Aa

Bó tay với chiêu “ăn cơm trước kẻng” của môi giới

Thứ Sáu, 26/10/2018 - 14:01

Bó tay với chiêu “ăn cơm trước kẻng” của môi giới; Cuối năm, bất động sản khu vực nào tại TP.HCM hút nhà đầu tư?; Bất động sản tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng năm 2018 - 2019... là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Bó tay với chiêu “ăn cơm trước kẻng” của môi giới

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Hà Đô 756 cho biết, công ty ông hiện đang trong giai đoạn phát triển dự án bất động sản tại quận 8, TP.HCM. Hiện tại dự án mới trong quá trình hoàn tất thủ tục pháp lý và chưa chính thức mở bán cũng như chưa chọn doanh nghiệp phân phối.

Thế nhưng, nửa tháng qua, ông phát hiện có nhiều trang web chạy quảng cáo giới thiệu dự án cũng như mời chào khách hàng mua dự án này.

“Chúng tôi chưa chính thức mở bán dự án, cũng chỉ mới làm hệ thống web chứ chưa cập nhật thông tin. Vậy mà nhiều môi giới tự do, thậm chỉ cả các sàn giao dịch lại liên tục cho lập trang thông tin giới thiệu về dự án của chúng tôi. Điều này đã gây hệ lụy khi có những cơ quan thông tin đại chúng liên hệ xác minh xem có phải chúng tôi bán hàng khi chưa xong pháp lý hay không, gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp”, ông Tuấn phân trần.

Cũng theo vị trưởng phòng kinh doanh này, đây không phải lần đầu dự án của Hà Đô 756 bị môi giới “cầm đèn chạy trước ô tô”. Trước đó, dự án tại quận 10 của doanh nghiệp này cũng bị dân môi giới “bán trộm hàng”, đặc biệt môi giới còn gọi thẳng cho ông Tuấn mời mua nhà tại dự án mà công ty ông đầu tư xây dựng.

Một trường hợp khác, ngày 3/10 vừa qua, Tập đoàn Đại Phúc phải ra thông báo gửi tới khách hàng và báo chí cho biết, doanh nghiệp này đang bị nhiều môi giới bất động sản chào “bán trộm” sản phẩm Dự án Khu đô thị Vạn Phúc.

Cần rất thận trọng, kiểm tra kỹ khi đọc tờ rơi quảng bá dự án

Cần rất thận trọng, kiểm tra kỹ khi đọc tờ rơi quảng bá dự án

Cụ thể, trong văn bản gửi báo chí, Tập đoàn này cho biết, tháng 9/2018 vừa qua, Tập đoàn Đại Phúc ghi nhận người tên Huyền có số điện thoại 0939.933.xxx có hành vi giả mạo là nhân viên bán hàng tại dự án Khu đô thị Vạn Phúc (Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức TP.HCM) do Tập đoàn Đại Phúc làm chủ đầu tư.

Để xác minh cụ thể, phía Tập đoàn Đại Phúc đã liên hệ với cá nhân có tên nói trên. Trong quá trình tiếp xúc, xác minh, người này cho biết hiện là nhân viên Sàn môi giới Bất động sản Long Phát, đang quảng cáo bán đất trong Khu đô thị Vạn Phúc và là nhà phân phối độc quyền của chủ đầu tư - Tập đoàn Đại Phúc.

“Qua trao đổi với các khách hàng có nhu cầu mua nhà tại Dự án Vạn Phúc cũng như tìm hiểu của phía doanh nghiệp chúng tôi, thì khi khách hàng liên hệ, Huyền hứa hẹn ngày Chủ nhật đến mở bán tại sân khấu Trống Đồng, quận 1. Nhưng khi khách hàng qua địa điểm trên, Huyền gom khách hàng chở thẳng xuống Bình Dương hoặc vùng ngoại thành khác để bán đất nền…”, đại diện Tập đoàn Đại Phúc bức xúc cho biết.

Xem chi tiết tại đây.

Cho thuê mặt bằng theo ngày, giờ thu tiền triệu ở Sài Gòn

Một quán cà phê ở ngay trung tâm quận 1, gần chợ Tân Định TP HCM chỉ hoạt động tầng trệt, còn thừa tầng một đã chào thuê mặt bằng này làm hội thảo, workshop. Không gian tầng một của quán cà phê này được quảng cáo là đủ cho 20 người cùng làm việc, họp hành. Giá thuê theo mô hình chia sẻ thời gian được chào một triệu đồng một buổi, khoảng 3 - 4 giờ đồng hồ sử dụng mặt bằng.

Để kích cầu, bên cho thuê mặt bằng cũng đưa ra chính sách thuê linh hoạt hơn. Cùng không gian tầng còn trống của quán cà phê này, nếu khách thuê dài hạn hơn, tính trọn gói giá chào thuê là 10 triệu đồng một tháng, rẻ hơn rất nhiều với khung giá thuê lẻ theo buổi, theo giờ.

Trong khi đó, căn nhà phố mặt tiền quận Bình Thạnh được một công ty là đầu nậu cho thuê mặt bằng bao thầu để phân phối lại. Trừ tầng trệt khai thác chức năng cho thuê thương mại, các tầng trên được đơn vị này cho thuê theo ngày và giờ hoặc theo tuần với nhiều loại dịch vụ văn phòng đa dạng.

Mặt bằng lẻ là nhà mặt tiền, hàng quán, văn phòng cho thuê tại TP HCM. Ảnh: Vũ Lê

Mặt bằng lẻ là nhà mặt tiền, hàng quán, văn phòng cho thuê tại TP HCM. Ảnh: Vũ Lê

Giá thuê theo giờ khá cao, khoảng 1,5 triệu đồng một mặt sàn trong hai giờ đồng hồ. Tuy nhiên, nếu khách thuê càng lâu chi phí càng linh hoạt. Giá thuê nửa ngày được tính 3 triệu đồng một mặt sàn, khách được sử dụng mặt bằng làm việc trong 5 - 6 giờ đồng hồ. Riêng hợp đồng thuê theo tuần, giá dao động 8 - 10 triệu đồng mỗi tuần tùy vào số lượng người làm việc.

Đơn vị khai thác bất động sản này tiết lộ, sau khi cải tạo và chỉnh trang lại căn nhà mặt phố, việc khai thác tầng trệt cho mục đích thương mại đã đảm bảo hoàn vốn. Phần cho thuê các tầng trên là khoản lãi nên có thể cho thuê ngắn hạn hoặc trung và dài hạn tùy nhu cầu của thị trường. Khách thuê đa phần là các công ty quy mô vừa và nhỏ trong lĩnh vực bất động sản, hàng tiêu dùng và thương mại điện tử (xả hàng đợt cuối). Mục đích thuê mặt bằng này dành cho hoạt động hội thảo, huấn luyện ngắn ngày và có cả bán hàng.

Xem chi tiết tại đây.

Cuối năm, bất động sản khu vực nào tại TP.HCM hút nhà đầu tư?

Hiện thị trường bất động sản TP.HCM được nhiều chuyên gia dự báo tiếp tục phát triển ổn định, không bứt phá ở những tháng cuối năm, sức cầu không có nhiều đột biến. Tuy nhiên, thị trường đang phân hóa rõ rệt theo khu vực, phân khúc bất động sản và được dự báo sẽ khởi sắc hơn trong quý 4. 

Ghi nhận thực tế thị trường cho thấy, nguồn cung mới bất động sản bung ra thị trường đang ngày càng ít đi, nguồn cung mới vẫn chủ yếu là sản phẩm thuộc dự án cũ. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng này đã giảm rõ nét.

Theo dự báo của DKRA Việt Nam, so với quý 3, sức cầu của thị trường có thể tăng nhẹ do tâm lý người dân và xu hướng dòng tiền trong thời gian cuối năm.

Trong khi đó, nguồn cung các phân khúc được dự báo tiếp tục không có nhiều đột biến, nhà phố khoảng 200-300 căn, bất động sản nghỉ dưỡng không có nhiều thay đổi về cung và cầu.

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam cho rằng, thị trường cuối năm sẽ ổn định cả về cung và cầu. Ở một số khu vực có 1 vài dự án "mới tinh" bung thị trường cuối năm dự báo sức mua sẽ tốt vì sự khan hiếm cung rõ nét từ thị trường nói chung.

Bà Lê Thị Bích Ngọc, Phó Tổng giám đốc Him Lam Land cho rằng, ở phân khúc căn hộ nguồn cầu của thị trường sẽ vẫn ổn định ở các dự án có mức giá trên dưới 2 tỉ đồng/căn. Khó có thể nói là dòng tiền của NĐT sẽ đổ vào một phân khúc nào vì mỗi phân khúc có một ưu, nhược điểm khác nhau.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, nguồn cung bất động sản đến cuối năm giảm rõ nét so với thời điểm trước nhưng ở một số phân khúc sức cầu vẫn ghi nhận ổn định. Những dự án có pháp lý hoàn chỉnh, chủ đầu tư đầu tư bài bản, vị trí đẹp vẫn thu hút nhà đầu tư "bỏ tiền" vào.

Xem chi tiết tại đây.

Bất động sản tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng năm 2018 - 2019

Dự báo về tình hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2018 và cả năm 2019 của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội (NCIF – Bộ KH&ĐT) cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan. Kinh doanh bất động sản tiếp tục là một trong những ngành dẫn dắt tăng trưởng của cả nền kinh tế.

Theo NCIF, những tháng cuối năm 2018, kinh tế Việt Nam sẽ được tiếp đà tăng trưởng khả quan từ 9 tháng đầu năm. Nhiều ngành kinh tế lớn bước vào chu kỳ tăng trưởng nhanh như công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ; kinh doanh bất động sản; dịch vụ lưu trú và ăn uống; tài chính, ngân hàng… Nhu cầu tiêu dùng dự báo sẽ tiếp tục tăng trên cơ sở lạm phát được kiểm soát khá tốt và thu nhập được cải thiện; kinh tế vĩ mô ổn định với việc ổn định lãi suất và tỷ giá được đảm bảo.

Dựa trên tình hình kinh tế xã hội 9 tháng năm 2018 và xem xét các yếu tố có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2018 và cả năm 2019, NCIF đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng năm 2018.

Ở kịch bản 1, GDP tăng thấp hơn ở mức 6,83%, lạm phát được dự báo ở mức 4%, bằng với mục tiêu đã đề ra từ đầu năm. Đối với kịch bản 2, tăng trưởng đạt mức cao hơn là 7,01%, lạm phát được dự báo tương ứng cũng ở mức tăng cao hơn, từ 4 - 4,2%, nhỉnh hơn chỉ tiêu kiểm soát lạm phát năn 2018 đã được Quốc hội phê duyệt.

Xem chi tiết tại đây.

Đầu tư lớn cho hạ tầng giao thông vừa là thách thức vừa là cơ hội

TS. Trương Thị Mỹ Thanh, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, cho rằng  phát triển bền vững giao thông đô thị là nền tảng quan trọng cho Việt Nam. Vận tải hành khách khối lượng lớn (đường sắt đô thị) đóng vai trò là trục giao thông xương sống cho mỗi đô thị lớn và Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng này. “Tuy nhiên, hiện nay xe buýt, xe máy và giao thông phi cơ giới vẫn đóng vai trò quan trọng. Do đó, đầu tư lớn cho hạ tầng giao thông vừa là thách thức vừa là cơ hội", bà Mỹ Thanh nhận định.

Điều này có thể nhìn thấy từ kinh nghiệm về phát triển đường sắt, đặc biệt là tốc độ cao của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Việc chuẩn bị xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao thường kéo dài khoảng 10 năm, trong khi thời gian xây dựng thì lại rất ngắn từ 4 - 5 năm (ở Nhật Bản, tuyến Shinkansen đầu tiên cần 10 năm chuẩn bị và thông qua chủ trương đầu tư, trong khi đó thời gian xây dựng chỉ hơn 4 năm).

Trên thực tế, các tuyến đường sắt tốc độ cao khi được nghiên cứu chuẩn bị đầu tư kỹ lưỡng, sau khi đưa vào khai thác đều có khối lượng hành khách vượt xa so với tính toán ban đầu và đều mang lại những lợi ích to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Kinh nghiệm thực tiễn từ việc vận hành khai thác của các tuyến như: tuyến Tokaido Shinkansen của Nhật Bản năm 1964, tuyến Đài Bắc - Cao Hùng của Đài Loan (Trung Quốc) năm 2007, tuyến Seoul - Pusan của Hàn Quốc năm 2004 đã chứng minh điều này.

Trong khi đó, đánh giá chung tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam hiện nay, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng đang rất chậm, chưa đáp ứng được sự phát triển, tăng trưởng của nhu cầu vận tải. Đây là một trong những thách thức rất lớn cho ngành GTVT, nếu nhìn vào con số phát triển. Tăng trưởng của vận tải hằng năm khoảng 10% và tăng trưởng của xe cộ khoảng 15%, có những lĩnh vực phát triển rất nóng như tăng trưởng vận tải hàng không lên tới 17%/năm.

Xem chi tiết tại đây.

Đồ Sơn - Hải Phòng: “Đất vàng” bị bỏ quên

Từ năm 2003, theo quy hoạch của UBND thành phố Hải Phòng, công việc đổ cát, san lấp biển để lấy diện tích tạo hình một hòn đảo nhân tạo có hình dáng bông hoa phượng 5 cánh, mỗi cánh mang tên một vị thần của Hy Lạp đã được thực hiện. Đến năm 2010, hòn đảo được hình thành, Chủ đầu tư Daso Group tổ chức lễ ký kết với hàng loạt đối tác quốc tế như Accor, Steelman Partners, Meinhardt & Fecon... vào đầu tư.

Dự án mở bán với tuyên bố toàn bộ công trình đảo nhân tạo Hoa Phượng sẽ hoàn thành vào năm 2014. Tuy nhiên từ đó đến nay, dự án siêu sao này chưa thấy có thêm thông tin gì khác. Theo ghi nhận của phóng viên tại dự án cỏ dại đang bao phủ và chưa có dấu vết của căn biệt thự nào.

Đây chỉ là 1 trong tổng số trên 20 dự án treo ở các vị trí vàng của Khu du lịch Đồ Sơn.

Ngoài ra, còn rất nhiều dự án khác như: Công ty chế biến thủy sản xuất khẩu Hải Phòng với dự án nuôi trồng thủy sản Đồ Sơn có tổng diện tích 1,2 ha nhưng rơi vào cảnh Công ty sử dụng đất không đúng mục đích, cho các tổ chức cá nhân thuê lại; Dự án của Trung tâm quản lý và khai thác công trình thể dục thể thao Hải Phòng có diện tích 3.190 m2; Công ty cổ phần ASC Việt Nam có diện tích 808,9 m2; Công ty CP xây dựng nhà ở Hải Phòng có diện tích 392,2; Công ty CP xây dựng & Phát triển đầu tư Hải Phòng 1008 m2,…

Hàng loạt các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư dự án xây dựng khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng quy mô từng hứa hẹn sẽ biến Đồ Sơn thành khu du lịch đẳng cấp thu hút du khách. Song, qua hơn 10 năm triển khai, hiện Đồ Sơn chưa có nổi 1 khách sạn 5 sao.

Nhìn những diện tích đất vàng bỏ hoang cả chục năm, quận Đồ Sơn sốt ruột. UBND quận đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành, cơ quan đơn vị liên quan tổ chức kiếm tra đối với các tổ chức, doanh nghiệp, dự án không đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, gây búc xúc trong quần chúng nhân dân. Thế nhưng quận cứ “sốt ruột” còn các ngành thành phố Hải Phòng thì cứ “bình chân như vại”. Bởi vậy, các dự án cỏ mọc ngày càng mọc dài thêm.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top