Aa

Áp lực đáo hạn trái phiếu gia tăng với doanh nghiệp bất động sản

Thứ Tư, 16/10/2024 - 16:52

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang chịu sức ép lớn trước khối lượng trái phiếu đáo hạn tăng mạnh trong năm 2024. Nếu không thể cải thiện dòng tiền, một số doanh nghiệp thậm chí có thể đối mặt mới nguy cơ vỡ nợ.

Giai đoạn 2019-2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là đối với lĩnh vực bất động sản. Nhiều doanh nghiệp giai đoạn này đã tận dụng trái phiếu như một kênh huy động vốn, nhằm thay thế cho nguồn vốn ngân hàng do việc tiếp cận vốn ngân hàng thời điểm đó gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, cũng chính vì huy động vốn từ trái phiếu một cách ồ ạt đã khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp áp lực trả nợ khi bước sang năm 2023 và 2024. Đặc biệt là trong bối cảnh sức khỏe tài chính sụt giảm, tình hình kinh doanh kém khả quan, không ít doanh nghiệp liên tục chậm thanh toán lãi và gốc.

Theo dữ liệu Hiệp hội trái phiếu doanh nghiệp (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC về tình hình công bố thông tin bất thường, trong tháng 9/2024, có 26 mã trái phiếu chậm trả lãi tổng giá trị 239,4 tỷ đồng và 2 mã trái phiếu chậm trả gốc trị giá 550,4 tỷ đồng.

Trên thực tế, trước áp lực đáo hạn gia tăng, nhiều doanh nghiệp buộc phải đẩy mạnh các hoạt động phát hành trái phiếu mới để trả nợ hoặc mua lại trái phiếu trước hạn để tái cơ cấu nợ, giảm bớt áp lực thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn. VBMA cho biết, tháng 9/2024, các doanh nghiệp đã mua lại 11.749 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.

Tại báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), đơn vị này cho biết, nhiều doanh nghiệp bất động sản có lượng trái phiếu đáo hạn lớn trong quý III, có thể kể đến như: Bất động sản Lan Việt 4.100 tỷ đồng; Đại Phú Hòa 3.560 tỷ đồng, Sovico 3.000 tỷ đồng, Dragon Village 1.500 tỷ đồng, Bất động sản Unity - công ty con của Novaland 1.000 tỷ đồng...

Theo PHS, trong quý IV/2024, trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn dự kiến sẽ vượt mức 87.500 tỷ đồng, với 35% đến từ nhóm bất động sản. Đáng chú ý, trong hai tháng 10 và 11, trái phiếu bất động sản cũng thuộc nhóm rủi ro cao.

Chứng khoán VNDirect cũng lưu ý, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp gia tăng trong quý IV/2024, sau đó hạ nhiệt vào quý I và quý II/2025 rồi tăng trở lại vào quý III và quý IV/2025. Đáng lưu ý, tổng giá trị đáo hạn của nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm trên 40%.

Có thể thấy, áp lực đáo hạn trái phiếu đang là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam. Mặc dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra, từ gia hạn nợ, điều chỉnh lãi suất đến phát hành trái phiếu mới để trả nợ, nhưng theo nhiều đánh giá, nguy cơ vỡ nợ vẫn hiện hữu nếu thị trường bất động sản không hồi phục kịp thời và các doanh nghiệp không thể cải thiện dòng tiền.

Tại Hội thảo "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp, bền vững", ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings cho rằng, để giải quyết bài toán trái phiếu đến hạn, việc hỗ trợ xung quanh cũng rất quan trọng và một trong số đó là làm "sạch" pháp lý cho các dự án bất động sản, tăng thanh khoản cho thị trường.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, việc phát triển, lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp để tạo kênh huy động vốn bền vững cho doanh nghiệp là rất quan trọng. Trước tiên, đến hết năm 2024 và cả năm 2025 cần tiếp tục củng cố, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong trung - dài hạn, cần tổ chức thực hiện tốt Chiến lược tài chính đến năm 2030 cùng với việc ưu tiên hoàn thiện thể chế.

Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng thị trường TPDN, nhất là nâng cao chất lượng hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở thông tin, dữ liệu về thị trường trái phiếu, về nhà đầu tư, tài sản đảm bảo... Bản thân doanh nghiệp, tổ chức phát hành cũng cần đa dạng hóa nguồn vốn, quan tâm quản lý rủi ro, chủ động xếp hạng tín nhiệm, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, tăng cường công khai minh bạch, quan tâm tăng trưởng xanh, tài chính xanh.

“Ngoài ra cần liên tục mở rộng và nâng cao chất lượng nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức thông qua nhiều giải pháp khác nhau; hoàn thiện cơ chế và năng lực quản lý và giám sát thị trường; việc quản lý, định hướng phát triển thị trường này cần được gắn chặt với việc quản lý, giám sát rủi ro hệ thống tài chính”, ông Lực đề nghị.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top