Bắc Ninh: Sẽ có 25 khu công nghiệp vào năm 2030
Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bắc Ninh sẽ chú trọng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, hình thành trung tâm điện tử hàng đầu Việt Nam gắn với công nghệ thông minh.
Theo đó, đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh có 25 khu công nghiệp phát triển tại 4 vùng: Thung lũng công nghệ điện tử - huyện Yên Phong; Hành lang công nghiệp - thị xã Quế Võ; Khu công nghiệp mới - thị xã Thuận Thành và huyện Lương Tài, huyện Gia Bình; Trung tâm Công nghệ thông tin và Công nghệ cao - huyện Tiên Du và thành phố Bắc Ninh.
Đắk Lắk: Dự án nhà ở xã hội đầu tiên được phép mở bán
Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk đã có công văn số 558 (ngày 18/3/2024) xác nhận các khối nhà ở chung cư xã hội tại dự án Khu dân cư Hà Huy Tập (phường Tân An) thuộc Khu đô thị phía Bắc đường vành đai phía Tây TP. Buôn Ma Thuột đủ điều kiện bán, cho thuê mua nhà ở xã hội hình thành trong tương lai.
Được biết, cho đến nay, địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 3 dự án NƠXH do doanh nghiệp đầu tư theo chủ trương, nhưng chỉ mới có dự án Khu đô thị Ân Phú tiến hành đầu tư và triển khai thực tế.
Vĩnh Phúc: Quý I/2024 thu hút thêm 15 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp
Trong quý I/2024, tỉnh Vĩnh Phúc đã ghi nhận sự tăng cao cả về số lượng dự án và vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, tỉnh đã thu hút thêm 15 dự án FDI, vốn đầu tư đăng ký tăng thêm cho các dự án FDI là hơn 251 triệu USD, tăng 44% và đạt 72% kế hoạch năm 2024. Đây là tín hiệu khá tích cực và chứng tỏ sức hút của tỉnh đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu trong quý II/2024 sẽ thu hút thêm từ 3 - 5 dự án FDI với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn từ 50 - 70 triệu USD.
Quảng Nam: Cảnh báo từ cụm công nghiệp hơn 13 năm "nằm im trên giấy"
Năm 2011, dự án Cụm công nghiệp (CCN) Tam Mỹ Tây, xã Tam Mỹ Tây (H. Núi Thành) được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt quyết định thành lập trên diện tích 20ha. Theo quy hoạch, CCN Tam Mỹ Tây sau khi đưa vào hoạt động được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển kinh tế, xã hội, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.
Tuy nhiên hơn 13 năm trôi qua, dù doanh nghiệp đã tận thu, lấy đi cả triệu mét khối đất thì dự án vẫn “nằm im trên giấy” và trở thành một bãi đất hoang. Thanh tra tỉnh đã phát hiện nhiều sai phạm và kiến nghị chuyển thông tin sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh điều tra, xử lý vụ việc.
Hà Nội: Dự án khu nhà ở thấp tầng sắp đấu giá, khởi điểm 540 tỷ đồng
Mới đây, Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 vừa ra thông báo mời tham gia đấu giá quyền sử dụng đất tại huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội. Cụ thể, khu đất được đấu giá để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thấp tầng để bán và xây dựng công trình thương mại, dịch vụ, bãi đỗ xe tại Khu đất Tháp Vàng, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm. Dự án có diện tích 1,6ha, mức giá khởi điểm 540 tỷ đồng.
Cùng với đó, trong tháng 3 và tháng 4, nhiều địa phương Hà Nội cũng sẽ tổ chức đấu giá đất như huyện Phú Xuyên, huyện Đan Phượng, huyện Mê Linh…
Kiên Giang: Khách hàng kiện chủ đầu tư chung cư Sophia Center ra tòa
Tòa án nhân dân thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang vừa nhận đơn khởi kiện của ông Phạm Thành Ý, về tranh chấp hợp đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư Phú Cường Kiên Giang, chủ chủ đầu tư chung cư Sophia Center.
Theo đó, mâu thuẫn phát sinh do chủ đầu tư dự án không thực hiện thanh toán khoản phạt chậm giao nhà cho cư dân như đã cam kết trong hợp đồng. Không thỏa thuận được mức phạt này, ông Ý buộc phải đưa ra tòa án giải quyết.
Hải Phòng kêu gọi đầu tư dự án xây dựng KĐT hơn 4.200 tỷ đồng
Theo thông báo kêu gọi nhà đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị tại xã Đồng Thái và xã An Đồng (huyện An Dương, Hải Phòng) có diện tích sử dụng đất 641.929,4m2 với tổng chi phí thực hiện sơ bộ là hơn 4.200 tỷ đồng. Cụ thể, quy mô đầu tư của dự án gồm xây dựng công trình nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Thời hạn hoạt động của dự án trên là 50 năm, kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, thuê đất. Tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động hoặc khai thác vận hành là 66 tháng kể từ ngày được Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định giao đất, cho thuê đất.
Thừa Thiên Huế: Dự án đường Chợ Mai - Tân Mỹ "ì ạch"
Dự án đường Chợ Mai - Tân Mỹ được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2016. Dự án có tổng chiều dài gần 5km và thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển kinh tế - xã hội các vùng, với tổng mức đầu tư khoảng 195 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư dự án.
Dự án được đầu tư xây dựng với mục tiêu hoàn thiện tuyến đường theo quy hoạch, thúc đẩy tốc độ thực hiện quy hoạch phường Thuận An (TP. Huế), đồng thời đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải của khu vực, tạo tiền đề thu hút các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều lần gia hạn tiến độ hợp đồng và tiến hành xử phạt các nhà thầu, dự án đường Chợ Mai - Tân Mỹ vẫn chưa hoàn thành. Việc chậm tiến độ so với hợp đồng khiến nhiều người dân bức xúc, cũng như đặt ra câu hỏi đối với đơn vị quản lý trong việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng công cộng.
Quảng Ngãi: "Siêu dự án" du lịch sinh thái nghìn tỷ bỏ hoang bên bờ biển
Dự án Khu du lịch Thiên Đàng (thôn Trung An, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) có quy mô hàng trăm héc-ta, tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng. Đây là dự án có quy mô lớn trong lĩnh vực du lịch sinh thái tại Khu kinh tế Dung Quất nói riêng và Quảng Ngãi nói chung, kỳ vọng đưa du lịch biển đảo của tỉnh "cất cánh".
Thế nhưng, sau gần 20 năm triển khai, dự án vẫn chưa hoàn thành, hiện đang bỏ hoang, gây bức xúc dư luận. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi và ý kiến trái chiều về việc quản lý, giám sát và tiến độ thực hiện của dự án từ các cơ quan chức năng và người dân.