Ngày 14/12, thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp", năm 2024, cả nước đặt mục tiêu phát triển 130.000 căn.
Bộ đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức các Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 16/3 và ngày 17/5/2024; đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng mỗi bộ thực hiện 5.000 căn hộ nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội làm việc với UBND TP. Hà Nội về việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố…
Dù nỗ lực triển khai đề án, có nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, song những kết quả về phát triển nhà ở xã hội trong năm qua chưa đạt được như kỳ vọng. Cụ thể, cả nước mới chỉ hoàn thành được 21.000 căn, tương ứng hơn 16% kế hoạch. Việc thực hiện gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho loại hình nhà ở xã hội cũng rất hạn chế. Đến nay mới có 36/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử. Trong đó, mới có 16 dự án ký hợp đồng tín dụng cho vay với tổng mức cam kết cấp tín dụng là 4.200 tỷ đồng, dư nợ là 1.727 tỷ đồng.
Tại báo cáo gửi Thủ tướng hồi tháng 9, Bộ Xây dựng cũng đã cho biết, việc phát triển nhà ở xã hội tại hai đô thị loại đặc biệt Hà Nội và TP.HCM còn chậm, chưa tới 40% chỉ tiêu dù nhu cầu rất lớn. Cụ thể, Hà Nội phải xây 18.700 căn đến năm 2025, nhưng thời điểm đó mới có 3 dự án được khởi công (1.700 căn) và 5 dự án xây dựng xong, với 5.200 căn, đạt gần 37% mục tiêu.
TP.HCM có chỉ tiêu xây xong 26.200 căn đến năm 2025. Tuy nhiên, thành phố mới đạt khoảng 21% mục tiêu với 6 dự án đã cấp phép, khởi công (gần 4.400 căn) và 4 dự án hoàn thành (hơn 1.200 căn).
Một số địa phương có nhu cầu về nhà xã hội nhưng chưa rõ kế hoạch triển khai tới đâu như Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Bạc Liêu, Cà Mau... Trong số này, nhiều địa phương cũng chưa có dự án nào khởi công.
Bên cạnh khó khăn trong việc phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cũng cho biết, ngành Xây dựng hiện nay đối mặt với nhiều thách thức. Mặc dù tăng trưởng ngành năm 2024 là động lực chính cho tăng trưởng chung của nền kinh tế nhưng phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của thị trường bất động sản, tiến độ tháo gỡ vướng mắc, triển khai các dự án đầu tư công. Việc thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án của Bộ còn có một số nhiệm vụ chậm theo tiến độ được giao, một số nhiệm vụ xin lùi, rút khỏi chương trình; hệ thống định mức, đơn giá, tiêu chuẩn, quy chuẩn còn chậm hoàn thiện, chưa theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ và yêu cầu thực tiễn.
Ngoài ra, công tác thẩm định dự án, thiết kế, dự toán còn nhiều hồ sơ chưa đảm bảo thời gian quy định; hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát về đầu tư xây dựng, quản lý quy hoạch, kiến trúc còn hạn chế; việc kiểm soát quy trình điều chỉnh quy hoạch xây dựng cục bộ tại một số địa phương chưa chặt chẽ; công tác quản lý đô thị có nơi còn chưa chuyên nghiệp; chưa phát huy và khai thác tốt các nguồn lực của chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị.
Đối với thị trường bất động sản, tuy đã có nhiều tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định. Theo Bộ Xây dựng, hoạt động của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp vật liệu xây dựng và bất động sản vẫn tiếp tục đối mặt tình trạng thiếu hụt dòng tiền, thua lỗ./.