Thị trường xẹp, đất đấu giá ở nhiều địa phương ế ẩm
Từ đầu năm nay, nhiều địa phương đã ồ ạt tổ chức đấu giá đất, nhưng không ít lô bị ế vì không có người trả giá. Tình cảnh này trái ngược hoàn toàn so với thời điểm hơn 1 năm trước.
Trong năm 2021 và đầu năm 2022, hầu hết phiên đấu giá đất ở các địa phương đều nhận được sự quan tâm từ nhà đầu tư. Các lô đất đấu giá được trả giá cao hơn so với giá khởi điểm. Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái tới nay, tình hình không còn sôi động như trước. Giá trúng các lô đất chênh thấp so với giá khởi điểm, thậm chí nhiều lô còn không có người tham gia trả giá.
Đơn cử, tại Bắc Giang, trong phiên đấu giá đất tại các phường Trần Phú, Đa Mai và xã Tân Tiến, Đồng Sơn, Tân Mỹ (thuộc TP. Bắc Giang) diễn ra đầu tháng 3 vừa qua có tới 40 lô không có khách trả giá. Số lô ế khách này chiếm gần 41% tổng số lô đem ra đấu giá.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Nghị quyết 33 giải toả áp lực thanh khoản trên thị trường bất động sản
Trong bối cảnh thị trường bất động sản rơi vào khó khăn từ giữa năm 2022 đến nay, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt chỉ đạo, chỉ thị, công điện, nghị định… nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Cụ thể, mới đây ngày 5/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08 giúp doanh nghiệp bất động sản không rơi vào “ngõ cụt” khi cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu đàm phán với trái chủ gia hạn thêm thời hạn tối đa 2 năm…
Tiếp đó, ngày 11/03/2023, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP (Nghị quyết số 33) về gỡ khó và phát triển bình ổn thị trường bất động sản đã cho thấy tính quyết liệt của Chính phủ về việc quyết tâm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy trở lại sự ổn định, phát triển bền vững cho thị trường bất động sản Việt Nam.
Sự khác biệt trong quan điểm của Chính phủ ở Nghị quyết số 33 được thể hiện ở việc tất cả các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm, chung tay cùng tháo gỡ khó khăn. Theo đó, nhà ở là phải có người ở, muốn có người ở phải phát triển sản xuất, dịch vụ, hạ tầng. Tháo gỡ khó khăn phải đi đôi với kiểm soát rủi ro. Không hình sự hóa quan hệ kinh tế - dân sự, bảo vệ cán bộ làm đúng; hoàn thiện thể chế để thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững…
Xem thông tin chi tiết tại đây
Doanh nghiệp bất động sản và bài toán tái cấu trúc để "sinh tồn"
Chưa bao giờ, thị trường bất động sản được nhìn nhận đúng vai trò là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế như bây giờ. Chính phủ coi trọng việc điều tiết, khôi phục thị trường bất động sản đi đôi với kiểm soát rủi ro; coi phát triển lành mạnh và ổn định thị trường bất động sản là vấn đề cốt yếu để thúc đẩy và phát triển bền vững nền kinh tế.
Thông qua Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023, Chính phủ thể hiện rõ quan điểm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là vô cùng cấp bách, quan trọng, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp, chỉ đạo các bộ ngành và địa phương quyết liệt và ráo riết thực hiện.
Những chính sách điều tiết vĩ mô đối với thị trường bất động sản trong thời gian qua như một “điểm tựa tinh thần”, góp phần phục hồi niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư sau nhiều tháng chìm sâu vào trong sự ảm đạm, trầm lắng chưa từng có của thị trường - do đứt gãy dòng tiền, phát triển mất cân đối, tàn dư dịch bệnh và “chốt chặn” thủ tục pháp lý.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Doanh nghiệp địa ốc: Mong manh dòng tiền
Thách thức xung quanh câu chuyện dòng tiền mà các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp địa ốc nói riêng đang phải đối mặt không phải câu chuyện mới, nhưng sau một loạt trường hợp xin lùi thời gian đáo hạn trái phiếu vừa qua, việc làm rõ và hiểu thấu đáo yếu tố này sẽ giúp các cơ quan quản lý, nhà đầu tư… phần nào san sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Kết quả kinh doanh năm 2022 được các doanh nghiệp địa ốc công bố cho thấy, từ những doanh nghiệp lớn tới những doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn đều ghi nhận gặp khó khăn về tài chính, dẫn đến việc thiếu dòng tiền để thanh toán các nghĩa vụ nợ vay cũng như duy trì hoạt động.
Theo đó, quá trình tái cấu trúc sâu và rộng buộc phải diễn ra ở hầu hết doanh nghiệp dưới nhiều hình thức như lùi tiến độ dự án, thay đổi cơ cấu sản phẩm - dịch vụ, cấu trúc lại nguồn tài chính, giảm các hoạt động chưa cần thiết, tinh giản đội ngũ nhân sự… Điều này một mặt giúp các doanh nghiệp tiết giảm tối đa chi phí, ổn định lại hoạt động sản xuất - kinh doanh, song mặt khác, việc quy mô hoạt động bị thu hẹp nhanh chóng đã ảnh hưởng lớn tới doanh thu, lợi nhuận, thậm chí nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng lỗ lớn trong năm qua.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thị trường đất nền khó khăn, vì sao giá vẫn “neo” cao?
Thị trường đất nền đang chứng kiến làn sóng các nhà đầu tư rao bán đất với giá cắt lỗ ngày càng nhiều. Trên các trang mua bán bất động sản, nhiều thông tin rao bán đất nền hấp dẫn liên tục được tung ra như: Cần bán gấp, bán giảm giá, bán cắt lỗ do chủ đất ngộp vốn, vỡ nợ...
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn cho biết, gần đây, làn sóng rao bán đất nền lan rộng ở các tỉnh phía Nam và có thể còn tăng trong những tháng tới. Thị trường được dự đoán sẽ cần ít nhất 01 năm để tái cấu trúc và phục hồi. Hiện thị trường thứ cấp sẽ xuất hiện các trường hợp cần rao bán, sang nhượng tài sản. Đa số người bán trong thời điểm này đều giảm giá hoặc bán giá gốc để thu hồi vốn. Tuy nhiên, thị trường vẫn không có nhiều giao dịch, thanh khoản bị sụt giảm mạnh.
Tại thị trường Hà Nội, theo dữ liệu của Batdongsan,com.vn, mức độ quan tâm đất nền những tháng đầu năm 2023 đã giảm khoảng 60% so với năm 2021 và giảm 30% so với năm 2022. Đáng nói, dù không có nhiều giao dịch, tính thanh khoản đang bị đứt gãy nhưng giá đất nền vẫn đang neo ở mức cao.