Aa

Bất động sản 24h: Doanh nghiệp bất động sản lo “chết dần“ trên đống tài sản

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Tư, 11/08/2021 - 10:30

Doanh nghiệp bất động sản lo "chết dần" trên đống tài sản; Diễn biến ngược dòng của đất nền và căn hộ trong tháng 7... là những thông tin được quan tâm nhất 24h qua.

Doanh nghiệp bất động sản lo "chết dần" trên đống tài sản

Hàng không bán được, dự án đình trệ, huy động tiền từ cổ đông khó khăn, nợ chồng chất, thủ tục hành chính phức tạp do dịch kéo dài đang khiến doanh nghiệp bất động sản đối mặt nỗi lo chết mòn trên đống tài sản.

Lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) có tiếng tại TP.HCM kể, dự án của DN ở TP. Thủ Đức đã 2 năm vẫn chưa xong khâu duyệt quy hoạch 1/500 dù UBND TP.HCM đã có các văn bản cho điều chỉnh cục bộ. Khó khăn về thủ tục dẫn đến khó khăn về tài chính. Không có nguồn thu nên DN phải đi vay để duy trì hoạt động, từ đó lãi vay đè nặng DN. “Không có dự án nào đủ điều kiện để bán hàng. Trước còn “cầm đèn chạy trước ô tô”, nhưng nay không dám vì làm là bị tuýt còi. Nếu cứ như vậy, DN sẽ phá sản mất thôi vì đã một năm rưỡi nay không có thêm dự án nào xong để mở bán. Sở dĩ chúng tôi cầm cự được vì còn thu một ít từ các dự án trước mới có nguồn trả lương nhân viên, trả lãi vay. Tuy nhiên, nguồn thu này cũng hạn chế. Nên đến kỳ đáo hạn ngân hàng (NH) phải đi xoay khắp nơi, thậm chí vay nóng để trả nợ gốc”, vị này than thở.

Dịch bệnh kéo dài, cộng với thủ tục hành chính nhiêu khê, lãi suất cao đang khiến doanh nghiệp bất động sản lao đao
Dịch bệnh kéo dài, cộng với thủ tục hành chính nhiêu khê, lãi suất cao đang khiến doanh nghiệp bất động sản lao đao. (Ảnh: Đình Sơn/Báo Thanh niên)

Lãnh đạo một tập đoàn BĐS cũng chia sẻ, hiện nay tập đoàn ông có gần 2.000 nhân viên, mỗi tháng lo tiền trả lương cho nhân viên đã đuối. Trong khi đó, hầu hết các dự án ở các địa phương gần như “đóng băng”, không triển khai cũng không bán được hàng. Những khách hàng đã mua nhà, đất trước đây hiện nay đến kỳ cũng không tiếp tục thanh toán. Họ làm đơn xin gia hạn, thậm chí nhiều khách hàng xin hủy hợp đồng, lấy lại tiền. “Chúng tôi đang phải ăn dần vào tiền tích cóp, đang cắn vào đuôi mình để sống. Nhà đất không bán được nhưng các chi phí vẫn phải chi, đặc biệt là gánh nặng về lãi vay ngân hàng”, vị này lo lắng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

12 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương vẫn chưa tìm được “lối ra“

Tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương là 1 trong 6 nhiệm vụ đặt ra tại Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Tuy nhiên, sau gần 4 năm triển khai tái cơ cấu, xử lý các vấn đề tại 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương với hàng loạt cuộc họp cùng nhiều chỉ đạo thì đến nay, hầu hết các dự án vẫn đang trong cảnh “bị treo", chưa có tiến triển gì.

Theo số liệu được cập nhật tại cuộc họp của Chính phủ về các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương hồi tháng 3/2021, đã có 3 dự án (DAP-1 Hải Phòng, Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhiên liệu sinh học Bình Phước) ra khỏi diện theo dõi, chỉ đạo xử lý của Ban Chỉ đạo. Một số dự án đã duy trì vận hành sản xuất, có sản phẩm, giải quyết việc làm cho người lao động nhưng còn nhiều khó khăn, lỗ lũy kế lớn. Một số dự án còn dở dang hoặc dừng hoạt động. Có 5 dự án tranh chấp hợp đồng EPC đã đàm phán nhiều lần nhưng không thành công. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, do việc chưa quyết toán được hợp đồng EPC nên các dự án trên không đủ cơ sở pháp lý để thoái vốn.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bắc Giang sắp có 2 khu đô thị mới quy mô hơn 50ha

UBND tỉnh Bắc Giang vừa phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị số 3 thuộc địa bàn xã Quảng Minh, huyện Việt Yên (tỷ lệ 1/500), quy mô khoảng 56ha, dân số dự kiến khoảng 7.500 người.

Theo đó, về phạm vi ranh giới, khu vực lập quy hoạch thuộc địa phận xã Quảng Minh và thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên. Cụ thể, phía Bắc giáp đất canh tác nông nghiệp các thôn Khả Lý Thượng, Khả Lý Hạ, xã Quảng Minh; phía Nam giáp đất canh tác nông nghiệp thôn Đông Long, xã Quảng Minh; phía Đông giáp khu dân cư và đất canh tác nông nghiệp Tổ dân phố Hoàng Mai 1 và Tổ dân phố Phúc Lâm, thị trấn Nếnh; phía Tây giáp đất canh tác nông nghiệp thôn Khả Lý Thượng, xã Quảng Minh.

Khu đô thị nghỉ dưỡng Đồi Ngô 1 thuộc xã Chu Điện và xã Yên Sơn, huyện Lục Nam với diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 60ha
Khu đô thị nghỉ dưỡng Đồi Ngô 1 thuộc xã Chu Điện và xã Yên Sơn, huyện Lục Nam với diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 60ha (Ảnh minh họa).

Đối với quy mô đồ án, diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 56ha, dân số dự kiến khoảng 7.500 người (quy mô dân số được tính toán, làm rõ trong đồ án quy hoạch chi tiết).

Khu đô thị số 3 được xác định là khu đô thị mới gồm các công trình công cộng cấp đô thị, cấp đơn vị ở. Trong khu đô thị có quy hoạch đất ở (nhà ở liền kề, nhà ở cao tầng); đất công trình công cộng, dịch vụ thương mại; đất cây xanh; hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước... Các chỉ tiêu tính toán theo đô thị loại IV.

Xem thông tin chi tiết tại đây

HueWaco và cảnh báo căn bệnh độc quyền!

Sự kiện Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên - Huế (HueWaco) cung cấp nước bẩn thay nước sạch cho khoảng 8.500 hộ khách hàng với gần 50 ngàn người trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô khiến nhiều người quan tâm, và đáng quan tâm hơn, đó là cách hành xử theo lối “cửa trên” khi xảy ra sự việc khiến cho những lo ngại về sự độc quyền đang có cơ hội trỗi dậy tại doanh nghiệp này.

Nói là “có cơ hội trỗi dậy” là bởi HueWaco vốn là doanh nghiệp có tiếng cầu tiến và đạt được không ít thành tích đáng khích lệ trong mấy năm gần đây, đặc biệt là từ khi được cổ phần hóa vào đầu năm 2017.

Theo những người trong cuộc kể lại, khi đó, HueWaco đã tái cơ cấu tinh gọn bộ máy, giảm 49 cán bộ công nhân viên, trong đó, sáp nhập 8 phòng ban, giảm 27 cán bộ gián tiếp, 22 cán bộ công nhân viên nghỉ việc theo chế độ khi cổ phần hóa. Đồng thời, áp dụng chế độ giao việc và báo cáo công việc theo ngày, tuần và trả lương theo hiệu quả công việc. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Diễn biến ngược dòng của đất nền và căn hộ trong tháng 7

Nếu vào cuối tháng 7, thị trường xuất hiện một số nhà đầu tư đất nền chịu áp lực về lãi vay, chấp nhận cắt lỗ để thu hồi dòng vốn, thì ở phân khúc căn hộ lại diễn biến tích cực đáng ngạc nhiên so với tháng trước đó, dù TP.HCM và một số tỉnh lân cận đang trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Báo cáo thị trường BĐS nhà ở tháng 7/2021 của DKRA Vietnam đã chỉ ra diễn biến của phân khúc đất nền và căn hộ tại thị trường TP.HCM và vùng phụ cận trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp tại các địa phương này. Đáng chú ý, trong báo cáo đã chỉ ra những điểm trái chiều ở 2 phân khúc này.

Ở phân khúc đất nền, theo DKRA Vietnam, trong tháng 7, ở TP.HCM và các tỉnh giáp ranh không ghi nhận nguồn cung mới được mở bán trong tháng. Nếu như tháng 5/2021 thị trường khi nhận 1.039 nền đất mới chào thị trường; tháng 6/2021 có 464 sản phẩm chào bán thì đến tháng 7/2021, không có sản phẩm đất nền nào. Đây là lần đầu tiên thị trường thiếu vắng nguồn cung mới.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top