BĐS đứng đầu về mức lương, thưởng
Mới đây, Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý doanh nghiệp Macconsult đã công bố kết quả khảo sát lương, thưởng năm 2016. Khảo sát được thực hiện trực tuyến trên website với sự tham gia của 300 doanh nghiệp, hơn 100.000 lao động thuộc 23 nhóm ngành nghề khác nhau. Kết quả, BĐS đã vượt qua ngành dược phẩm và tài chính để trở thành ngành dẫn đầu có mức lương, thưởng cao nhất năm qua.
Một số ý kiến của những người trong ngành cũng cho rằng, việc nhiều doanh nghiệp BĐS dành mức thưởng Tết cao cho người lao động cũng là dễ hiểu, bởi trong năm qua thị trường BĐS tiếp tục nằm trong chu kỳ tăng trưởng, các giao dịch BĐS vẫn giữ ở mức ổn định và nhiều doanh nghiệp “ăn nên làm ra”.
Những khoản thưởng trị giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng là không hề hiếm trong lĩnh vực BĐS. Ngoài thưởng xe, một số doanh nghiệp còn thưởng căn hộ, chuyến du lịch nước ngoài cho nhân viên với giá trị từ 1-2 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, so với năm ngoái thưởng năm nay nhiều và cao hơn.
Tín dụng ngân hàng đang tạo ra nhiều cơ hội cho thị trường condotel Việt Nam
TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, có 4 yếu tố về lợi ích tài chính của việc sở hữu condotel, đó là lợi nhuận từ việc cho thuê, dòng tiền, sự tăng giá và bài toán tài chính. Mô hình dự án condotel đang trở thành xu hướng của BĐS nghỉ dưỡng trên toàn thế giới bởi những lợi ích “kép” mà nó mang lại, bao gồm đầu tư – nghỉ dưỡng – cho thuê và trao đổi với các resort liên kết ở các quốc gia khác.
Sự phát triển của loại hình BĐS mới này, theo TS. Ánh, có sự đồng hành góp sức đáng kể của tín dụng ngân hàng trong đó bao gồm cả tín dụng cho chủ đầu tư - người bán - quản lý vận hành lẫn tín dụng cho người mua - sở hữu - cho thuê. Tín dụng ngân hàng đã và đang tạo ra nhiều cơ hội cho thị trường condotel Việt Nam.
“Ai lôi được 500 tấn vàng trong dân đổ vào BĐS, người đó thắng!”
Một thực tế đang tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay chính là nguồn tiền từ ngân hàng đang góp đến 75% vốn liếng cho các doanh nghiệp, trong đó có tới 70% vào thị trường BĐS.
Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia BĐS đã nhiều lần đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để cân đối cơ cấu nguồn vốn cho thị trường BĐS, phát huy được vai trò của 4 “chân trụ” là ngân hàng, vốn chứng khoán, trái phiếu và vốn FDI? Đồng thời tìm cách giải bài toán huy động tối đa nguồn lực trong dân.
Khi các chuyên gia đầu ngành tranh luận quanh lời thách đố “Ai lôi được 500 tấn vàng trong dân đổ vào BĐS, người đó thắng”, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng riêng trong năm qua, BĐS nghỉ dưỡng đã thực sự làm được việc này khi vươn lên trở thành phân khúc có tiềm năng phát triển tốt nhất. BĐS nghỉ dưỡng đã tạo ra lợi ích thực sự cho việc đầu tư kinh doanh, rất nhiều dự án hút được vốn từ dân.
Thị trường căn hộ Hà Nội năm 2017: Giá càng cao, càng dễ bán?
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc đơn vị phân phối Đất Xanh Miền Bắc cho biết: Giai đoạn 2015 – 2016, nguồn cung căn hộ cao cấp bùng nổ và tỷ lệ căn hộ cao cấp được giao dịch thành công cũng rất lớn.
Đánh giá về xu hướng thị trường căn hộ năm 2017, ông Quyết cho rằng, những động thái siết quy hoạch khu vực nội đô Hà Nội gần đây sẽ khiến nguồn cung căn hộ cao cấp khu vực nội đô bị hạn chế.
Đây chính là lý do khiến nhiều dự án căn hộ khu nội đô mới được khởi công cuối năm 2016, dù được bán với giá rất cao, vẫn duy trì thanh khoản tốt trong năm 2017.
Đánh giá về thị trường căn hộ năm 2017, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GPInvest) cho rằng, phân khúc căn hộ cao cấp nói chung tại thị trường Hà Nội sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhiều dự án căn hộ cao cấp có vị trí tốt, của chủ đầu tư uy tín, dù giá bán đã rất cao, vẫn sẽ tiếp tục tăng giá và duy trì được thanh khoản.
Đồng Nai sẽ xây 20.000 căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2020
Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng là công nhân, công chức, sinh viên, người có thu nhập thấp, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt kế hoạch xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2020.
Theo đó, tỉnh Đồng Nai sẽ triển khai xây dựng 17.815 căn nhà ở cho công nhân và các đối tượng xã hội khác; xây 2.185 căn phòng ký túc xá cho sinh viên. Tổng số vốn để xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội là trên 12.280 tỷ đồng.
Trong số vốn để xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn trên, riêng nguồn vốn từ ngân sách phát triển nhà ở xã hội là hơn 775 tỷ đồng. Nguồn vốn còn lại kêu gọi đầu tư trong các tổ chức, thành phần kinh tế theo hình thức đầu tư – chuyển giao (BT) với vốn đầu tư được thanh toán bằng quỹ đất.
TP. HCM: Làn sóng BĐS lan ra các vùng lân cận
Dự báo về tình hình BĐS TP. HCM năm 2017, Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA) dự báo thị trường này tiếp tục nằm trong chu kỳ tăng trưởng và sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết dần những điểm yếu còn tồn đọng hiện nay. HoREA cũng cho rằng, nhân tố tác động tích cực đến thị trường trong những năm tới là hệ thống pháp luật (trước hết là pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh BĐS, xây dựng, đầu tư, đấu thầu, tín dụng, tiền tệ, thuế...) đang và sẽ tiếp tục được hoàn thiện.
Năm 2017, thị trường BĐS TP. HCM có cơ hội được hưởng lợi từ "Chương trình phát triển các khu đô thị mới" định hướng phát triển các khu đô thị vệ tinh và "Chương trình chỉnh trang đô thị cũ" của TP. HCM với 3 mục tiêu lớn là: Chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch; Xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng; Chỉnh trang các khu dân cư cũ.
Theo quan sát của giới đầu tư BĐS chuyên nghiệp, quy mô thị trường BĐS TP. HCM đã và đang có xu hướng vượt ra khỏi ranh giới hành chính trong "Vùng đô thị TP. HCM", dịch chuyển dần sang các khu vực giáp ranh, như Bình Dương, Đồng Nai, Long An.