Giải mã vì sao dân giàu đổ tiền vào nhà cho thuê dù lãi kém gửi tiết kiệm
Thời gian gần đây, theo lý giải của Bộ Xây dựng, xu hướng các nhà đầu tư dịch chuyển dòng tiền vào lĩnh vực bất động sản ngày càng nhiều vì đây là kênh đầu tư được cho là an toàn và còn nhiều cơ hội phát triển.
Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Trung Kiên - một nhà đầu tư bất động sản nhiều năm kinh nghiệm Hà Nội cho biết, nếu như so với những kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng… thì bất động sản chính là kênh được đánh giá là đầu tư an toàn, hiệu quả và dễ sinh lời nhất. Tuy nhiên, việc lựa chọn đầu tư vào chung cư, nhà phố hay đất nền là yếu tố quyết định lợi nhuận.
Theo anh Kiên đối với căn hộ chung cư, thì phương thức thanh toán của loại hình chung cư khá linh hoạt. Bạn có thể trả góp theo nhiều đợt. Hơn nữa ngân hàng còn hỗ trợ cho vay với lãi suất thấp tối đa 70% giá trị của căn hộ.
Điều đáng nói, việc đầu tư kinh doanh vào bất động sản theo hình thức cho thuê nhà bùng nổ trong thời gian vừa qua mặc dù không bằng lãi tiết kiệm khi gửi tiền ngân hàng. Dù khi đầu tư lượng khách hàng thuê không ổn định nhưng vẫn thu hút nhiều cá nhân có tiền nhàn rỗi hoặc tiền vay (nhưng khả năng trả nợ tiền vay tốt) đầu tư vào lĩnh vực này.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Phân khúc nào “miễn dịch” với Covid-19?
Một thống kê mới đây của DKRA Vietnam cho thấy, bất chấp dịch bệnh, phân khúc nhà phố vẫn ghi nhận kết quả giao dịch tích cực.
Theo DKRA Viet Nam, chỉ tính riêng trong tháng 4/2021, toàn thị trường ghi nhận có 11 dự án nhà phố mở bán bao gồm 5 dự án mới và 6 dự án thuộc giai đoạn tiếp theo, cung cấp ra thị trường 1.844 căn, gấp 2,3 lần so với tháng trước (811 căn). Tỷ lệ tiêu thụ đạt 50% (khoảng 929 căn), gấp 5,5 lần so với tháng 3/2021 (168 căn).
Nguồn cung tăng mạnh so với tháng trước, tuy nhiên tập trung chủ yếu ở Đồng Nai với 1.167 căn mở bán đến từ 3 dự án, chiếm 63%, Long An với 2 dự án, chiếm 19% (tương đương 351 căn), tiếp đến là Bình Dương với 224 căn mở bán, chiếm 12% và TP. HCM chiếm 6% với 102 căn. Trong khi đó, khu vực Bà Rịa – Vũng tàu không ghi nhận có nguồn cung mới trong tháng. Sức cầu chung của thị trường tăng, các dự án mới có tình hình bán hàng tích cực với tỷ lệ tiêu thụ đa số trên 60%.
Ngoài ra, Đồng Nai ghi nhận lượng tiêu thụ cao nhất với 397 căn, chiếm 43%, Long An đứng thứ hai với 307 căn, chiếm 33%, tiếp đến là Bình Dương chiếm 16% với 146 căn và TP.HCM với 79 căn, chiếm 8% tổng lượng tiêu thụ mới toàn thị trường. Đồng Nai vẫn tiếp tục là khu vực chiếm tỷ trọng lớn về nguồn cung. Đối với thị trường các tỉnh giáp ranh, những dự án nằm trong các khu đô thị lớn với quy mô hàng trăm héc-ta, được quy hoạch bài bản thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Theo số liệu thống kê, trong tháng 4/2021 thị trường TP.HCM ghi nhận 4 dự án mới mở bán với 102 căn, bằng 44% so với tháng trước (232 căn). Tỷ lệ tiêu thụ đạt 77% tương đương 79 căn, bằng 65% so với tháng 3/2021.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thị trường chứng khoán tăng nóng bất chấp logic kinh tế
Mới đây, trong phiên giao dịch sáng ngày 1/6, giá trị giao dịch tại Hose vượt mức 21,7 nghìn tỷ đồng, dẫn đến tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống. Ngay sau đó, HoSE đã phải công bố ngừng giao dịch buổi chiều ngày 1/6. Đây là tiền lệ chưa từng có trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thực tế, trước đó, bất chấp dịch bệnh, giá trị giao dịch chứng khoán liên tục tăng cao. Các chuyên gia cho rằng, sức nóng của thị trường chứng khoán đến từ sự tham gia của lượng lớn các nhà đầu tư cá nhân. Theo thống kê, trong tháng 5 đã có tổng cộng 482.760 tài khoản giao dịch chứng khoán mới. Tính đến cuối tháng 5, thị trường chứng khoán Việt Nam có hơn 3,25 triệu tài khoản, tương đương 3,36% dân số Việt Nam.
Lý giải về sức nóng của thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua, PGS.TS. Phạm Thế Anh nhận định, là do dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân tăng nhanh. Bên cạnh đó còn có tiền chủ yếu đến từ các kênh đầu tư khác, kênh tiết kiệm do lãi suất tiền gửi trở nên kém hấp dẫn.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Công ty Cổ phần Ecoe Việt Nam phân lô bán nền cả đất rừng Đồng Nai?
Thời gian gần đây, nhiều môi giới tự giới thiệu là nhân viên thuộc Công ty Cổ phần Ecoe Việt Nam đã đăng tải nhiều thông tin quảng cáo khá hấp dẫn về dự án Long Phát Residence, tọa lạc trên trục Quốc Lộ 51 (xã Long Phước, Huyện Long Thành, Tỉnh Đồng Nai).
Theo giới thiệu, dự án Long Phát Residence có quy mô tổng thể 4,2ha với 205 nền có diện tích 120-150m2, pháp lý hoàn thiện 100% thổ cư, sổ hồng từng lô. Hiện các môi giới chào bán dự án vào khoảng 19-21 triệu đồng/m2 tùy vị trí.
Long Phát Residence được quảng cáo là dự án đầu tư xây dựng mới gồm công trình: nhà ở riêng lẻ, khu cây xanh tập trung với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh gắn kết với các khu vực lân cận, nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở tại khu vực. Tiện ích dự án Long Phát Residence được đầu tư với khu công viên nội khu và phủ cây xanh toàn bộ hành lang vỉa hè. Đồng thời, cư dân nơi đây còn sở hữu toàn bộ tiện tích ngoại khu của Long Thành như: Trung tâm hành chính Long Thành; chợ Bình Sơn, chợ Long Thành; Vincom Plaza; khu du lịch sinh thái Thác Giang Điền, sân golf Long Thành; Bệnh viện Shing Mark; Amata City, khu công nghệ cao Techno Park Việt Nam – Hàn Quốc…
“Dự án Long Phát Residence Long Thành Đồng Nai được chủ đầu tư dành 1 phần diện tích 2.300m2 cho khu cây xanh và thể dục thể thao, chiếm tỷ lệ 5,7% diện tích lập quy hoạch, được tổ chức 4 lô đất. Xây dựng công viên cây xanh kết hợp các công trình văn hóa - Thể dục thể thao và sân chơi nhóm nhà ở.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thị trường M&A BĐS vẫn nhộn nhịp giữa mùa giãn cách vì dịch
Trong một khảo sát mới đây, một số đơn vị nghiên cứu cho rằng 2021 là năm thị trường M&A tại Việt Nam sẽ phục hồi. Có 42% tin rằng tổng giá trị ước đạt khoảng 3-4 tỷ USD, 26% dự đoán khả quan hơn vào khoảng 4-5 tỷ USD và 24% thận trọng hơn với con số 3 tỷ USD còn lại 8% tin tưởng có thể đạt 5 tỷ USD.
Riêng với lĩnh vực bất động sản, M&A sẽ diễn ra nhộn nhịp ở các dự án nhà ở, nở rộ việc mua bán sáp nhập quỹ đất ở các TP lớn như TP.HCM và Hà Nội, cũng như các tỉnh lân cận có sự phát triển mạnh về đô thị xung quanh hai đô thị đặc biệt này.
Thực tế thì trong thời gian qua không ít đại gia địa ốc cũng tích cực "gom" quỹ đất thông qua M&A, doanh nghiệp ít thì vài trăm tỷ đồng còn những "ông lớn" thì đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng cho hoạt động này mỗi năm.