Nhà Thủ Đức tạm hoãn mục tiêu “ôm” 65% vốn FDC
CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (mã TDH) vừa báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu FDC của CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP. HCM. Hết thời gian đăng ký, Nhà Thủ Đức chưa mua được gần 9,4 triệu cổ phiếu FDC theo phương thức thỏa thuận. Nguyên nhân không mua được là do TDH chưa thỏa thuận được mức giá mong muốn.
Nhà Thủ Đức gần đây liên tiếp mua vào cổ phiếu FDC với mục tiêu nâng tỷ lệ sở hữu tại Fideco lên 65% mà không phải thực hiện chào mua công khai mà ĐHCĐ Fideco thông qua trước đó.
Hiện Nhà Thủ Đức đang nắm giữ hơn 16,61 triệu cổ phiếu FDC. Nếu mua thành công gần 9,4 triệu cổ phiếu như đăng ký, thì Nhà Thủ Đức sẽ hoàn thành mục tiêu nâng tổng lượng sở hữu tại Fideco lên 25,1 triệu cổ phiếu tương ứng 65% như kỳ vọng.
Thủ tướng đồng ý xây khu đô thị gần 250ha ở Bắc Ninh
Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận đầu tư dự án khu đô thị và dịch vụ phía Tây thị trấn Chờ phân khu A, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Dự án trên được thực hiện từ năm 2017 - 2030 theo hình thức đầu tư xây dựng mới.
Dự án sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị và dịch vụ phía Tây thị trấn Chờ phân khu A, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh với tổng diện tích khu đất là 246,36 ha, bao gồm các hạng mục: San nền, giao thông, thoát nước mưa, thoát nước thải, cảnh quan, cấp nước, chiếu sáng, cấp điện, thông tin liên lạc... đảm bảo khu đô thị có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, kết nối với khu vực theo quy hoạch.
Thanh tra việc chuyển nhượng các khu “đất vàng” ở Hà Nội
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra một số vấn đề liên quan đến việc sử dụng đất đai tại UBND TP. Hà Nội.
Theo Quyết định số 384/QĐ-TTCP, của Tổng Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra một số dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP. Hà Nội (giai đoạn từ 2003-2016).
Từ 14/3, xác định giá trị bồi thường, thu hồi đất theo biểu giá mới tại Hà Nội
UBND TP. Hà Nội vừa Ban hành giá xây dựng mới nhà ở, nhà tạm, vật kiến trúc làm cơ sở xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP. Hà Nội. Theo đó, biểu giá xây dựng mới nhà ở làm căn cứ bồi thường cao nhất là 7.504.000 đồng/m2.
Từ ngày 14/3, Quyết định này có hiệu lực và thay thế Quyết định số 02/2016/QĐ-UBND ngày 21/01/2016 của UBND TP. Hà Nội.
Đối với những hạng mục, dự án đã chi trả xong việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo phương án đã được duyệt trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng hoặc không điều chỉnh đơn giá theo Quyết định này…
Hà Nội: Công khai các dự án BĐS đang thế chấp ngân hàng
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vừa ký ban hành Công văn số 913/UBND-ĐT về triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tình hình thị trường BĐS.
Cụ thể, Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư dự án bất động sản thực hiện triển khai đầu tư xây dựng đảm bảo tiến độ, chủ trì cùng các Sở, ngành và cơ quan liên quan tiếp tục kiểm tra, rà soát các dự án BĐS có tiến độ thực hiện chậm so với tiến độ đã được phê duyệt, xác định rõ nguyên nhân chủ quan khách quan báo cáo Thành phố để xem xét, xử lý theo quy định.
BĐS TP.HCM: Nhà giá rẻ hoàn toàn không rẻ
Những ngày qua, TP. HCM xôn xao chuyện lãnh đạo Thành phố quyết tâm làm nhà ở giá rẻ cho người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, loại hình nhà ở này đang bị làm giá nhiều nhất và người nghèo, người có thu nhập thấp lại đang phải mua nhà giá rẻ với mức giá… không còn rẻ nữa.
Đơn cử, mới đây một doanh nghiệp cho biết, sẽ phát triển khoảng 300.000 căn hộ giá rẻ diện tích từ 30 đến 55m2 với giá tiền 700 triệu đồng/căn. Nhưng theo ông Đinh La Thăng phân tích, 700 triệu đồng chia cho 30 m2 thì giá lên tới gần 30 triệu đồng/m2, làm sao được cho là nhà giá rẻ?