Aa

Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tránh cú sốc tăng giá đột biến trong xây dựng bảng giá đất mới

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Ba, 22/10/2024 - 15:17

Các địa phương cần lưu ý quy định chuyển tiếp, thực hiện lộ trình từng bước xây dựng bảng giá đất mới theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 để áp dụng từ ngày 01/01/2026, tránh cú sốc tăng giá đột biến trong bảng giá đất, ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của một số đối tượng người sử dụng đất.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, về tình hình triển khai Luật Đất đai 2024 (sau hơn hai tháng luật này có hiệu lực thi hành, kể từ ngày 1/8/2024). 

Báo cáo nhấn mạnh, với các quy định mới của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, bước đầu cho thấy các chính sách mới đã mang lại hiệu quả. Việc phân cấp, phân quyền về chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng, công tác thu hồi đất, xác định giá đất, cấp Giấy chứng nhận, hoạt động lấn biển,… đã tạo được sự đồng thuận của đa số người dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự thống nhất của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, góp phần giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình và giải ngân vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, qua theo dõi, nắm bắt tình hình, phản ánh của cơ quan thông tin và báo cáo của các địa phương, việc tổ chức thi hành còn có một số vướng mắc nổi lên liên quan đến công tác điều chỉnh bảng giá đất và đấu giá quyền sử dụng đất.

Vướng mắc trong xây dựng bảng giá đất là do khâu tổ chức thực thi chưa tốt

Tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 quy định: "Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giả đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương''.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đây là quy định chuyển tiếp, nhằm giúp các địa phương thực hiện lộ trình từng bước xây dựng bảng giá đất mới theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 để áp dụng từ ngày 01/01/2026, tránh cú sốc tăng giá đột biến trong bảng giá đất, ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của một số đối tượng người sử dụng đất.

Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu ý, khi tiến hành điều chỉnh bảng giá đất hiện hành, nếu các địa phương không xem xét thận trọng, kỹ lường, đánh giá tác động một cách đầy đủ thì sẽ xảy ra trường hợp giá đất trong bảng giá đất sau khi điều chỉnh có chênh lệch lớn so với giá đất trong bảng giá đất hiện hành. Đặc biệt là tại các địa phương trong suốt giai đoạn 2021 - 2024 không điều chỉnh hoặc không thường xuyên điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, nay khi thực hiện điều chỉnh với mức chênh lệch lớn khiến người dân, doanh nghiệp phản ứng vì số tiền người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai sẽ tăng cao so với khi áp dụng giá đất trong bảng giá đất trước khi điều chỉnh.

Tại TP.HCM, thực hiện quy định của Luật Đất đai, UBND TP đã tiến hành điều chỉnh bảng giá đất và đã nảy sinh nhiều bất cập. Theo dự thảo bảng giá đất điều chỉnh lần đầu đưa ra lấy ý kiến góp ý của người dân, doanh nghiệp thì giá đất tại một số khu vực có sự thay đổi lớn, tăng đột biến so với giá đất trong bảng giá đất hiện hành. Thậm chí 01 quận và 04 huyện có mức tăng giá đất tại một số vị trí đất trên 30 lần, cá biệt tại huyện Hóc Môn có vị trí có mức tăng giá đến 51 lần. Điều này dẫn đến sự phản ứng của người dân, doanh nghiệp là các đối tượng chịu tác động, nhất là khi thực hiện nghĩa vụ tài chỉnh đối với các trường hợp áp dụng giá đất trong bảng giá đất quy định tại khoản 1 Điều 159 Luật Đất đai.

Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tránh cú sốc tăng giá đột biến trong xây dựng bảng giá đất mới- Ảnh 1.

Tại TP.HCM, thực hiện quy định của Luật Đất đai, UBND TP đã tiến hành điều chỉnh bảng giá đất và đã nảy sinh nhiều bất cập. (Ảnh minh họa: 1.6 Media)

Từ câu chuyện của TP.HCM, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc điều chỉnh bảng giá đất là nhiệm vụ thường xuyên được quy định xuyên suốt từ Luật Đất đai năm 2013 đến nay. Thực tế cho thấy, đối với các địa phương có sự điều chỉnh bảng giá đất theo đúng quy định của Luật Đất đai 2013 đã đảm bảo giá đất trong bảng giá đất tiệm cận với mặt bằng giá đất thực tế tại địa phương thì việc áp dụng khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 không có vướng mắc, không ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.

Qua theo dõi của Bộ này cho thấy, có 29 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thường xuyên điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất hàng năm khi có sự biến động giá đất thực tế theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013 (trong đó có 07 địa phương đã điều chỉnh bảng giá đất sau ngày 01/8/2024); trong khi đó, có 23 tỉnh, thành phố chỉ thực hiện điều chỉnh bảng giá đất 01 lần và có 11 tỉnh không thực hiện điều chỉnh bảng giá đất từ năm 2020 đến nay.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, hành lang pháp lý để xây dựng, điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất hiện hành đã được Luật Đất đai và Nghị định số 71/2024/NĐ-CP ngày 27/6/2024 của Chính phủ quy định về giá đất quy định đầy đủ, chi tiết, đảm bảo để các địa phương thực hiện mà không có vướng mắc.

Ngày 14/10/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức làm việc với 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để trao đổi, thảo luận, hướng dẫn, giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định về giá đất. Trên cơ sở đó, Bộ đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo việc sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền (bao gồm các định mức kinh tế - kỹ thuật) để kịp thời áp dụng, triển khai thực hiện; chủ động các điều kiện cần thiết để tổ chức thi hành Luật Đất đai; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức thực hiện để hạn chế những bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

"Như vậy, việc một số địa phương phản ánh có khó khăn, vướng mắc khi thực hiện khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai liên quan đến bảng giá đất là xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, chưa chủ động, thiếu linh hoạt, bao gồm việc không thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 trong giai đoạn trước đây, không phải do vướng mắc từ chính sách hoặc quy định của Luật Đất đai năm 2024 và văn bản hướng dẫn thi hành", Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định.

Nhiều người bỏ cọc sau khi đấu giá đất

Cũng tại Báo cáo, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ở một số địa phương, công tác đấu giá quyền sử dụng đất xuất hiện tình trạng chênh lệch lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá, gây dư luận xấu và ảnh hưởng đến thị trường bất động sản.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra, rà soát và chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Thứ nhất là do, việc lập, công khai quy hoạch các khu vực phát triển nhà ở chưa được thực hiện bài bản, công khai, minh bạch, tạo cơ hội để các đối tượng lợi dụng đầu cơ đất đai.

Thứ hai, một số đối tượng tham gia đấu giá đất không thực sự có nhu cầu về đất ở, nhà ở mà chủ yếu vì mục đích đầu cơ, thao túng giá thông qua việc đẩy giá cao, thổi giá và bán lại ngay đất vừa trúng đấu giá để thu lợi, hoặc tạo mặt bằng giá ảo đối với các khu vực xung quanh; trong đó, sau khi đấu giá một số người trúng đấu giá chưa nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy chế đấu giá, có dấu hiệu bỏ cọc gây ra dư luận không tốt tại một số địa phương.

Cụ thể, tại huyện Thanh Oai, sau phiên đấu giá 68 lô đất tại khu ngõ 3 thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao ngày 11/8, với giá trúng lên tới 100 triệu đồng/m2, đến nay chỉ có 12 người nộp tiền. Số người trúng đấu giá nhưng chưa nộp tiền chiếm tới 56 người, tương đương khoảng 80% tổng số thửa đất được mang ra đấu giá.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại huyện Hoài Đức. Theo đó, 19 thửa đất ở thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên được đấu giá với mức giá lên tới 133 triệu đồng/m2, thu hút người dân thức xuyên đêm để tham gia. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 8 thửa đất (chiếm 42,1%) người trúng đấu giá chưa nộp tiền theo quy chế.

Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tránh cú sốc tăng giá đột biến trong xây dựng bảng giá đất mới- Ảnh 2.

Nhiều lô đất đấu giá tại khu đất đấu giá tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức chưa nộp tiền theo quy định. (Ảnh: Thảo Bùi)

Thứ ba là các địa phương thiếu sự chủ động trong việc tạo quỹ đất để đấu giá dẫn đến nhu cầu đất ở, nhà ở của người dân không được đáp ứng đầy đủ trong thời gian dài.

Thứ tư là có trường hợp địa phương sử dụng giá đất trong bảng giá đất hiện hành chưa được điều chỉnh kịp thời, thấp hơn nhiều so với mặt bằng giá đất thực tế để làm giá khởi điểm, dẫn đến giá trúng đấu giá và giá khởi điểm có sự chênh lệch lớn cũng thu hút nhiều đối tượng tham gia đấu giá để kiếm lời.

"Qua nắm bắt tình hình nêu trên cho thấy những vấn đề nổi lên trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện chưa tốt ở một số địa phương. Vì vậy, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác tổ chức thực hiện để hạn chế bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2024", Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục theo dõi sát sao việc triển khai thi hành Luật Đất đai trên phạm vi cả nước; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc từ các bộ, ngành, địa phương và hướng dẫn, phối hợp để tháo gỡ, giải quyết; nếu phát hiện vấn đề vướng mắc từ cơ chế, chính sách, Bộ sẽ phối hợp cùng các cơ quan có liên quan kịp thời báo cáo và tham mưu với cấp có thẩm quyền các giải pháp để chính sách, pháp luật đất đai thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả nguồn lực từ đất đai cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top