Khu vực trung tâm chỉ phù hợp với nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh
Trong bản tin thị trường mới đây, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, nhà đầu tư bất động sản, bao gồm cả các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, đang "tăng tốc" dịch chuyển đầu tư từ khu vực trung tâm sang vùng ven thành phố và các tỉnh, thành lân cận.
VARS cho rằng, xu hướng này không chỉ phản ánh nhu cầu tìm kiếm cơ hội đầu tư bất động sản tại các khu vực mới mà còn chịu tác động của các yếu tố khách quan như chính sách quy hoạch, hạ tầng giao thông và sự thay đổi trong nhu cầu của người mua.
Theo đó, giá bất động sản trung tâm tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM ngày càng cao, đạt đến mức kỷ lục, khiến việc đầu tư trở nên khó khăn hơn khi chi phí vốn tăng cao trong khi biên lợi nhuận giảm dần hoặc khó đảm bảo khi các dự án khu vực trung tâm thường gặp các vấn đề về pháp lý, thời gian triển khai kéo dài. Điều này buộc các nhà đầu tư có nguồn lực tài chính không mạnh phải tìm kiếm những thị trường tiềm năng ở vùng ven.
Thứ hai, Chính phủ và các địa phương đang đẩy mạnh quy hoạch phát triển đô thị vệ tinh, mở rộng không gian đô thị để giảm tải áp lực dân số và hạ tầng tại trung tâm, giúp các quận/huyện ven trung tâm và tỉnh, thành kề bên 2 đô thị đặc biệt trở thành điểm đến hấp dẫn cho cả nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp.
![Dòng tiền đầu tư đổi hướng về bất động sản vùng ven- Ảnh 1. Dòng tiền đầu tư đổi hướng về bất động sản vùng ven- Ảnh 1.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/15/image-daidoanket-vn-images-upload-vunv-10292021-9b300b9c1beed3b08aff-17395987613741964557435.jpg)
VARS cho rằng, xu hướng dịch chuyển đầu tư bất động sản ra khu vực ngoài trung tâm sẽ ngày càng được định hình rõ nét. (Ảnh: Báo Đại Đoàn kết)
Thứ ba, việc đầu tư vào hạ tầng giao thông, bao gồm các tuyến đường cao tốc, vành đai hay hệ thống giao thông công cộng như metro, giúp rút ngắn thời gian kết nối các khu vực vệ tinh với trung tâm thành phố, không chỉ tạo ra giá trị gia tăng cho bất động sản mà còn thu hút lượng lớn nhu cầu bất động sản.
Thứ tư, việc các dự án đại đô thị "all in one" được đầu tư tại các khu vực vùng ven, không chỉ thúc đẩy hạ tầng và thương mại phát triển mạnh mẽ, mà còn kéo theo giá trị bất động sản khu vực xung quanh tăng lên, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Chính những yếu tố này, VARS cho rằng, xu hướng dịch chuyển ra khu vực ngoài trung tâm sẽ ngày càng được định hình rõ nét. Việc đầu tư bất động sản tại khu vực trung tâm hiện chỉ phù hợp với các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, có nhu cầu tích lũy tài sản trong dài hạn.
Tuy nhiên, VARS cũng cho rằng, nhà đầu tư lựa chọn đầu tư vào khu vực ngoài trung tâm cần cân nhắc và đánh giá kỹ lưỡng, do có thể gặp các vấn đề pháp lý liên quan đến quy hoạch, quyền sử dụng đất và thủ tục pháp lý. Đồng thời, dù tiềm năng lớn, nhưng không phải khu vực nào cũng có đủ sức hút để đảm bảo khả năng tiêu thụ sản phẩm bất động sản. Ngoài ra, một số khu vực vẫn còn hạn chế về tiện ích công cộng, gây khó khăn trong việc thu hút cư dân.
Cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản
Bên cạnh dịch chuyển dòng tiền về khu vực vùng ven, nhà đầu tư còn có xu hướng thay đổi lựa chọn loại hình. VARS cho biết, đất nền, nhà phố thương mại, hoặc các dự án khu đô thị mới với giá trị đầu tư hợp lý đang trở thành điểm đến của các nhà đầu tư cá nhân.
Cụ thể, thay vì tập trung vào lướt sóng ngắn hạn, nhiều nhà đầu tư hiện đang lựa chọn chiến lược tích lũy quỹ đất ở vùng ven, đón đầu sự phát triển trong tương lai khi hạ tầng được hoàn thiện. Ngoài nhà ở, các mô hình như second home, farmstay hay khu nghỉ dưỡng ven đô cũng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư nhờ khả năng khai thác cho thuê, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 thúc đẩy sống xanh và làm việc từ xa.
Xu hướng này cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản phát triển dự án. Theo đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn hiện cũng đã đón đầu cơ hội, phát triển các khu đô thị quy mô lớn ở các tỉnh lân cận. Đơn cử như dự án như Aqua City (Đồng Nai), Izumi City (Biên Hòa) hay Vinhomes Ocean Park (Hà Nội), Sun Urban City (Hà Nam)…
Đối với các doanh nghiệp bất động sản vừa và nhỏ, việc phát triển dự án tại khu vực vùng ven, các đô thị vệ tinh hay các tỉnh/thành lân cận hai đô thị đặc biệt không chỉ là cơ hội mà còn gần như là hướng đi tất yếu trong bối cảnh các quy định pháp luật về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản ngày càng siết chặt. Đặc biệt là chi phí đất đai tăng cao, khiến họ không đủ năng lực cạnh tranh và phát triển dự án tại khu vực trung tâm.
"Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ đã chủ động tìm kiếm, tích lũy quỹ đất sạch tại vùng ven để triển khai dự án, tận dụng lợi thế giá đất còn mềm và tiềm năng tăng trưởng cao. Lượng cung mới này cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản vùng ven, đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng gia tăng", VARS cho biết.
Bên cạnh phân khúc nhà ở, nhiều doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản công nghiệp do nhu cầu tăng cao từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu và động lực hỗ trợ từ quy hoạch. Với sự gia tăng dân số tại các khu đô thị vệ tinh, nhu cầu về trung tâm thương mại, khu phức hợp, văn phòng làm việc tại vùng ven cũng gia tăng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản mở rộng danh mục đầu tư./.