Aa

“Bóng ma” Covid-19 khiến VN-Index giảm gần 44 điểm, 16 mã trong VN30 giảm sàn

Thứ Ba, 28/07/2020 - 05:55

Áp lực bán tháo xuất hiện ngay từ đầu phiên giao dịch đã khiến thị trường chứng khoán có một phiên lao dốc mạnh.

Tâm lý nhà đầu tư chứng khoán sau 2 ngày nghỉ cuối tuần trở nên rất bi quan trước tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khi Việt Nam ghi nhận một số ca bệnh mới trong cộng đồng. Đúng như những gì nhà đầu tư lo ngại, thị trường chứng khoán bị bán tháo ngay từ đầu phiên và khiến các chỉ số đồng loạt lao dốc.

Một chút lực đỡ xuất hiện đã phần nào giúp các chỉ số thu hẹp được đà giảm. Tuy nhiên, thị trường sau giờ nghỉ trưa lại xuất hiện tình trạng bán tháo và tiếp tục nới rộng thêm đà giảm của các chỉ số. Rất nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đều bị kéo xuống mức giá sàn trong phiên 27/7.

Toàn bộ các cổ phiếu trong “rổ” VN30 đều giảm giá, trong đó có đến 16 mã bị kéo xuống mức giá sàn, NVL là cổ phiếu duy nhất trong nhóm này giảm giá dưới 2%. Các mã giảm sàn có SSI, PNJ, MBB, CTG, BVH, VNM, TCB, STB, SBT, PLX, MWG, HDB, CTD, BID, VPB và ROS. Bên cạnh đó, VHM giảm đến 6,7% xuống 70.900 đồng/cp, GAS giảm 6,3% xuống 64.000 đồng/cp, VJC giảm 5,7% xuống 97.900 đồng/cp…

Kết quả giao dịch nhóm VN30. Nguồn: SSI.

Với sự hoảng loạn của nhà đầu tư thì hầu hết các nhóm ngành đều đi xuống trong phiên 27/7. Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản, các cổ phiếu như IDJ, TIG, PVL, FIT, ASM, DXG, HDG, NTL, SJS, SCR… cũng đồng loạt giảm sàn. Ngoài ra, HDC giảm đến 6,1%, KBC giảm 5,9%, SZL giảm 5,7%, KDH giảm 5,7%. Bên cạnh VHM thì 2 cổ phiếu cùng họ “Vin” là VIC và VRE cũng giảm sâu. VIC Giảm 3,4% xuống 85.000 đồng/cp còn VRE giảm 4,1% xuống 26.800 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 27/7. Nguồn: Fialda.

Các cổ phiếu bất động sản hiếm hoi còn tăng giá được trong phiên bán tháo này là HD2, NBB, BAX và SGR, trong đó, NBB được kéo lên mức giá trần. Tuy nhiên, điểm chung của các cổ phiếu này là thanh khoản rất thấp nên việc không đi theo xu hướng thị trường chung cũng là điều dễ hiểu.

Thậm chí ngành từng được cho là hưởng lợi từ tình hình dịch bệnh là Y tế cũng không có sự khả quan khi DHD, SOV, AMV, PBC, JVC hay DMC đều bị kéo xuống mức giá sàn.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 43,99 điểm (-5,31%) xuống 785,17 điểm, đây cũng là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ 23/3/2020 (-6,08 điểm). Toàn sàn có 33 mã tăng trong khi có đến 377 mã giảm và 20 mã đứng giá. HNX-Index giảm 6,48 điểm (-5,93%) xuống 102,85 điểm. Toàn sàn có 21 mã tăng, 163 mã giảm và 29 mã đứng giá. UPCoM-Index cũng giảm 2,13 điểm (-3,82%) xuống 53,65 điểm.

Các cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường phiên 27/7. Nguồn: VDSC.

Thanh khoản trên hai sàn giảm nhẹ so với phiên cuối tuần trước nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 7.648 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch là 491 triệu cổ phiếu; trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.046 tỷ đồng. STB khớp lệnh mạnh nhất thị trường với hơn 26 triệu cổ phiếu. Trong top 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường vẫn có đến 4 cổ phiếu bất động sản gồm FLC, HQC, ITA và DLG. Trong đó, FLC khớp lệnh đứng thứ 3 thị trường với 15,6 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại đi ngược với thị trường khi mua ròng gần 300 tỷ đồng trên hai sàn HoSE và HNX.

Theo Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội, trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đã đánh mất ngưỡng hỗ trợ quanh 800 điểm (fibonacci retracement 38,2%) để lui dần về ngưỡng hỗ trợ tiếp theo quanh 775 điểm (fibonacci retracement 50%). Mặt khác, trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 8 giảm mạnh hơn chỉ số cơ sở VN30, qua đó nới rộng mức basis âm lên thành 18,33 điểm, cho thấy nhà đầu tư vẫn nghiêng về khả năng thị trường sẽ tiếp tục giảm.

SHS dự báo, trong phiên giao dịch 28/7, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 775 điểm (fibonacci retracement 50%). Nhà đầu tư sau khi đã giải ngân thăm dò một phần trong phiên hôm nay quanh ngưỡng 800 điểm nên tiếp tục quan sát thị trường và có thể cân nhắc giải ngân thêm một phần nữa nếu thị trường có những nhịp điều chỉnh về 775 điểm trong phiên.

Tại thị trường chứng khoán châu Á, thị trường chứng khoán Đài Loan dẫn đầu khu vực với chỉ số Taiex tăng 2,31%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,79%. Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,26% trong khi Shenzhen Composite tăng 0,28%. Hang Seng Index của Hong Kong giảm 0,35%. Nikkei 225 của Nhật bản giảm 0,16%. ASX 200 của Australia tăng 0,34%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top