Nhìn bối cảnh này, giá nhà khó hạ nhiệt
Theo chuyên gia CBRE Việt Nam, giá được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng, dù hoạt động đầu cơ có thể bắt đầu hạ nhiệt khi cơ quan nhà nước theo dõi thị trường chặt chẽ hơn.
Toàn thị trường trong 3 tháng đầu năm, giá bật tăng ở hầu hết các phân khúc. Tình hình này được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến từ giờ đến cuối năm, thậm chí sang các năm sau.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, đến thời điểm hiện tại, nguồn cung mới ra thị trường chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Tới cuối năm 2021, bất động sản tại nhiều khu vực vẫn tiếp tục ghi nhận sự khởi sắc về cả lượt tìm kiếm, giá bán lẫn giao dịch.
Lý do xu hướng giá bất động sản có thể tiếp tục tăng ở mức cao vì nguồn cung yếu do thủ tục đầu tư vẫn chưa được tháo gỡ triệt để và lực cầu đang được duy trì, thậm chí có thể mạnh hơn. Bên cạnh đó, các yếu tố như nguy cơ lạm phát, kinh tế phát triển mạnh trở lại sau dịch (GDP năm 2022 dự báo lên đến 6,5 - 7,5%) cũng tạo áp lực tăng giá bất động sản.
Theo quy luật, bất động sản sẽ là kênh trú ẩn an toàn cho một bộ phận người giàu trong xã hội khi xảy ra lạm phát. Điều này sẽ tăng giá bất động sản, qua đó làm giảm cơ hội mua nhà của người lao động có thu nhập thấp và trung bình. Thêm vào đó, giá đất tại TP.HCM, cụ thể là khu vực trung tâm, đang bị đẩy lên một mức mới, từ đó khiến các chủ đầu tư khó tạo lập được quỹ đất và ảnh hưởng đến nguồn cung nhà ở.
Có thể so sánh các loại hình, phân khúc bất động sản là các bình thông nhau. Khi loại hình hay phân khúc này bị ảnh hưởng thì các loại hình, phân khúc khác cũng chịu tác động tương tự.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Quy hoạch “bền vững” – nền tảng nâng tầm đô thị Việt trong khu vực
Thước đo của quy hoạch đô thị hiện đại, bền vững là lấy con người làm trung tâm, đảm bảo chất lượng đời sống của cư dân trong khu đô thị và chất lượng môi trường, tự nhiên xung quanh.
Quá trình đô thị hóa làm cho mật độ xây dựng ở các thành phố trở dày đặc hơn và nhu cầu về tài nguyên đất đai cao hơn, điều này đã tạo ra áp lực lên việc hình thành và gìn giữ những khoảng không gian công cộng tại các thành phố. Không gian công cộng sẽ bị thu hẹp hoặc mất đi hoàn toàn nếu chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc tận dụng tối đa quỹ đất để xây dựng dự án mà không thực sự quan tâm đến việc tạo không gian sống xanh kết nối giữa các tòa nhà và các tiện ích công cộng khác.
Những năm gần đây, các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM… đã đạt được những bước tiến đáng kể về đô thị hóa, tuy nhiên mật độ xây dựng dày đặc của các dự án tòa nhà văn phòng, bán lẻ cũng như chung cư cao tầng đang chen chúc trên quỹ đất ngày càng co hẹp. Hiện tượng này cũng làm tăng mật độ dân số tập trung ở một khu vực, dẫn đến tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng, tỷ lệ mảng xanh so với đầu người giảm xuống rất thấp.
Báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) năm 2020 cho biết, tỷ lệ trung bình diện tích cây xanh trên đầu người dân TP.HCM chỉ đạt 0,55 m2/người. Theo ước tính, mỗi người dân đô thị cần diện tích khoảng 10m2 cây xanh để bảo đảm không khí trong lành cho cuộc sống.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Cơ hội nào để thị trường bất động sản Hải Phòng phát triển đột phá?
Dù có nhiều lợi thế, song bất động sản Hải Phòng vẫn chưa có nhiều đột phá so với các địa phương lân cận như Quảng Ninh, Hà Nội. Một trong những nguyên nhân chính là vướng mắc về quy hoạch cũng như chồng chéo pháp luật.
Tại Hội thảo “Gỡ nút thắt quy hoạch: Hải Phòng đón sóng đầu tư bất động sản" diễn ra sáng 23/4, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam giai đoạn 2020 - 2021 nổi lên một số khu vực như Đông Nam Bộ; Tây Nguyên có tỉnh Lâm Đồng, Đắc Lắk; Duyên Hải Bắc Bộ có TP. Hải Phòng…
Trong đó, bất động sản Hải Phòng với vai trò là bệ đỡ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư nên vẫn luôn là thị trường vô cùng tiềm năng. TP. Hải Phòng có đủ các điều kiện để trở thành một thị trường bất động sản sôi động, phát triển lành mạnh, tuy nhiên, sự phát triển hiện tại của thị trường bất động sản Hải Phòng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của thành phố.
Theo ông Đính, thị trường bất động sản Hải Phòng đang được hưởng lợi nhờ có vị trí kết nối giao thương đặc biệt, là một trong ba vị trí tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và là tam giác kinh tế sôi động nhất cả nước. Hải Phòng cũng là đầu mối giao thông trọng điểm với đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt và đường hàng không…
Xem thông tin chi tiết tại đây
Cần nhanh chóng phá "điểm nghẽn" gây cản trở sự phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng
Chính sách pháp luật chưa đồng bộ đã tạo “điểm nghẽn” kìm hãm sự phát triển của bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Theo các chuyên gia, bất động sản du lịch cần những chính sách cởi mở và thông thoáng hơn nữa.
Hiện nay, ngành du lịch đang được tái khởi động, mở cửa toàn cầu, các nước trong khu vực đều gấp rút tăng khả năng cạnh tranh trong việc thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư. Trước tình hình mới, các doanh nghiệp bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại Việt Nam cũng mong muốn được tăng cường hỗ trợ, gỡ “vướng” trong quá trình xây dựng và vận hành.
Đặc biệt, về mặt chính sách, pháp luật trong kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng còn chồng chéo, khó hiểu khiến cho hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư còn nhiều "lúng túng".
Bên cạnh đó, tạo nhiều “rối ren” trong công tác quản lý Nhà nước trên thị trường bất động sản ở các địa phương. Nếu không sớm giải quyết được vấn đề này, sẽ bỏ lỡ cơ hội vàng trong quá trình thúc đẩy phục hồi ngành du lịch và kinh kế nói chung.
Chia sẻ mới đây tại Tọa đàm “Điểm nghẽn pháp lý và giải pháp khơi thông nguồn lực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam”, TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chỉ rõ, để khơi thông thị trường bất động sản du lịch cũng như tạo đà phục hồi phát triển thị trường bất động sản nói chung thì cần nhanh chóng có cơ chế chính sách rõ ràng, minh bạch để thúc đẩy sự phát triển thị trường, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu thu thuế nhà ở
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa phê duyệt Chiến lược cải cách thuế đến năm 2030 nhằm duy trì tỷ lệ huy động vào ngân sách từ thuế, phí ở mức ổn định, hợp lý.
Cụ thể, Bộ Tài chính được giao chủ trì chiến lược cải cách thuế theo hướng đảm bảo khả năng duy trì tỷ lệ huy động vào ngân sách từ thuế, phí ở mức ổn định, hợp lý.
Trong đó, để phát triển nông nghiệp, nông thôn, các loại thuế liên quan đến tài sản (bao gồm thuế sử dụng đất nông nghiệp và phi nông nghiệp) sẽ tiếp tục được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025.
Sau khi tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Bộ Tài chính có nhiệm vụ nghiên cứu hoàn thiện theo hướng tăng mức điều tiết đối với đất và bổ sung thu thuế với nhà, từ đó khuyến khích sử dụng hiệu quả, hạn chế đầu cơ nhà, đất.