Aa

BĐS năm 2025 được 'hâm nóng' bởi loạt dự án giao thông trọng điểm

Thứ Sáu, 10/01/2025 - 13:29

Với loạt công trình giao thông trọng điểm sắp được triển khai, thị trường bất động sản nhờ thế cũng sẽ "ấm dần lên" trong năm 2025.

Hạ tầng giao thông đồng bộ

Theo Hiệp Hội BĐS TP. HCM (HoREA), trong năm 2024 thị trường BĐS tại TP. HCM đã có nhiều chuyển biến tích cực, tăng trưởng trong lĩnh vực BĐS đã dương trên dưới 9%. Kết quả doanh thu kinh doanh BĐS trong tháng 11/2024 ước đạt 250.000 tỷ đồng.

Trong khi đó theo báo cáo của Viện nghiên cứu Kinh tế tài chính, Bất động sản Dat Xanh Services (Dat Xanh Services - FERI) nhận định, nếu như năm 2023 được xem là "năm của cao tốc" thì năm 2024 được xem là năm "khởi động" của các dự án quy mô lớn, đặc biệt là các dự án có liên quan đến logistics và công nghệ cao.

BĐS năm 2025 được 'hâm nóng' bởi loạt dự án giao thông trọng điểm- Ảnh 1.

Thị trường bất động sản trong năm 2024 đã có nhiều điểm sáng sau khi loạt luật mới có hiệu lực. Ảnh: Internet

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang nhận được sự quan tâm và đầu tư rất lớn.

Tính đến hết tháng 11/2024, giải ngân vốn đầu tư công của các Bộ, ngành và địa phương là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 54,8% kế hoạch, tương ứng 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và thấp hơn gần 5% so với cùng kỳ 2023.

Hiện nay, hệ thống hạ tầng giao thông tại khu vực các tỉnh phía Nam vùng kết nối trọng điểm từ TP. HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu - Long An trong những năm qua đã có sự gắn kết một cách đồng bộ.

Các tuyến đường kết nối như cao tốc Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết (nối từ TP. HCM đi Phan Thiết); Quốc lộ 13; Mỹ Phước Tân Vạn (nối từ Bình Dương đến TP. HCM và Đồng Nai hay cao tốc TP. HCM - Trung Lương (từ TP. HCM đi Long An và các tỉnh phía Tây)... tạo nên "trợ lực" về hạ tầng rất lớn.

Tại phía Nam, một loạt các công trình giao thông trọng điểm hiện cũng đang được "tốc lực" để về đích như: Đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP. HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức - Long Thành...

Những dự án xây dựng như nhà ga T3 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất... hiện cũng đang được đẩy nhanh tiến độ.

Theo chia sẻ của ông Lưu Quang Tiến - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế tài chính, BĐS Dat Xanh Services (Dat Xanh Services - FERI), hiện nay đầu tư công đang được xem là một trong những điểm mấu chốt nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực với nhiều ngành nghề khác.

Trong số đó, lĩnh vực BĐS nhà ở hiện đang hưởng lợi lớn từ cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông các vùng kinh tế.

Việc di chuyển giao thương thuận lợi cũng giúp các nhà đầu tư và người mua nhà mạnh dạn hơn đối với nhiều sản phẩm bất động sản ở nhiều khu vực khác nhau.

Chính vì thế, năm 2025 với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế cũng như các lĩnh vực khác.

Hành lang pháp lý sẽ tháo gỡ nhiều khúc mắc của thị trường

Theo như báo cáo tình hình hoạt động BĐS trong năm 2024 của Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA), năm 2025 sẽ là năm của xu thế phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Cụ thể, HoREA nhận định việc hàng loạt các luật mới liên quan đến BĐS như Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh BĐS 2024 chính thức có hiệu lực đã sớm thiết lập hành lang pháp lý, khắc phục nhiều bất cập, trì trệ trong công tác thực thi pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức viên chức Nhà nước liên quan đến đất đai.

BĐS năm 2025 được 'hâm nóng' bởi loạt dự án giao thông trọng điểm- Ảnh 2.

Hạ tầng giao thông cùng hành lang pháp lý sẽ giúp thị trường BĐS có "đà" để bứt phá. Ảnh: Internet

Trong năm 2024, cơ quan chức năng tại TP. HCM đã phối hợp và tháo gỡ nhiều khó khăn cho các dự án BĐS, đi đôi với nỗ lực của các doanh nghiệp BĐS nhằm tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu cơ, cơ cấu lại sản phẩm nhằm tồn tại và chờ cơ hội phục hồi.

Đã có 8 dự án được giải quyết dứt điểm, trong khi 26 dự án còn lại có vướng mắc và đang được các Sở, ngành, TP. HCM tiếp tục xử lý theo quy định.

Dù trong năm 2024 đã có nhiều dự án tại TP. HCM được tháo gỡ nhưng vẫn còn hơn 100 dự án BĐS, nhà ở thương mại bị "vướng mắc pháp lý" chưa được giải quyết triệt để.

Nhằm đạt được hiệu quả tối đa cho công tác tháo gỡ các dự án, ông Lê hoàng Châu - Chủ tịch HoREA kiến nghị Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết 171/2024/QH15 "về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất", để các địa phương có căn cứ ban hành Nghị quyết, Quyết định theo thẩm quyền để triển khai thực hiện kể từ ngày 01/04/2024.

Theo đó, HoREA cũng đồng thời đề nghị Chính phủ và Bộ Tài chính quan tâm sát sao thời điểm quý II và quý III/2025. Đây được xem là thời điểm tập trung đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ sau 2 năm được gia hạn theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP với tổng giá trị lên đến khoảng 180.000 tỷ đồng, cao nhất trong 3 năm 2023-2025 để bảo đảm an toàn cho thị trường tài chính và hỗ trợ cho doanh nghiệp khó khăn nhưng có triển vọng phục hồi.

Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo xây dựng "Bảng giá đất lần đầu" theo đúng quy định của pháp luật về đất đai sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương, đưa vào áp dụng đồng bộ từ ngày 1/1/2026.

HoREA cũng khuyến nghị các doanh nghiệp BĐS cần luôn có hành động trên tinh thần thượng tôn pháp luật, chấp hành pháp luật, tôn trọng và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các khách hàng và nhà đầu tư theo nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" cũng như nỗ lực tối đa nhằm tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm BĐS, nhà ở thương mại nhằm hướng đến nhu cầu ở thực và "trả giá nhà" về mức hợp lý.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top