Aa

BĐS 24h: Hà Nội không khuyến khích xây nhà 100 triệu đồng

Thứ Ba, 28/03/2017 - 14:41

Quý I, thu hút hơn 7 tỷ USD vốn FDI; Chấp thuận chủ trương nâng huyện Bình Chánh lên quận; Việt Nam, quốc gia dẫn đầu “cuộc đua” cơ sở hạ tầng tại khu vực Đông Nam Á; Hà Nội không khuyến khích xây nhà ở xã hội 100 triệu đồng... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

SIC có kế hoạch chuyển nhượng các dự án hiện hữu

Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Sông Đà (mã SIC) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông. Trong đó, Hội đồng Quản trị của SIC sẽ thông qua Đại hội cổ đông kết quả kinh doanh năm 2016 của SIC. Trong đó, doanh thu thuần của Công ty chỉ đạt hơn 53 tỷ đồng, giảm 33% so với năm 2015 nhưng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 46,3 tỷ đồng, gấp 3,2 lần năm trước. Điều này có được là do quý IV/2016, SIC có thu nhập từ chuyển nhượng dự án Nhà máy Thủy điện K'rông K'mar.

Về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017, SIC đặt chỉ tiêu tổng doanh thu thuần ước đạt hơn 172 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với năm trước. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 19 tỷ đồng, giảm hơn 57% so với thực hiện năm 2016.

Hội đồng Quản trị của SIC còn trình lên Đại hội cổ đông việc giao cho Hội đồng Quản trị phê duyệt và quyết định các vấn đề liên quan đến hợp đồng, giao dịch thuộc thẩm quyền của Đại hội cổ đông theo điều lệ.

Xem thêm thông tin tại đây

Quý I, thu hút hơn 7 tỷ USD vốn FDI

Công bố của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính đến ngày 20/03/2017, cả nước có 23.071 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 300,7 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 158,45 tỷ USD, bằng 49,3% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Riêng trong quý I/2017, tính đến ngày 20/3, vốn FDI thực hiện đạt 3,62 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 6,54 tỷ USD, chiếm 84,9%. Một số dự án lớn được cấp phép trong quý I/2017 gồm: Dự án Samsung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn thêm 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh; Dự án nhà máy sản xuất xơ tổng hợp polyester của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (do nhà đầu tư Đài Loan đầu tư tại Bình Dương) điều chỉnh tăng vốn thêm 485,8 triệu USD; Dự án nước giải khát CocaCola Việt Nam tại Hà Nội điều chỉnh tăng vốn 319,8 triệu USD;…

Xem thêm thông tin tại đây

Cảnh báo từ thị trường nhà ở: Nhiều khách hàng nguy cơ trắng tay

Thị trường bất động sản thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, gây bất lợi cho người mua nhà. Nhiều nhà đầu tư (khách hàng) có nguy cơ “trắng tay”.

Trước đây, khách hàng mua - bán BĐS hầu như không quan tâm nhiều đến năng lực của nhà đầu tư. Mặc dù quy định người mua nhà chung cư, biệt thự liền kề đều phải được biết về năng lực tài chính của nhà đầu tư, nhưng dân ta thường bỏ qua mấu chốt quan trọng này, cũng chính vì vậy, khi rủi ro “ập” đến, các nhà đầu tư căn hộ, biệt thự liền kề đã phải chịu trận. Khách hàng là người bỏ tiền ra để đầu tư vào dự án, khi bị rủi ro thì quyền và lợi ích của họ lại không được đảm bảo - có thể là mất trắng; còn chủ đầu tư của dự án “phủi tay” là xong.

Thực tế là hệ thống pháp luật của chúng ta cũng đã được “xốc” lại để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, để chủ đầu tư phải có trách nhiệm đến cùng đối với khách hàng. Chính vì vậy, dự án phải được bảo lãnh qua ngân hàng trước khi đầu tư xây dựng là một điều kiên tiên quyết đối với các chủ đầu tư, cũng là đảm bảo để dự án được thực hiện theo đúng tiến độ.

Xem thêm thông tin tại đây

Chấp thuận chủ trương nâng huyện Bình Chánh lên quận

Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Hồng  cho biết, cuối năm 2016, UBND huyện đã phối hợp với Sở Nội vụ khảo sát. Kết quả khảo sát cho thấy huyện Bình Chánh đã hội đủ các điều kiện để lên quận.

“Trên cơ sở đó, chúng tôi đã có văn bản xin chủ trương thành lập quận và đã được UBND TP chấp thuận" - ông Hồng nói và cho biết sắp tới, UBND huyện sẽ phối hợp với các sở ban ngành thành lập đề án cụ thể trình Thành ủy và UBND TP. HCM xem xét.

Một góc của khu dân cư Trung Sơn (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP. HCM). Nguồn ảnh: Pháp luật TP. HCM

Một góc của khu dân cư Trung Sơn (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP. HCM). Nguồn ảnh: Pháp luật TP. HCM

Ông Hồng cho biết thêm, quy trình thủ tục để chuyển đổi từ mô hình chính quyền nông thôn (huyện) sang chính quyền đô thị (quận) mất từ 5 – 6 năm. Vì vậy, địa phương đã kiến nghị trung ương và TP cho phép áp dụng cơ chế quản lý nhà nước cấp phường đối với 4 xã có dân số trên 100.000 người, tốc độ đô thị hoá cao, gồm: Bình Hưng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên. Đồng thời kiến nghị điều chỉnh địa giới một số xã.

Xem thêm thông tin tại đây

Hà Nội không khuyến khích xây nhà ở xã hội 100 triệu đồng

Ông Nguyễn Chí Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Hà Nội không khuyến khích xây nhà ở xã hội giá rẻ ở các khu đô thị do điều kiện nguồn lực đất đai, nhu cầu địa phương.

Nhà 100 triệu đồng ở TP. HCM

Nhà 100 triệu đồng ở Bình Dương

Ông Dũng cho rằng, đúng là Hà Nội cần phải quan tâm tới nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, mức giá bao nhiêu thì cần phải nghiên cứu sao cho giá thành thấp nhất, song vẫn phải đảm bảo hiệu quả của dự án. Chủ trương phát triển nhà ở công nhân của Hà Nội tới đây sẽ áp dụng hình thức xã hội hóa, gắn với trách nhiệm của các ban quản lý khu công nghiệp.

Thực tế, chủ các khu công nghiệp trên địa bàn hiện nay đều nhìn thấy khó khăn khi phát triển quỹ nhà ở cho công nhân, không chỉ ở vốn đầu tư mà ngay cả việc tìm đầu ra. Không phải công nhân nào cũng có nhu cầu mua nhà; Còn nếu cho thuê lại rất khó thu hồi vốn. Vì vậy, sắp tới, Hà Nội có thể phải tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu nhà ở công nhân để lên kế hoạch triển khai đáp ứng

Xem thêm thông tin tại đây

 Việt Nam, quốc gia dẫn đầu “cuộc đua” cơ sở hạ tầng tại khu vực Đông Nam Á

Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), trong những năm gần đây, đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân của Việt Nam đều ở mức trung bình 5,7% trên tổng sản phẩm quốc nội mỗi năm, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á; các quốc gia như Indonesia hay Philippines chỉ chi tiêu ít hơn 3%, còn ở Thái Lan và Malaysia, mức chi là dưới 2%. Xét trong phạm vi toàn lãnh thổ châu Á, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc, với con số đầu tư 6,8% GDP.

ADB ước tính rằng từ nay đến năm 2030, các nền kinh tế mới nổi trong khu vực sẽ phải đầu tư tới 2.630 tỷ USD để xây dựng mạng lưới giao thông vận tải, tăng cường khả năng cung cấp điện và nâng cấp hệ thống nước sạch và vệ sinh. Việt Nam, với mục tiêu trở thành “con hổ” kinh tế trong khu vực, đồng thời là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, đang tập trung đẩy mạnh đầu tư và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng để thu hút hơn nữa các nguồn vốn từ nước ngoài.

Xem thêm thông tin tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
  • Mái hiên Zettex đẳng cấp, sang trọng
Lên đầu trang
Top