Aa

Bất động sản vùng ven hút khách, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng để tránh rủi ro

Thứ Bảy, 19/04/2025 - 06:20

Bất động sản vùng ven và các tỉnh lân cận Hà Nội đang nhận được nhiều sự quan tâm với tốc độ tăng trưởng ấn tượng về lượng tìm kiếm và mức giá. Tuy nhiên theo các chuyên gia, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng để tránh những rủi ro tiềm ẩn, nhất là khi có các thông tin về quy hoạch, sáp nhập hay các dự án hạ tầng lớn.

Nhà đầu tư quan tâm

Thị trường bất động sản đang chứng kiến làn sóng dịch chuyển rõ nét khi nhà đầu tư ngày càng quan tâm hơn đến các đô thị vùng ven cũng như các tỉnh lân cận Hà Nội. 

Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, trong 2 năm qua, mức độ quan tâm đến bất động sản tại các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hòa Bình… có tốc độ tăng trưởng vượt trội so với Thủ đô. Cụ thể, tính đến quý IV/2024, lượng tìm kiếm bất động sản tại Vĩnh Phúc tăng 42% so với quý I/2023, trong khi Hưng Yên ghi nhận mức tăng ấn tượng 111%. Ngược lại, chỉ số này tại Hà Nội lại sụt giảm 7%.

Giai đoạn 2025 - 2026, Batdongsan.com.vn dự báo, thị trường bất động sản vệ tinh Hà Nội sẽ bùng nổ với hàng loạt dự án khu đô thị quy mô lớn. Các "ông lớn" trong ngành bất động sản đang đổ bộ về những khu vực cửa ngõ Thủ đô với các dự án như Thanh Xuan Valley (BIM Land), Sun Urban City (Sun Group), Vinhomes Global Gate (Vinhomes)… 

Các tỉnh vệ tinh như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam… đang trở thành điểm đến hấp dẫn nhờ quỹ đất rộng, hạ tầng giao thông đồng bộ và chính sách phát triển đô thị bền vững. Không rơi vào tình trạng "sốt nóng" như một số khu vực khác, giá bất động sản tại đây duy trì đà tăng ổn định hơn. Đơn cử, trong giai đoạn từ đầu 2022 đến cuối 2024, giá bất động sản tại Vĩnh Phúc đã tăng 33%, trong khi Bắc Ninh ghi nhận mức tăng 45%. 

Bất động sản vùng ven hút khách, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng để tránh rủi ro- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ông Bạch Dương, Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định, xu hướng dịch chuyển ra các thành phố vệ tinh được dẫn dắt bởi quy hoạch Thủ đô tập trung phát triển liên kết vùng với các tỉnh lân cận. Theo đó, hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ với hàng loạt dự án trọng điểm như Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4, hệ thống metro, cao tốc liên tỉnh giúp rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển giữa trung tâm Hà Nội và các tỉnh xung quanh là những yếu tố thúc đẩy làn sóng đầu tư dịch chuyển ra ngoài khu vực nội đô.

Không chỉ có lợi thế về hạ tầng, sự khan hiếm quỹ đất và giá bất động sản nội đô tăng cao cùng với mật độ dân cư dày đặc và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, đã khiến người mua nhà tìm kiếm không gian sống rộng rãi, mật độ dân cư thấp và môi trường trong lành hơn. 

"Những khu vực có quy hoạch bài bản, cơ sở hạ tầng hoàn thiện và tích hợp đầy đủ tiện ích đang dần trở thành điểm đến lý tưởng, thu hút không chỉ người mua ở thực mà còn cả giới đầu tư dài hạn",  Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhìn nhận.

Còn theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), xu hướng dịch chuyển đầu tư ra ngoài trung tâm xuất phát từ thực tế khi việc đầu tư vào khu vực trung tâm hiện nay chỉ phù hợp với nhóm nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, xác định tích lũy tài sản dài hạn. Trong khi đó, các tỉnh vùng ven với quy hoạch tốt, hạ tầng phát triển nhanh vẫn giữ được mức giá hợp lý, biên độ tăng giá lớn trong tương lai, đặc biệt khi làn sóng giãn dân diễn ra mạnh.

Ngoài lợi thế về giá cả, các chính sách khuyến khích phát triển đô thị vệ tinh, ưu đãi thu hút đầu tư, cùng sự phát triển vượt bậc của hệ thống giao thông kết nối cũng góp phần đẩy mạnh làn sóng dịch chuyển. Đáng chú ý, việc hình thành các trung tâm hành chính - kinh tế mới tại Hòa Lạc (Hà Nội), Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… càng củng cố sức hấp dẫn của bất động sản vùng ven.

Vẫn cần thận trọng 

Dù bất động sản vùng ven và các tỉnh lân cận Hà Nội đang trở thành điểm sáng thu hút dòng vốn đầu tư, nhưng theo các chuyên gia, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng trước những rủi ro tiềm ẩn.

VARS cảnh báo một trong những rủi ro lớn nhất là tính pháp lý của dự án. Các vấn đề liên quan đến quy hoạch, quyền sử dụng đất và thủ tục pháp lý có thể gây trở ngại trong quá trình giao dịch, thậm chí dẫn đến tranh chấp nếu không được giải quyết triệt để.

Bên cạnh đó, không phải khu vực nào cũng có sức hút đủ lớn để đảm bảo khả năng tiêu thụ sản phẩm bất động sản. Một số khu vực vẫn chưa phát triển đồng bộ về hạ tầng giao thông, tiện ích công cộng và dịch vụ thiết yếu, gây khó khăn trong việc thu hút cư dân và làm chậm tốc độ gia tăng giá trị bất động sản.

"Trước khi quyết định đầu tư vào bất động sản các tỉnh vệ tinh, các nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ lưỡng về tiềm năng tăng giá, tính thanh khoản và các yếu tố hỗ trợ phát triển lâu dài, nhằm tránh rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận", VARS khuyến nghị. 

Đồng quan điểm, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn cho rằng, khi đầu tư vào bất động sản tại các tỉnh vệ tinh, các nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm nên cẩn trọng. Giá bất động sản không chỉ phụ thuộc vào hạ tầng giao thông, mà còn bị tác động bởi vị trí, nhu cầu lao động, tốc độ nhập cư và sự phát triển kinh tế tại địa phương.

Ngoài ra, một số nhà đầu tư cá nhân có thể bị cuốn theo tâm lý đám đông, mua vào với giá cao hơn giá trị thực. Những khu vực sốt đất ảo, giá trị bị thổi phồng bởi các chiêu trò đầu cơ, tạo sóng có thể khiến nhà đầu tư non kinh nghiệm chịu thiệt hại lớn.

"Không thể phủ nhận rằng hạ tầng kết nối đồng bộ sẽ là động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, kéo theo nhu cầu nhà ở và thương mại gia tăng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần tỉnh táo, tránh bị cuốn theo các cơn sốt đất ngắn hạn. Trước các thông tin về quy hoạch, sáp nhập hay các dự án hạ tầng lớn, việc phân tích kỹ lưỡng, lựa chọn đúng nơi, đúng thời điểm mới là yếu tố quyết định", chuyên gia nhấn mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top