Cụ thể, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn thu ngân sách từ tiền sử dụng đất năm 2023 đối với các quỹ đất do tỉnh quản lý.
Trong đó, quỹ đất tại Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Định quản lý với tổng số lô đất đưa ra đấu giá là 691 lô, dự kiến thực hiện 172 lô với tổng số tiền dự kiến thực hiện 800 tỷ đồng. Tại Ban Giải phóng mặt bằng tỉnh Bình Định, tổng số lô đất đưa ra đấu giá là 1.079 lô, dự kiến thực hiện 285 lô với tổng số tiền dự kiến thực hiện 450 tỷ đồng. Tại Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định, tổng số lô đất đưa ra đấu giá 899 lô, dự kiến thực hiện 217 lô với tổng số tiền dự kiến thực hiện gần 594 tỷ đồng.
Để thực hiện kế hoạch này, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã yêu cầu các sở, ban, ngành tập trung đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật quỹ đất năm 2022 còn lại và các quỹ đất năm 2023 để kịp thời thực hiện các thủ tục có liên quan, trình UBND tỉnh phê duyệt làm căn cứ tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để thu ngân sách trong năm 2023.
Sau khi kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất được UBND tỉnh phê duyệt, các đơn vị khẩn trương rà soát xây dựng phương án và quyết định đấu giá, xác định giá khởi điểm trình UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định và thời gian thực hiện đấu giá trong năm 2023. Riêng đối với đất thực hiện dự án đầu tư, sau khi kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất được UBND tỉnh phê duyệt, các đơn vị tiến hành rà soát, lập các thủ tục có liên quan (chủ trương đầu tư, tiêu chí đấu giá, phương án và quyết định đấu giá, xác định giá khởi điểm...) trình UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy định.
Trước đó, Sở Tài chính Bình Định cho biết tổng thu ngân sách của tỉnh trong tháng 1/2023 thấp hơn 52% so với cùng kỳ 2022. Sự sụt giảm này có nguyên nhân từ nguồn thu sử dụng đất do tình hình bất động sản hiện đang gặp khó. Năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước của Bình Định lập kỷ lục mới khi đạt hơn 16.551 tỷ đồng, vượt 35,6% dự toán năm và tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021. Để đạt được con số ấn tượng này vào năm ngoái, Bình Định có hai nguồn thu chính là thu nội địa đạt 7.385,2 tỷ đồng và thu tiền sử dụng đất 7.000 tỷ đồng. Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt cao nhất từ trước đến nay với 1,55 tỷ USD, vượt 14,8% kế hoạch và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Phú Yên: Đầu tư đường ven biển
Trong một diễn biến khác, cùng ngày 23/2, UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện dự án tuyến đường bộ ven biển, đoạn kết nối huyện Tuy An - TP. Tuy Hòa.
Tuyến đường bộ ven biển tỉnh Phú Yên theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 có chiều dài khoảng 132,5km. Điểm đầu giáp với tuyến quốc lộ 1D tại Km20+700, giáp ranh tỉnh Bình Định; điểm cuối giao với đường dẫn phía bắc hầm đường bộ Đèo Cả. Với tổng vốn đầu tư 3.428 tỷ đồng, tuyến đường kết nối Tuy An - TP.Tuy Hoà có nguồn từ vốn ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng và vốn ngân sách tỉnh 1.428 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2027.
Theo UBND tỉnh Phú Yên, việc đầu tư hoàn thành tuyến đường ven biển của tỉnh, nối thị xã Sông Cầu - Tuy An và TP. Tuy Hòa với chiều dài khoảng 28km, sẽ tạo sự đột phá cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Bằng việc tạo ra quỹ đất khoảng 4.000ha, trong đó có khoảng 1.100ha đất có thể phát triển thương mại, dịch vụ và hơn 400ha đất có thể phát triển đô thị, sự hình thành của tuyến đường được kỳ vọng rất lớn trong tương lai gần.