Aa

Bất động sản cũng chạy đua công nghệ

Chủ Nhật, 17/01/2021 - 13:30

Năm 2021 và những năm tiếp theo, việc áp dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản không phải là thứ “có cũng tốt”, mà là thứ bắt buộc phải có.

Những chuyến tham quan 3D

Hãy thử tượng tượng, khi muốn mua một sản phẩm bất động sản, bạn chỉ cần ngồi nhà và được cung cấp một cặp kính công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality - VR) hoặc cao hơn là công nghệ thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality - AR) để trở thành một phần của không gian 360 độ trong căn hộ đó thật đến từng chi tiết, dù căn hộ đó chưa thành hình. Thậm chí, bạn có thể “đi lại”, ngó nghiêng, nhìn lên nhìn xuống… như một bối cảnh thật mà mình hiện diện.

Đó là các chuyến tham quan 3D “thực hơn cả thực”, nhưng hơn thế, rồi đây khách hàng có thể thay đổi những gì họ thấy trong không gian ảo đó. Chẳng hạn, một người mua nhà đang tham gia chuyến tham quan bất động sản 3D nhưng muốn thay đổi nội thất và họ có thể đi đến một cửa hàng trực tuyến, chọn một mảnh đồ nội thất khác và thêm nó vào tour du lịch ba chiều của họ.

Hơn nữa, ngay cả khi khách hàng không thay đổi nội thất của một tài sản ảo, họ có thể quan tâm đến việc mua thêm đồ nội thất, rèm cửa và các mặt hàng khác được trưng bày trong chuyến tham quan ảo. Trong trường hợp này, họ có thể ngay lập tức ghé thăm một cửa hàng ảo, ra lệnh cho họ.

Nhờ có VR/AR, việc trực quan hóa kiến trúc đã trở nên rẻ hơn và phong phú hơn rất nhiều. Các đại lý bất động sản có thể sử dụng công nghệ VR/AR để hiển thị cả ngoại thất và nội thất của các dự án chưa được xây dựng để khách hàng có thể xem rõ những gì sẽ được cung cấp.

Theo Palmer Luckey, người sáng tạo Oculus Rift - thiết bị thực tế ảo đầu tiên trên thế giới, “công nghệ thực tế ảo là công nghệ đầu tiên khiến digital communication (truyền thông số) không chỉ hiệu quả mà còn rất hữu ích, hơn nữa còn hấp dẫn và gây hứng thú”.

Đặc biệt, sự xuất hiện của Covid-19 làm thay đổi rất nhiều hành vi của người tiêu dùng và việc áp dụng công nghệ số là sự lựa chọn tất yếu để đáp ứng sự thay đổi đó. Tất nhiên, dịch bệnh chỉ là đòn bẩy, bởi trong thời đại công nghệ số hiện nay, dù muốn hay không, các doanh nghiệp đều sẽ chịu tác động bởi việc chuyển đổi số mạnh mẽ trong vài năm tới.

Nói như ông Trần Lê Thanh Hiển, Tổng giám đốc Danh Việt Group khi trao đổi với phóng viên rằng, “công nghệ số đang là lời giải của nhiều sự thay đổi”.

Theo ông Hiển, bản thân các doanh nghiệp đều thấy rõ chuyển đổi số là cơ hội, nhưng cũng là thách thức. Là cơ hội, vì khi doanh nghiệp bắt tay vào việc chuyển đổi, nếu chọn đúng đường, đúng hướng, thì gần như là người tiên phong. Tuy nhiên, không phải việc chuyển đổi nào cũng làm nên thành công ngay lập tức, mà có thể sẽ gặp phải nhiều vướng mắc, đòi hỏi phải điều chỉnh nhiều lần mới đạt được kết quả.

Công nghệ thực tế ảo với sự hỗ trợ của 5G sẽ tạo ra những thay đổi mang tính cách mạng trong ngành bất động sản.

Theo CEO Danh Việt Group, Covid-19 đã mở ra cuộc cạnh tranh trong thiết lập cách thức giao dịch mới trên thị trường. Khách hàng không thể trực tiếp đến dự án, không tiếp xúc được với chuyên viên tư vấn thì doanh nghiệp phải đầu tư làm các thước phim giới thiệu dự án, sử dụng các kỹ thuật quay toàn cảnh... Mục tiêu là khách hàng ở nhà, ở nơi làm việc vẫn thấy được, cảm nhận được không gian, cảnh quan, vị trí của dự án, cũng như sản phẩm định hình trong tương lai.

“Cho dù thế nào thì chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, buộc phải làm ngay nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi”, ông Hiển khẳng định.

Rõ ràng, trong bối cảnh thị trường phát triển và thay đổi như hiện nay, doanh nghiệp bất động sản muốn tồn tại không thể đứng ngoài cuộc nhìn đối thủ cạnh tranh giành lấy khách hàng và thị trường, do đó chuyển đổi số là yếu tố sống còn.

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam cho rằng, dịch bệnh đã mở ra cuộc cạnh tranh và thiết lập cách thức giao dịch mới trên thị trường. Công nghệ bất động sản (Proptech, Fintech) là xu hướng tất yếu và có thể giải quyết nhiều vấn đề, đặt biệc là tối ưu hóa việc truyền tải và tiếp nhận thông tin nhanh chóng, minh bạch, dễ dàng. Đây là cơ hội rất lớn cho cả phía doanh nghiệp và người mua bất động sản, bắt đầu từ những thứ tưởng là đơn giản như tìm kiếm các thông tin bất động sản, trao đổi, xử lý các thủ tục dễ dàng qua ứng dụng như thanh toán online, nhận thông báo qua ứng dụng thay vì nhận bằng giấy...

“Ngày càng có nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ vào các quá trình tư vấn phát triển dự án bằng cách sử dụng nền tảng liên quan đến việc thu thập dữ liệu và thông tin, tiếp thị như công nghệ thực tế ảo 3D, 6D, tìm kiếm thông tin, booking online, quản lý, vận hành bất động sản”, ông Lâm nói.

Tất yếu, nhưng sẽ là một hành trình dài

Năm qua, nhiều chủ đầu tư, sàn môi giới bắt đầu rốt ráo thực hiện chiến lược chuyển đổi số, phát triển những sản phẩm bất động sản gắn với tính năng thông minh. Ngoài những tên tuổi hàng đầu trong ngành như Vinhomes, Gamuda Land, Sunshine Group, Cen Land,... đã đi một chặng đường dài chuyển đổi, các doanh nghiệp như Hưng Thịnh, Houze Group, Vạn Phúc Group, Danh Việt Group... cũng đang tiếp nối xu hướng này.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2020 đã có hơn 13.000 doanh nghiệp công nghệ số được thành lập tại Việt Nam, đưa tổng số doanh nghiệp công nghệ trong nước lên con số 58.000 công ty. Sự bùng nổ của các doanh nghiệp công nghệ trong thời gian qua có thể được coi là sự hưởng ứng của các doanh nghiệp đối với chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số và chương trình đổi mới số quốc gia của Chính phủ được bắt đầu từ năm 2019.

Với ngành địa ốc, chuyển đổi số đang mở ra cho doanh nghiệp cơ hội để tiếp cận khách hàng với chi phí rẻ hơn, trực quan hơn, dễ dàng thực hiện các chiến dịch digital marketing hấp dẫn, nhanh chóng và hiệu quả cùng một lúc. Tuy nhiên, để thành công trong việc chuyển đổi số là câu chuyện không hề dễ dàng, khá tốn kém chi phí, thời gian và tâm sức.

Dù đánh giá việc ứng dụng công nghệ vào bất động sản sẽ bùng nổ, nhưng theo ông Phạm Lâm, các ứng dụng công nghệ bất động sản vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi hoạt động giao dịch bất động sản online vẫn còn những vướng mắc về mặt pháp lý.

Ngoài ra, thói quen mua - bán bất động sản kiểu “mắt thấy tay sờ” của người Việt cũng là một thách thức không nhỏ và cần thêm nhiều thời gian để thay đổi. Chính các doanh nghiệp cũng “lệ thuộc” vào thói quen này của khách hàng mà không muốn thay đổi tư duy, nên thường sử dụng các phương pháp quản lý thủ công.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, chuyển đổi số trong bất động sản là yêu cầu bắt buộc, là xu thế của tương lai và dòng chảy của sự phát triển sẽ không chờ ai. Do đó, các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ cũng cần phải nhanh chóng nhập cuộc để không bị bỏ lại phía sau.

Tất nhiên, “chuyển đổi số là cả một hành trình và không thuần túy chỉ là việc chuyển đổi về mặt công nghệ mà là quá trình chuyển đổi không thể tách rời của nhiều yếu tố, trong đó có tư duy số”, ông Trần Lê Thanh Hiển nói và nhấn mạnh 3 yếu tố chủ lực là chuyển đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi công nghệ và chuyển đổi về con người.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top