"Thời điểm nói đến bất động sản ven đô ai cũng chán thì đó là lúc đầu tư tốt nhất"
Sau thời gian tăng giá nóng, thị trường bất động sản ven đô đã có dấu hiệu chững lại kể từ thời điểm năm 2022. Đến hiện tại, một số nhà đầu tư cho rằng, cơ hội để lựa chọn lô đất đẹp, vị trí tốt với mức giá hợp lý đã xuất hiện.
8 ngày trước, anh Trần Dũng (nhân viên văn phòng tại công ty chuyên công nghệ ở Hà Nội) vừa thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất tại Thạch Thất, diện tích 1100m2, trong đó có 350m2 đất thổ cư. Mức giá giao dịch thực tế là 3,5 tỷ đồng. Theo anh Dũng, so với thời điểm giữa năm 2022, giá lô đất này rẻ hơn khoảng 10 - 20%.
"Thời điểm đầu năm 2023, nguồn hàng mà môi giới đẩy ra khá nhiều. Tôi có cơ hội lựa chọn được nhiều lô đất đẹp, vị trí tốt. Giá cũng mềm hơn. Phía chủ đất cũng "dễ tính" trong câu chuyện đàm phán giá", anh Dũng chia sẻ.
Nhà đầu tư này dự tính giữ "hàng" trong vòng 3 - 5 năm. Nếu như mức giá tăng tốt, anh Dũng lựa chọn bán. "Về lâu dài, tôi tính đến phương án xây homestay để nghỉ dưỡng hoặc cho thuê".
Vị này cũng cho biết thêm: "Theo quan điểm của tôi, đây là giai đoạn tốt để xuống tiền, mua đất ven đô. Bởi trong tương lai, xu hướng người dân sẽ ly tâm về vùng ven Hà Nội để ở. Hoặc họ sẽ có nhu cầu mua căn nhà nghỉ dưỡng vùng ven. Tôi dự đoán giữa năm 2023, thị trường sẽ bắt đầu hồi sức trở lại do nhiều gói hỗ trợ tín dụng bung ra. Tâm lý của người dân vào thị trường địa ốc cũng gia tăng".
Xem thông tin chi tiết tại đây
Lo ngại nguy cơ doanh nghiệp sẽ bán lại dự án cho nhà đầu tư nước ngoài
Theo GS. TS Hoàng Văn Cường, hiện nay, nhiều quỹ đầu tư bên ngoài đang chuẩn bị sẵn tiền chờ cơ hội thâu tóm các dự án này khi các doanh nghiệp bất động sản trong nước gặp khó khăn phải bán.
Để tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản, trong hội nghị diễn ra mới đây, GS. TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân, kiến nghị Chính phủ nên cho phép thực hiện 2 giải pháp đặc biệt.
Thứ nhất là cho phép các doanh nghiệp phát hành thỏa thuận với người mua trái phiếu để chuyển các khoản nợ thành trái phiếu công trình có khả năng chuyển đổi thành các sản phẩm khi công trình hoàn thành, dưới hình thức như các nhà đầu tư được nhận sản phẩm theo mức giá trị đóng góp. Nhà đầu tư có thể chuyển nhượng trái phiếu cho nhau. Người nắm giữ trái phiếu coi như người góp vốn đầu tư chờ khi dự án hoàn thành sẽ nhận sản phẩm hoặc giá trị tương ứng với lượng sản phẩm được quyền chuyển đổi.
Theo ông Cường, phương thức này thực chất là một hình thức huy động vốn đầu tư dài hạn cho doanh nghiệp bất động sản. Người có vốn mua trái phiếu trở thành người góp đầu tư bất động sản, được hưởng lợi từ giá trị tăng thêm của bất động sản sau khi dự án hoàn thành.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Kỳ vọng từ gói tín dụng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân
Đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng của Bộ Xây dựng được kỳ vọng sẽ mang đến những khởi sắc cho thị trường bất động sản khi phân khúc nhu cầu thực là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có cơ hội được tái lập nguồn cung mới.
Bức tranh lệch pha, mất cân đối cung - cầu trên thị trường nhà ở đã hiện diện nhiều năm qua, đặc biệt là ngày càng rõ nét hơn từ năm 2022 đến nay. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, năm 2022, nguồn cung bất động sản, nhà ở khan hiếm, cơ cấu sản phẩm nhà ở phần lớn thuộc về phân khúc nhà ở trung - cao cấp và nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu trầm trọng.
Đối với dự án nhà ở xã hội, năm 2022 cả nước chỉ có có 9 dự án được cấp phép mới với quy mô 5.526 căn hộ; có 114 dự án với 6.196 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; 27 dự án với 8.245 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo thông báo của các Sở Xây dựng. Đối với nhà ở công nhân, cả nước có 2 dự án được cấp phép mới với quy mô 1.729 căn hộ; có 1 dự án với 32 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; 4 dự án với 2.328 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Trao đổi với Reatimes, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính cho biết, trong năm 2021 và năm 2022, nước ta gần như không có dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội mới ở TP.HCM, còn tại Hà Nội số lượng cũng rất ít, chỉ chiếm khoảng 7 - 8% trong tổng cung của thị trường.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Cần chuyên môn hóa trong phát triển nhà ở công nhân
Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, phát triển nhà ở công nhân dù là vấn đề rất cấp bách, cần sự tham gia của nhiều bên để cùng tìm giải pháp, song việc phát triển nhà ở, suy cho cùng vẫn cần sự chuyên nghiệp, bài bản.
Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ xem xét, lồng ghép phần xây dựng nhà ở tại Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất" vào Đề án "Xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở cho công nhân, cho người có thu nhập thấp" do Bộ Xây dựng chủ trì. Sự lồng ghép này trước hết là để đồng bộ trách nhiệm của Tổng Liên đoàn, Bộ Xây dựng, các bộ liên quan và các địa phương trong việc triển khai mục tiêu phát triển nhà ở công nhân mà Chính phủ đặt ra, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện, kịp thời chia sẻ và tháo gỡ các vướng mắc, tất cả hướng đến đảm bảo quyền lợi cho công nhân và người lao động thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, trước những ách tắc trong việc triển khai đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhiều năm qua, Tổng Liên đoàn cũng đề xuất bổ sung tổ chức này là đối tượng được giao đất và làm chủ đầu tư các dự án nhà ở công nhân trong lần sửa đổi Luật Đất đai và Luật Nhà ở tới đây.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Talkshow "Điểm sáng trong cơ chế, chính sách cho thị trường bất động sản Việt Nam"
Trải qua năm 2022 đầy khó khăn, thị trường bất động sản đã rơi vào trạng thái suy giảm nghiêm trọng. Bước sang năm 2023, nếu không kịp thời có những giải pháp tháo gỡ, thị trường bất động sản dự sẽ còn biến động, khó hồi phục.
Thị trường bất động sản 2023 được dự báo vẫn còn nhiều yếu tố bất lợi khi dòng vốn còn tắc nghẽn, vướng mắc về pháp lý vẫn chờ được tháo gỡ, niềm tin nhà đầu tư chưa phục hồi hoàn toàn… Tất cả những yếu tố này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng triển khai các dự án dang dở cũng như đầu tư phát triển các dự án mới.
Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đưa thị trường trở về trạng thái hồi phục, cân bằng, cấp thiết phải tìm ra các giải pháp khơi thông nguồn vốn, hoàn thiện hành lang pháp lý và củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.
Ngày 17/2/2023 vừa qua, Hội nghị trực tuyến toàn quốc "Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững" do Chính phủ tổ chức cũng đã bàn đến những vấn đề này với mong muốn vực dậy thị trường bất động sản. Sau Hội nghị này, Chính phủ cũng dự kiến sẽ ban hành một số Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Những động thái này từ phía Chính phủ được đánh giá là tín hiệu tích cực cho thị trường địa ốc trong bối cảnh hiện nay.