Aa

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Doanh nghiệp lớn phải tiên phong giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia

Thứ Sáu, 13/09/2024 - 09:00

Chia sẻ về vai trò của khu vực doanh nghiệp tư nhân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đã đến lúc phải đặt lên vai doanh nghiệp lớn những sứ mệnh lớn lao hơn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các doanh nghiệp lớn cần chủ động đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác.

“Với tiềm lực tài chính , năng lực nghiên cứu và phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao, bề dày kinh nghiệm và thương hiệu lâu đời, chúng tôi tin rằng đã đến lúc đặt lên vai doanh nghiệp lớn những sứ mệnh lớn lao hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Doanh nghiệp lớn phải tiên phong giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia- Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đã đến lúc đặt lên vai các doanh nghiệp tư nhân lớn những sứ mệnh lớn lao hơn.

Vai trò then chốt, dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế

Thực tế, trong suốt thời gian qua, vai trò của doanh nghiệp và doanh nhân luôn được khẳng định. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Doanh nghiệp, doanh nhân luôn giữ vai trò then chốt, là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế”.

Có nhiều con số để chứng minh. Đó là sau 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, hiện Việt Nam đã có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh.

Trong số này, theo Bộ trưởng, đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, như: Tập đoàn Vingroup, Thaco, Hòa Phát…

“Một số doanh nghiệp tư nhân lớn đã chủ động chuyển đổi, mạnh dạn đầu tư vào các ngành công nghiệp mới; tiên phong đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng xanh, tuần hoàn; từng bước phát triển trở thành lực lượng dẫn dắt, lan tỏa, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh được hưởng lợi từ mối liên kết kinh doanh với các doanh nghiệp dẫn đầu này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế vẫn còn rất lớn. Mà một trong số đó, là các doanh nghiệp lớn chưa phát huy hết tiềm lực, chưa thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt như kỳ vọng.

Theo Bộ trưởng, mặc dù đã xuất hiện đội ngũ doanh nghiệp vừa và lớn, nhưng chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng. Tỷ trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là trong các lĩnh vực mới, như sản xuất năng lượng sạch, chip, vi mạch, bán dẫn, hydrogen... còn thấp, chưa có các dự án quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Hơn thế nữa, quy mô doanh nghiệp trong nền kinh tế phần lớn là nhỏ và vừa, chưa có công nghệ gốc, chưa đủ tiềm lực để số hóa và xanh hóa hoạt động kinh doanh; tỷ trọng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất chế biến còn hạn chế.

Hoạt động của các doanh nghiệp lớn cũng còn tương đối độc lập, tính liên kết, lan tỏa, dẫn dắt chưa thể hiện rõ, khi mà tỷ lệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn thấp.

“Các doanh nghiệp lớn chưa thực hiện hết vai trò tiên phong, dẫn dắt quá trình phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bài toán “huy động khối tài sản 70 tỷ USD” để phát triển đất nước

Dù suốt thời gian qua, những đóng góp của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn cho kinh tế - xã hội đất nước là rất lớn. Nhưng bối cảnh thế giới và trong nước đang thay đổi và điều này cũng đã đặt ra những thách thức mới, cơ hội mới cho nền kinh tế và cho cộng đồng doanh nghiệp.

“Chúng ta đang ở thời điểm rất quan trọng khi thế giới chứng kiến nhiều thay đổi lớn, sự ra đời của các ngành công nghiệp mới, thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, sự điều chỉnh trong cấu trúc đầu tư thương mại. Điều này vừa đặt ra các nguy cơ, thách thức nhưng đồng thời cũng mang đến cho các quốc gia thời cơ, vận hội mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ và nhấn mạnh rằng, bối cảnh mới đang đặt ra các yêu cầu mới cho định hướng phát triển của đất nước.

Đó là, chúng ta không chỉ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng mà phải là tăng trưởng xanh, bền vững. Là không chỉ phát triển các ngành kinh doanh truyền thống, mà còn phải dồn lực để thu hút đầu tư và tạo sự bứt phá cho các ngành công nghiệp tiên phong.

Đồng thời, cũng không chỉ tăng trưởng dựa vào vốn, vào khai thác tài nguyên như trước, mà phải dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Và cũng không phải chỉ là phát huy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, mà còn phải phát huy được các động lực tăng trưởng mới đến từ kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và bằng cả các mô hình kinh tế mới.

Nhắc tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để có thể tận dụng cơ hội, bắt kịp xu hướng mới, phải chuẩn bị một tâm thế để sau khi kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, chúng ta sẽ “bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Để hiện thực hóa khát vọng đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng một lần nữa nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp tư nhân lớn.

Theo Bộ trưởng, khu vực doanh nghiệp tư nhân lớn hiện đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, không chỉ ở các quốc gia phát triển mà kể cả các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, nhóm các doanh nghiệp lớn có vai trò quan trọng, đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế ở cả góc độ tăng trưởng, việc làm, ngân sách, xuất khẩu, thuế hay tạo ra giá trị gia tăng.

“Sự phát triển thần kỳ của Hàn Quốc gắn liền với các thương hiệu lớn của quốc gia như Samsung, Huyndai hay SK. Khi nhắc đến thương hiệu Honda, Toyota, chúng ta nghĩ ngay đến đất nước Nhật Bản…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng, tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của các doanh nghiệp tư nhân lớn tham dự Hội nghị đạt khoảng 70 tỷ USD. Do đó, việc huy động được khối tài sản này cùng với công nghệ, kiến thức, trình độ quản trị, nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp này sẽ bổ sung một nguồn lực lớn cho nền kinh tế, góp phần đảm bảo tính tự chủ của kinh tế đất nước.

Tiên phong giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ mong muốn rằng, Chính phủ và các doanh nghiệp sẽ cùng nhau trao đổi, bàn về những vấn đề lớn của đất nước, trong đó có vai trò của các doanh nghiệp lớn.

Và một trong những câu hỏi mà Bộ trưởng mong muốn dành cho các doanh nghiệp lớn, đó là trước các nhiệm vụ lớn của đất nước như vậy, các doanh nghiệp lớn có mạnh dạn đăng ký tham gia thực hiện các nhiệm vụ nào không? Có thể là một mình hoặc liên kết với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để thực hiện một nhiệm vụ nào đó?...

Tất nhiên, đi kèm đó, là Chính phủ có thể giao nhiệm vụ gì cho doanh nghiệp lớn, đi kèm nguồn lực gì, cơ chế gì?

Và câu trả lời bước đầu cũng đã được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra. Đó là ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP xác định 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, trong đó nhiều nhiệm vụ cần có sự tham gia chủ đạo, chung tay của các doanh nghiệp lớn.

Chẳng hạn, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng (đường cao tốc, cảng hàng không, bến cảng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục); đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia; triển khai Quy hoạch Điện VIII, thực hiện hiệu quả Tuyên bố về chuyển đổi than sang năng lượng sạch; thu hút đầu tư các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi và phát triển hydrogen tại Việt Nam;

Hay đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D), thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, công nghiệp nền tảng và công nghệ mới nổi, như AI, chip bán dẫn…

Và để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát huy tối đa tiềm lực, vai trò tiên phong, dẫn dắt của các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt các tập đoàn tư nhân lớn, thì theo Bộ trưởng, cần sự nỗ lực của cả hai phía.

Về phía các bộ ngành, Bộ trưởng cho rằng, cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao; đồng thời, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung ngay các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn; rà soát, sửa đổi các điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật không phù hợp với thực tế, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có lợi thế cạnh tranh và khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ…

Việc nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới… cũng được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Nhưng cùng với các bộ ngành, thì bản thân các doanh nghiệp tư nhân lớn cũng phải nỗ lực và khẳng định được vai trò tiên phong, dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; làm chủ chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn…

“Các doanh nghiệp lớn cần chủ động đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ.

Theo Bộ trưởng, với tiềm lực tài chính, năng lực nghiên cứu và phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao, bề dày kinh nghiệm và thương hiệu lâu đời, đã đến lúc đặt lên vai doanh nghiệp lớn những sứ mệnh lớn lao hơn.

Những nhiệm vụ, những sứ mệnh lớn lao mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc đến còn là bên cạnh hoạt động kinh doanh nhằm mục tiêu đem lại doanh thu lợi nhuận, các doanh nghiệp lớn cần tham gia cùng với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn đầu tư vào các lĩnh vực mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch theo xu hướng phát triển xanh, tuần hoàn, bền vững, như: xe điện, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo AI, nông nghiệp chất lượng cao và phát thải thấp…; tham gia vào các dự án lớn của đất nước, như: đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt đô thị, đường cao tốc Viên Chăn - Hà Nội, đường sắt Viên Chăn - Vũng Áng, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi…

“Các doanh nghiệp lớn cần phát huy vai trò tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng và làm chủ khoa học - công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tiên phong trong hội nhập quốc tế, đầu tư ra nước ngoài hiệu quả; tiên phong khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước; tiên phong trong nghiên cứu, thực hiện chính sách đột phá phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với làm tốt an sinh xã hội; tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh trong phát triển doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, các doanh nghiệp lớn cũng cần phát huy vai trò “doanh nghiệp dẫn đầu”, chuyển giao công nghệ, chủ động liên doanh, liên kết, định hướng, dẫn dắt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia làm nhà thầu phụ cùng phát triển theo chuỗi giá trị.

“Tôi rất hy vọng các doanh nghiệp tiếp tục phát huy niềm tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử, sức mạnh nội sinh, tự lực, tự cường; chủ động nắm bắt thời cơ, có phương án thích ứng với những biến động trong tương lai; đón đầu các xu hướng kinh doanh mới; đổi mới mô hình hướng tới kinh doanh xanh và bền vững; chú trọng nâng cao giá trị thương hiệu, đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp; xây dựng uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top