Aa

Khó về đích năm 2024, doanh nghiệp bất động sản vẫn được kỳ vọng trong năm 2025

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Sáu, 13/12/2024 - 06:29

Dù chưa hoàn toàn "bình phục" và về đích thành công trong năm 2024, nhưng rõ ràng các doanh nghiệp bất động sản đang từng bước ổn định để bắt nhịp vào chu kỳ phát triển mới của thị trường trong năm 2025.

Nhiều chủ đầu tư khó hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm

Năm 2024 đang dần khép lại, nhưng kế hoạch kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bất động sản lại chưa thể về đích. Không ít doanh nghiệp chỉ mới hoàn thành một nửa kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của cả năm, tính đến thời điểm cuối quý III.

Điển hình như CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (mã: KDH), 9 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.231 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 410 tỷ đồng, giảm lần lượt 24% và 61% so với cùng kỳ 2023, tương ứng mới hoàn thành 32% kế hoạch doanh thu và 52% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm 2024.

Trường hợp tại Tập đoàn Hà Đô (mã: HDG), dù báo lãi trong 9 tháng đầu năm song khó hoàn thành mục tiêu lợi nhuận của cả năm. Cụ thể, 9 tháng đầu năm, Hà Đô đạt doanh thu 1.964 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 3% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 544,8 tỷ đồng, tăng nhẹ 2%. So với mục tiêu doanh thu 2.896 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 972 tỷ đồng, Hà Đô mới hoàn thành gần 68% kế hoạch doanh thu và 56% kế hoạch lợi nhuận.

Một trường hợp khác là CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã: PDR). Kết thúc 3 quý đầu năm, doanh nghiệp chỉ ghi nhận hơn 173 tỷ đồng doanh thu và 154 tỷ đồng lợi nhuận ròng, giảm khoảng 60-70% so với thực hiện năm trước. Đặc biệt, so với kế hoạch đề ra, công ty mới chỉ thực hiện được 6% mục tiêu doanh thu và 17% kế hoạch lợi nhuận.

Tại báo cáo ngành bất động sản nhà ở mới đây, CTCP Xếp hạng tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cũng cho biết, nhiều chủ đầu tư sẽ khó hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm 2024.

Theo VIS Rating, doanh số bán hàng tại Hà Nội và TP.HCM trong quý III/2024 đã tăng 48% so với quý II, đạt mức cao nhất trong 4 quý vừa qua. Tỷ lệ hấp thụ cao và sự tăng trưởng cho vay mua nhà cũng khởi sắc, đạt mức 7% so với cùng kỳ (tỷ lệ năm 2023 là 1%).

Tuy nhiên, tính chung trong 9 tháng đầu năm nay, doanh thu và lợi nhuận của các chủ đầu tư mà VIS Rating theo dõi đã giảm lần lượt 20% và 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, đơn vị này cho rằng hơn 60% chủ đầu tư sẽ không về đích như kế hoạch.

Khó về đích năm 2024, doanh nghiệp bất động sản vẫn được kỳ vọng trong năm 2025- Ảnh 4.

Khó về đích năm 2024, doanh nghiệp bất động sản vẫn được kỳ vọng trong năm 2025- Ảnh 5.

Mặt khác, đến quý III/2024, một số chủ đầu tư có hồ sơ đòn bẩy và khả năng trả nợ ở mức yếu. Điều này chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân sử dụng đòn bẩy quá mức để phát triển dự án trong giai đoạn 2021-2023, và tồn kho các dự án chưa hoàn thành cũng như hàng tồn kho chưa bán được khi tâm lý thị trường xấu đi kể từ năm 2023.

Đặc biệt, thống kê từ VIS Rating còn cho thấy khoảng 22.000 tỷ đồng trái phiếu do chủ đầu tư phát hành sẽ đáo hạn vào quý IV/2024, phần lớn đều đã chậm trả gốc, lãi ở các kỳ trước. Trong đó, 13.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn vào quý IV/2024 đã được đàm phán thành công vớ trái chủ để gia hạn thanh toán sang năm tiếp theo. Tuy nhiên, số còn lại 9.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành bởi 11 công ty thì trong đó, 7 công ty có độ rủi ro cao với nguồn tiền rất ít.

Trong bối cảnh khả năng trả nợ ở mức yếu cùng doanh thu và lợi nhuận chưa cải thiện thì việc cán đích năm 2024 thành công là điều không dễ dàng với các doanh nghiệp bất động sản.

Kỳ vọng năm 2025

Năm 2024 có thể chưa đem lại kết quả như kỳ vọng cho phần đông doanh nghiệp bất động sản, song đây vẫn được đánh giá là một năm ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Bởi nếu so với 2 năm trước đó (2022 – 2023), khi cộng đồng doanh nghiệp chứng kiến một đợt suy giảm nghiêm trọng trước hàng loạt sức ép từ tài chính đến pháp lý, thanh khoản và niềm tin của thị trường, thì năm 2024, các doanh nghiệp đã dần lấy lại tinh thần và sức lực để tái khởi động các hoạt động đầu tư kinh doanh.

Chính vì vậy, dù chưa hoàn toàn "bình phục" và về đích thành công, nhưng rõ ràng các doanh nghiệp đang từng bước ổn định để bắt nhịp vào chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản.

Nhiều đánh giá cho rằng, trên cơ sở những chuyển biến tốt hơn trong năm 2024, có thể kỳ vọng các doanh nghiệp bất động sản sẽ thực sự khởi sắc trong năm 2025.

Ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGO Homes nhìn nhận, khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp bất động sản đã cải thiện đáng kể so với giai đoạn trước nhờ room tín dụng dồi dào và lãi suất cho vay được hạ về mức hấp dẫn. Điều này giúp các doanh nghiệp có dòng tiền để phát triển dự án, đẩy mạnh nguồn cung ra thị trường.

Vướng mắc pháp lý cũng được Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm, quyết liệt tháo gỡ. Đặc biệt, việc hoàn thiện sửa đổi 3 luật "xương sống" của thị trường đã tạo nền tảng pháp lý mới vững chắc, giúp các doanh nghiệp tự tin trong việc tham gia phát triển thị trường bất động sản.

Niềm tin của nhà đầu tư, khách hàng cũng đang quay trở lại sau giai đoạn dài ngóng chờ, án binh bất động. Hơn hết, trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán có những biến động, riêng bất động sản vẫn tăng giá ngay cả thời điểm khó khăn nhất đã khiến dòng tiền đầu tư đang có xu hướng đổ mạnh về thị trường này. Theo ông Chung, đây chính là những lực đẩy để doanh nghiệp địa ốc chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian tới.

Dự đoán triển vọng thị trường bất động sản 2025, PGS.TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng bày tỏ, thị trường bất động sản sẽ chuyển động tích cực.

Khó về đích năm 2024, doanh nghiệp bất động sản vẫn được kỳ vọng trong năm 2025- Ảnh 6.

PGS.TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Chuyên gia này cho biết có 03 kịch bản có thể xảy ra với thị trường bất động sản năm 2025, gồm: Đi xuống nhẹ, đi ngang và đi lên. Tuy nhiên, khả năng cao thị trường sẽ theo kịch bản đi lên - tăng trưởng khá tốt, bởi tất cả các chỉ báo hiện nay đều cho thấy thị trường bất động sản 2025 có nhiều cơ sở để tăng trưởng khá tốt.

Ông Chung cho rằng, khi thị trường tăng trưởng tích cực, các doanh nghiệp bất động sản - chủ thể chính trên thị trường sẽ thuận lợi trong việc đầu tư kinh doanh. Dù vậy, để cộng đồng doanh nghiệp và thị trường hồi phục mạnh mẽ, vẫn cần sự hỗ trợ quyết liệt hơn từ phía Nhà nước, chính quyền địa phương.

Cụ thể, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, cùng với đó là đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng.

Các địa phương thì cần tập trung vào việc tương tác, sát cánh hỗ trợ với doanh nghiệp để vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa tái phục hồi các hoạt động kinh tế trên địa bàn.

Ngoài ra, chuyên gia cũng đề xuất hoạt động truyền thông giai đoạn tới cần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhiều hơn. Bởi truyền thông là một trong những khâu rất cần thiết cho sự phát triển của doanh nghiệp cũng như thị trường bất động sản trong chu kỳ phát triển mới. 

Theo PGS.TS. Trần Kim Chung, bên cạnh sự hỗ trợ từ nhiều phía, bản thân các doanh nghiệp bất động sản cũng cần "tự lực cánh sinh" để tháo gỡ khó khăn cho chính mình. Bằng mọi cách, các doanh nghiệp phải tái khởi động các dự án cũ, đẩy mạnh đầu tư có kế hoạch các dự án mới. Có như vậy, kỳ vọng về một bức tranh tươi sáng trong năm 2025 mới có thể diễn ra./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top