Aa

Bất động sản 24h: Thị trường đất nền phía Nam khó đột biến trong ngắn hạn

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Năm, 27/04/2023 - 09:57

Hà Nội thu hồi văn bản tạm dừng tách thửa đất; Thị trường đất nền phía Nam khó đột biến trong ngắn hạn... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Luật sư Trần Tuấn Anh: “Nhìn Thiết chế Công đoàn để thấy nguy cơ của nhà ở xã hội“

“Hiện tại, 2 Thiết chế Công đoàn chưa phát huy được hiệu quả, trường hợp Tổng LĐLĐ được giao đặc quyền để đầu tư các dự án nhà ở xã hội có thể tạo ra nguy cơ lãng phí nguồn lực …”, LS. Trần Tuấn Anh nói.

Tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp, Bộ Xây dựng đã đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại khu công nghiệp theo pháp luật về nhà ở. Theo đó, Bộ Xây dựng nhấn mạnh, Luật Nhà ở 2014 đang được sửa đổi và dự kiến sẽ có hiệu lực vào giữa năm 2024.

nhà ở xã hội

Trước đề xuất này, nhiều quan điểm cho rằng vẫn phải xem xét vì quy định này chưa thống nhất với luật và còn nhiều tranh cãi. Tiếp tục ghi nhận góc nhìn về pháp lý Reatimes đã có trao đổi với LS. Trần Tuấn Anh, Giám đốc công ty luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường đất nền phía Nam khó đột biến trong ngắn hạn

Thị trường đất nền khu vực phía Nam trong quý vừa qua tiếp tục trầm lắng. Dù khó đột biến trong ngắn hạn, nhưng đây vẫn là phân khúc tiềm năng.

Nhìn vào bức tranh thị trường đất nền khu vực phía Nam hiện nay, không khó để nhận thấy, lượng người bán nhiều hơn người mua. Dù giảm giá sâu, song giao dịch rất ít, vì người nhìn thấy cơ hội thì không đủ tài chính để mua đất nền, còn người có tài chính thì lựa chọn rất kỹ và vô cùng thận trọng.

Gần một năm qua, anh Trần Hùng Thái (ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) rao bán 2 lô đất thổ cư (tổng diện tích 1.000 m2 tại xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi), nhưng vẫn chưa tìm được khách.

Đầu năm 2022, theo “phong trào” đầu tư đất nền ở các huyện ngoại thành TP.HCM, anh Thái bỏ ra gần 4 tỷ đồng mua 2 lô đất này với ý định “lướt sóng”. Lúc đó, thông tin huyện Củ Chi sẽ “lên thành phố” trong tương lai khiến những khu đất vườn, đất nền, đất nông nghiệp… nơi đây trở thành “thỏi nam châm”. Nhưng đến giữa năm, thị trường bất ngờ giảm nhiệt, ngân hàng siết tín dụng, dòng tiền bị tắc.

Anh Thái nhờ môi giới rao bán, giảm giá mỗi lô đất 300 triệu đồng, mà nhiều tháng qua vẫn không có người hỏi. Đang rất cần tiền, nên anh tính sẽ hạ giá thêm để bán bằng được.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Giữa tâm bão, vì sao bất động sản vẫn là mảng đầu tư khiến doanh nghiệp ngoài ngành khó “dứt áo“?

Phát triển, đầu tư kinh doanh BĐS vẫn là kênh hấp dẫn bậc nhất, tạo giá trị và thương hiệu cho các doanh nghiệp. Nhưng mùa ĐHCĐ năm nay, việc tập trung làm dự án nào, phân bổ vốn bao nhiêu là bài toán cân não.

Mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay, việc tập trung làm dự án nào, phân bổ vốn bao nhiêu, nên tạm gác lại bất động sản để dồn lực cho mảng khác trước… là lựa chọn không dễ với ban lãnh đạo nhiều doanh nghiệp ngành bất động sản - xây dựng và cả nhóm doanh nghiệp ngoài ngành. Ông lớn ngành thép Hòa Phát (HPG) đã chọn tập trung toàn lực vào Dung Quất 2, trong khi đó, Thép Tiến Lên (TLH) và CTCP Cơ điện lạnh (REE) có hướng đi vẫn lấy bất động sản làm trọng tâm... 

Hòa Phát (Mã: HPG) từng khẳng định tham vọng trở thành top 3 doanh nghiệp bất động sản hàng đầu tại Việt Nam, phát triển những đại đô thị từ 300 - 500ha trong 10 năm tới. Tuy nhiên, với tầm nhìn trong năm 2023, Hòa Phát sẽ huy động toàn lực vào dự án Dung Quất 2 với hơn 75.000 tỷ đồng, vì vậy nên các mảng hoạt động khác vẫn giữ nguyên, chỉ có những kế hoạch đầu tư mới thì tạm dừng lại để dành nguồn lực cho siêu dự án. 

Trong Đại hội Cổ đông ngày 30/03/2023, Chủ tịch Trần Đình Long nhấn mạnh Hoà Phát bước chân vào bất động sản không phải theo phong trào, ông khẳng định chiến lược về bất động sản không có gì thay đổi nhưng bước đi phải thận trọng, vững chắc.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Lợi ích của việc giao dịch bất động sản qua sàn mà mọi người cần biết

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, việc quy định giao dịch bất động sản phải qua sàn trong Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sẽ bảo vệ quyền lợi cho người tham gia và không làm tăng chi phí như nhiều người lo ngại.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã ký tờ trình Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có 11 chương với 92 điều với nhiều điểm mới. Một trong số đó là dự thảo luật đã bổ sung quy định về việc bất động sản hình thành trong tương lai phải giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản để đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Giao dịch bất động sản qua sàn giúp bảo vệ quyền lợi người tham gia và không làm tăng chi phí. (Ảnh: DĐDN)
Giao dịch bất động sản qua sàn giúp bảo vệ quyền lợi người tham gia và không làm tăng chi phí. (Ảnh: DĐDN)

Các hành vi như: Thu tiền mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng quy định; sử dụng tiền mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai của bên mua, thuê mua trái pháp luật bị nghiêm cấm.

Theo Chính phủ, so với Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, dự thảo luật sửa đổi lần này còn bổ sung quy định về nguyên tắc trong kinh doanh dịch vụ bất động sản; tổ chức và hoạt động của sàn giao dịch bất động sản; điều kiện với người quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản; thù lao môi giới bất động sản và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới.

Chính phủ cho biết, Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành quy định về điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh không rõ ràng để áp dụng đối với công trình xây dựng (căn hộ du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú...).

Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi để quy định cụ thể hơn nhằm đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm giữa chủ đầu tư dự án bất động sản và người mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hà Nội thu hồi văn bản tạm dừng tách thửa đất

Sau khi Bộ Tư pháp có ý kiến, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội quyết định bãi bỏ văn bản liên quan việc tạm dừng giải quyết thủ tục hành chính về chia tách thửa đất.
Nội dung trên có trong văn bản Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Hà Nội vừa gửi UBND các quận, huyện, thị xã và Văn phòng Đăng ký đất đai.

Theo đó, liên quan văn bản ban hành ngày 22/3 về việc đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện các thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất trên địa bàn, Sở TNMT Hà Nội quyết định bãi bỏ văn bản trên.

Để đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn thành phố đúng quy định pháp luật, Sở TNMT đề nghị chính quyền cấp cơ sở cùng đơn vị liên quan xem xét, giải quyết thủ tục hành chính liên quan việc chia tách thửa đất, hợp thửa đất cho người sử dụng đất theo quy định.

Trước đó trong văn bản 1685 ban hành ngày 22/3, Sở TNMT Hà Nội đề nghị chính quyền cấp cơ sở tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan việc chia tách thửa đất đối với đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất, thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top