Aa

Bất động sản 24h: Nhu cầu căn hộ mini tăng nhiệt

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Năm, 18/05/2023 - 10:30

Thời gian ban hành bảng giá đất nên thực hiện thế nào?; Nhu cầu căn hộ mini tăng nhiệt... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Điều đặc biệt trong bức tranh lợi nhuận của doanh nghiệp phát triển nhà ở

Có nhiều bất ngờ trong bức tranh kinh doanh quý I/2023 của các doanh nghiệp phát triển nhà ở: Những khoản lãi siêu lớn, những khoản lỗ khó tin hay những khoản lợi nhuận “bé hạt tiêu” của đa phần doanh nghiệp.

Mùa báo cáo tài chính quý I/2023 của các doanh nghiệp bất động sản hay hẹp hơn là các doanh nghiệp phát triển nhà ở là sự kiện được giới đầu tư đặc biệt quan tâm. Nguyên nhân là 3 tháng đầu năm nay chính là "đáy" của cuộc khủng hoảng bất động sản, đã được bắt đầu từ quý III năm trước. Muốn đo lường mức độ nông - sâu của khủng hoảng, trước hết phải nhìn vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Và các số liệu thống kê đã cho thấy khá rõ sự khốc liệt của cuộc khủng hoảng lớn nhất 10 năm qua.

bất động sản

Kháo sát qua 42 doanh nghiệp phát triển nhà ở tiêu biểu nhất, trên 3 sàn HoSE, HNX, UPCoM và tự công bố thông tin, có thể nhận thấy mức độ phân hóa cực kỳ sâu sắc của thị trường nhà ở.

Trong 42 doanh nghiệp, có 32 doanh nghiệp báo lãi trước thuế, với tổng lãi đạt 21.550 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ riêng bộ đôi Vingroup (HoSE: VIC) và Vinhomes (HoSE: VHM) đã chiếm tới 90% tổng lãi, đạt 19.338 tỷ đồng. Cụ thể, quý I/2023, VIC ghi nhận doanh thu 38.963 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ, là mức lớn thứ ba trong lịch sử và lợi nhuận trước thuế 4.264 tỷ đồng, tăng 2,2 lần, lớn nhất kể từ sau quý I/2021. Còn VHM có doanh thu 29.298 tỷ đồng, tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ, là mức lớn thứ hai trong lịch sử và lợi nhuận 15.074 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần, chỉ thua quý III/2022 và quý IV/2021.

Như vậy, chỉ riêng lợi nhuận của VIC và VHM cộng lại đã gấp 8,7 lần tổng lợi nhuận của 30 doanh nghiệp báo lãi còn lại. Mức chênh lệch "khủng khiếp" phản ánh chính xác sự khủng hoảng của thị trường nhà ở: toàn thị trường khát cung trầm trọng, thanh khoản suy giảm, chỉ một vài doanh nghiệp có nguồn hàng tung ra và ghi nhận giao dịch tốt, lợi nhuận cao, trong đó bộ đôi VIC - VHM có nguồn hàng lớn nhất nên "độc bá" thị trường.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nhu cầu căn hộ mini tăng nhiệt

Chung cư mini có khả năng tạo ra dòng tiền hàng tháng ổn định, đáp ứng đúng nhu cầu thực nên lượng giao dịch mua bán, thuê chung cư mini thời gian qua có thanh khoản khá tốt.

Các căn hộ chung cư mini thường được các chủ đầu tư nhỏ xây dựng lên. Các căn hộ chung cư này được dành cho đối tượng khách hàng có thu nhập từ thấp đến trung bình. Diện tích của chung cư mini thường rơi vào từ 30m2 - 40m2. Mỗi căn đều được thiết kế khép kín, có 1 phòng ngủ hoặc không có phòng ngủ. Chung cư mini vẫn đảm bảo tuân thủ quy định về nhà ở chung cư.

Nếu như 10 năm trước, giai đoạn 2013, nhà trọ cho sinh viên, nhà trọ dành cho vợ chồng trẻ mọc lên như nấm với giá dao động từ 800.000 đồng - 1.500.000 đồng/ phòng 12 - 15m2, đã đưa lại dòng tiền ổn định cho nhiều chủ nhà trọ thì nay những dãy nhà trọ dùng chung bể nước, dùng chung nhà vệ sinh của 10 - 12 năm về trước không còn được ưa chuộng, người ta thay mới bằng những toà nhà chung cư mini để phục vụ nhu cầu người thuê nhà.

Chị Nguyễn Thanh Phương từ Hà Nam về Hà Nội lập nghiệp chia sẻ, chị đi tìm chung cư mini ở khu vực Láng (quận Cầu Giấy) để thuê nhà. Vậy mà đi mấy nơi, chung cư mini nào cũng kín phòng cho thuê. “Ở chung cư mini có đắt hơn phòng trọ chút nhưng mà an ninh được đảm bảo hơn, lại sạch đẹp. Nhiều chung cư mini còn có người dọn vệ sinh khu vực hành lang hàng ngày, có sân để xe máy. Mình đã đi làm nên cũng cần không gian thoải mái”, chị Phương nói.

Xem thông tin chi tiết tại đây

GS. Đặng Hùng Võ chỉ ra 3 “lỗ hổng” pháp luật cần lấp đầy để phát triển BĐS du lịch

Theo GS. Đặng Hùng Võ, cần nhìn nhận bản chất gốc rễ của vấn đề là đến nay, thị trường BĐS du lịch vẫn thiếu khung pháp luật hoàn chỉnh để hoạt động, từ đó xác định “lỗ hổng” và tìm lời giải cho bài toán pháp lý.

Ở Việt Nam, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã được manh nha phát triển từ lâu, tuy nhiên khi thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, bong bóng “xì hơi” do lạm phát trong giai đoạn 2009 - 2013, hoạt động của phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng bị chững lại.

Từ khoảng những năm 2014, 2015, trong đà phục hồi và phát triển trở lại của thị trường bất động sản, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng mới thực sự bùng nổ và có những bước phát triển sôi động khi thu hút được mối quan tâm lớn của các nhà phát triển bất động sản và nhà đầu tư.

Kể từ năm 2018, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam đã rơi vào tình trạng không có khung pháp lý hoàn chỉnh để hoạt động. (Ảnh minh họa: Duy Hiếu)
Kể từ năm 2018, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam đã rơi vào tình trạng không có khung pháp lý hoàn chỉnh để hoạt động. (Ảnh minh họa: Duy Hiếu)

Tại thời điểm hiện tại, nước ta có hàng trăm dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng kiểu mới được đầu tư tập trung vào 3 sản phẩm chủ lực bao gồm: Căn hộ lưu trú (condotel), biệt thự lưu trú (villa) và nhà phố thương mại (shophouse). Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES), ở 15 tỉnh, thành phố du lịch phát triển, có khoảng 300 dự án với hàng trăm ngàn sản phẩm, giá trị khoảng 30 tỷ USD. 

Theo các chuyên gia, kể từ năm 2018, trong thời điểm phát triển cao trào nhất, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam đã rơi vào tình trạng không có khung pháp lý hoàn chỉnh để hoạt động. Đến cuối năm 2019, thị trường bước vào giai đoạn phát triển nóng và tự phát, cuối cùng cũng đã dẫn tới một vài sự “đổ vỡ” và sau đó kéo cả thị trường lao dốc. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Tranh cãi việc cấp sổ lâu dài cho condotel, shophouse trong tòa chung cư

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra một văn bản mang tính “khai phá” trong bối cảnh các địa phương đang lúng túng, có cách hiểu khác nhau về vấn đề này.

Hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc cấp Giấy chứng nhận với thời hạn sử dụng đất lâu dài cho người mua diện tích khách sạn, căn hộ condotel, officetel, shophouse trong tòa chung cư có mục đích hỗn hợp xây dựng trên đất ở là một quy định mang tính đột phá. Tuy nhiên cần đánh giá sự phù hợp của hướng dẫn này so với quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản số 3382/BTNMT-ĐĐ ngày 15/5/2023 gửi UBND các tỉnh, thành về hướng dẫn triển khai quy định của pháp luật về đất đai. Văn bản này hướng dẫn thi hành Nghị định số 10/2023/NĐ-CP sửa đổi các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07/5/2023 phiên họp thường kỳ tháng 4/2023.

Văn bản 3382 tập trung vào các vấn đề nổi cộm thời gian qua như: Việc xác định giá đất cụ thể; việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là Giấy chứng nhận) cho khách hàng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình trong các dự án phát triển nhà ở, dự án kinh doanh bất động sản không phải dự án phát triển nhà ở...

Hướng dẫn đáng chú ý nhất tại Văn bản số 3382 là quy định cấp Giấy chứng nhận cho người mua diện tích khách sạn, căn hộ condotel, officetel, shophouse trong tòa chung cư có mục đích hỗn hợp xây dựng trên đất ở.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thời gian ban hành bảng giá đất nên thực hiện thế nào?

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có nội dung liên quan đến bảng giá đất, đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Vậy thời gian ban hành bảng giá đất nên thực hiện như thế nào là phù hợp?

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa mới có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị không nên quy định ban hành bảng giá đất hàng năm. Theo HoREA, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trước hết cần phải quán triệt quan điểm và nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng

Nghị quyết 18-NQ/TW đã chỉ đạo hoàn thiện cơ chế xác định giá đất, như: Bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá theo nguyên tắc thị trường, quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất.

Theo đó, yêu cầu xây dựng tiêu chí, quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất; HĐND cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất. Đồng thời, chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hoà về lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; nghiên cứu có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch...

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top