạng nợ đọng kéo dài đang diễn ra phổ biến, đặc biệt là tình trạng nợ vòng quanh như: Chủ đầu tư nợ nhà thầu chính, nhà thầu chính nợ nhà thầu phụ, nhà thầu nợ nhà cung cấp…

"Thực tế này đã khiến thị trường Việt Nam như một mớ bòng bong", ông Hiệp nhìn nhận. 

Chia sẻ cụ thể hơn vấn đề nợ đọng, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Kỹ thuật công trình Việt Nam cho biết, nợ đọng đang là tình trạng phổ biến của hầu hết các nhà thầu. Dù chưa có thống kê chính thức tình trạng nợ đọng xây dựng nhưng thực tế là các nhà thầu đã từng hoặc đang tồn tại các khoản nợ khó đòi, phải trích dự phòng nợ xấu.

"Doanh nghiệp chúng tôi có vốn điều lệ là 100 tỷ đồng, song công nợ mà các chủ đầu tư nợ chúng tôi đã lên đến 200 tỷ đồng. Từ một công dân bình thường thì giờ chúng tôi đã trở thành những chủ nợ với các tài sản đảm bảo là các căn hộ, condotel… không biết bao giờ mới hoàn thiện", ông Minh nói.  

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top