Aa

Bộ Xây dựng lý giải nguyên nhân giá nhà tăng cao

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Năm, 17/10/2024 - 14:32

Ông Nguyễn Việt Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, tình trạng đầu cơ ngày càng phức tạp và tâm lý thị trường chưa ổn định là những nguyên nhân cốt yếu dẫn tới giá nhà Hà Nội tăng cao.

Bình ổn giá trên thị trường là nhiệm vụ quan trọng

Tại buổi Họp báo thường kỳ quý III/2024, tổ chức sáng 17/10, ông Vương Duy Dũng, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng đã có Văn bản 5333 gửi Chính phủ về phân tích cơ cấu giá nhà, biến động giá nhà.

Theo đó, việc biến động tăng giá nhà thời gian gần đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, chi phí đầu vào, như chi phí tiền sử dụng đất, chi phí nhân công… tăng cao là nguyên đầu tiên.

Nguyên nhân thứ hai là nguồn cung bất động sản tuy có sự cải thiện nhờ tác động của việc ban hành các luật và sớm đưa các luật có hiệu lực thi hành, tuy nhiên vẫn còn hạn chế. Khi nguồn cung hạn chế, giới đầu cơ, cá nhân môi giới sẽ có những tác động kích giá, thổi giá, làm nhiễu thông tin thị trường.

Nguyên nhân thứ ba là hoạt động đầu tư kinh doanh lĩnh vực khác hiện chưa thuận lợi khiến nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn các phân khúc bất động sản để "trú ẩn". Điều này có nghĩa, một lượng lớn dòng tiền đã dịch chuyển vào thị trường bất động sản, khiến giá bất động sản tăng nóng.

Bộ Xây dựng lý giải nguyên nhân giá nhà tăng cao- Ảnh 1.

Ông Vương Duy Dũng, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng phát biểu tại Họp báo. (Ảnh: NT)

Trên cơ sở phân tích những nguyên nhân thúc đẩy giá nhà tăng mạnh, ông Vương Duy Dũng cho biết, Bộ Xây dựng đã đề xuất những giải pháp để góp phần bình ổn giá nhà. Theo đó, giải pháp đầu tiên là tiếp tục triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về việc phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, đặc biệt thực hiện tốt Nghị quyết 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, bền vững.

Thứ hai là tổ chức triển khai có hiệu quả các luật liên quan đến bất động sản vừa mới ban hành và văn bản hướng dẫn thi hành các luật để các quy định mới sớm đi vào cuộc sống.

Thứ ba, hiện tượng biến động giá do hoạt động đấu giá đất thì cần phải rà soát, kiểm tra lại hoạt động đấu giá đất để tránh những tác động tiêu cực đến thị trường, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, người dân.

Thứ tư, quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hướng tới các giao dịch bất động sản phải qua sàn, nhằm công khai minh bạch các hoạt động mua bán bất động sản.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề xuất cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách thuế liên quan đến bất động sản nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá, mua đi bán lại nhằm kiếm lời. Và giải pháp này cũng được Bộ Tài chính và các bộ liên quan đồng tình.

"Tuy nhiên, do đây là chính sách mới nên khi nghiên cứu cần phải thấu đáo, toàn diện. Khi xây dựng dựng chính sách cần có đánh giá tác động đầy đủ đến các chủ thể, cũng như toàn thị trường. Có như vậy mới đảm bảo được mục đích cuối cùng mà không đi ngược với thông lệ quốc tế, không ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, giao dịch của người dân và doanh nghiệp", ông Vương Duy Dũng nhìn nhận.

Bộ Xây dựng lý giải nguyên nhân giá nhà tăng cao- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng chủ trì Họp báo. (Ảnh: NT)

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng bổ sung thêm, việc giá nhà tăng cao, nhất là tại Hà Nội trong thời gian gần đây còn do tình trạng đầu cơ diễn ra ngày càng phức tạp và tâm lý thị trường chưa ổn định.

"Tình trạng mua nhà để chờ tăng giá của một bộ nhà đầu tư là nguyên nhân quan trọng đẩy giá nhà đi lên. Cùng với đó, tâm lý trên thị trường hiện nay tuy có cải thiện nhưng vẫn chưa hoàn toàn bình ổn", Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá.

Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, để bình ổn giá trên thị trường, cần có những có những biện pháp ngăn chặn tình trạng đầu cơ thổi giá và ổn định tâm lý cho người mua. Trong đó, đối với việc ổn định tâm lý cho người mua, rất cần sự chung tay, hỗ trợ của các cơ quan báo chí với Chính phủ và Bộ Xây dựng để có một lộ trình truyền thông tốt.

"Việc bình ổn thị trường, hướng tới giá phù hợp là mong muốn của Chính phủ và cũng là mong muốn của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải có một nhóm giải pháp được thực hiện đồng bộ", Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Đề xuất triển khai gói 30.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội

Cũng tại buổi họp báo, ông Vương Duy Dũng cho biết, Bộ Xây dựng đã đề xuất triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng để thúc đẩy Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội được thực hiện hiệu quả.

Ông Dũng cho biết, chúng ta đã có gói 120.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vay mua, đầu tư nhà ở xã hội. Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tích cực triển khai gói này để hỗ trợ cho phát triển nhà ở xã hội.

Nhưng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được triển khai trên tinh thần các ngân hàng thương mại chủ động cân đối nên thời gian ưu đãi vốn vay tương đối ngắn, chỉ 3 năm cho doanh nghiệp và 5 năm cho người mua, chưa đảm bảo thu hút doanh nghiệp, người dân vay. Do đó, để bảo đảm việc phát triển nguồn cung nhà ở xã hội, hỗ trợ người dân có thể tiếp cận vốn tín dụng, Bộ đã đề xuất gói 30.000 tỷ đồng, lấy ngân sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Phát biểu về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng cho biết, chính sách "hồn cốt" của nhà ở xã hội là miễn tiền sử dụng đất và vốn tín dụng. Vì vậy, việc triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là hết sức cần thiết. Nếu không có gói này, việc phát triển nhà ở xã hội thời gian tới sẽ rất khó khăn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top