Aa

Bức tranh kinh doanh trái chiều của các doanh nghiệp bất động sản

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Ba, 30/07/2024 - 06:08

Kết thúc quý II/2024, lợi nhuận kinh doanh của khối doanh nghiệp bất động sản tiếp tục diễn biến trái chiều. Nhiều doanh nghiệp phấn khởi báo lãi nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp ngậm ngùi báo lỗ.

Người lãi to, kẻ khóc ròng

Tại quý I/2024, bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản đan xen vui buồn khi nhiều doanh nghiệp báo lãi nhưng nhiều doanh nghiệp lại chưa ghi nhận sự khởi sắc. Bước sang quý II, nhìn chung thị trường đã có sự cải thiện hơn nhưng sức khoẻ các doanh nghiệp vẫn diễn biến trái chiều.

Điểm mặt những doanh nghiệp phấn khởi vì thắng lớn trong quý vừa qua có thể kể đến "ông lớn" Vinhomes (mã: VHM). Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024, Vinhomes ghi nhận doanh thu quý II đạt 28.218 tỷ đồng và lợi nhuận ròng đạt 10.608 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ với đóng góp chính từ việc ghi nhận giao dịch tại dự án Vinhomes Royal Island và tiếp tục bàn giao tại các dự án hiện hữu.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần hợp nhất của Vinhomes đạt 36.429 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 11.512 tỷ đồng. So với kế hoạch kinh doanh cả năm, hiện công ty đã thực hiện được khoảng 30% chỉ tiêu doanh thu và 32% mục tiêu lợi nhuận.

Tương tự gam màu tươi sáng của Vinhomes, Đất Xanh Group (mã: DXG) cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II với nhiều kết quả tích cực. Theo đó, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tài chính hơn 198 tỷ đồng và gần 34 tỷ đồng lợi nhuận khác. Nhờ đó, doanh nghiệp báo lãi 127 tỷ đồng sau thuế, trong khi cùng kỳ lỗ 84 tỷ đồng.

Tính chung nửa đầu năm 2024, Đất Xanh đạt 1.237 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp đạt 520 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ.

Trong báo cáo tài chính quý II mới đây, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã: DIG) cũng ghi nhận doanh thu thuần tăng gần 408% so với cùng kỳ, đạt 821 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp tăng 1.281%, đạt 125,2 tỷ đồng.

Giải trình về doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh, DIC Corp cho biết là do hoạt động kinh doanh bất động sản ghi nhận khoản chuyển nhượng căn hộ dự án CSJ, chuyển nhượng nhà xây thô dự án Đại Phước, nhà xây thô dự án Hậu Giang. Nhờ đó, doanh thu kinh doanh bất động sản ghi nhận 232,5 tỷ đồng, tăng 695% so với quý II/2023; doanh thu sản phẩm xây lắp ghi nhận 413,42 tỷ đồng.

Kết thúc quý II/2024, với khoản doanh thu đột biến từ hoạt động cho thuê đất KCN, CTCP Long Hậu (mã: LHG) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Cụ thể, doanh thu cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng và xưởng xây sẵn theo yêu cầu của LHG ghi nhận 82,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn chưa phát sinh loại hình doanh thu này. Nhờ đó, doanh thu thuần của doanh nghiệp này ghi nhận ở mức gần 162 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần và lợi nhuận sau thuế 67,8 tỷ đồng tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp mang về 93,7 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt 57,8%.

Lũy kế doanh thu 6 tháng đầu năm của LHG đạt 238,2 tỷ đồng, lãi sau thuế mang về 99,3 tỷ đồng. Trong năm 2024, LHG đặt mục tiêu doanh thu 744 tỷ đồng, lãi sau thuế 131 tỷ đồng. Như vậy, LHG đã hoàn thành 36% kế hoạch doanh thu cùng 76% kế hoạch lợi nhuận năm.

Bức tranh kinh doanh trái chiều của các doanh nghiệp bất động sản- Ảnh 4.

Kết thúc quý II/2024, lợi nhuận kinh doanh của khối doanh nghiệp bất động sản tiếp tục diễn biến trái chiều. (Ảnh: NLG)

Bên cạnh nhiều doanh nghiệp có bức tranh kinh doanh khởi sắc thì không ít doanh nghiệp lại "khóc ròng" trong quý II vừa qua do doanh thu và lợi nhuận chưa như kỳ vọng.

Đơn cử như, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã: PDR) ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ 49,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2023 đạt 275,7 tỷ đồng, giảm 82%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lãi sau thuế của Phát Đạt lần lượt là 170,5 tỷ đồng, giảm 12% và 102,4 tỷ đồng, giảm 66%. Như vậy, so với mục tiêu tổng doanh thu 2.982 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 880 tỷ đồng, sau nửa năm, doanh nghiệp mới thực hiện được khoảng 12% kế hoạch lợi nhuận của năm.

Lãnh đạo Phát Đạt cho biết, nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh doanh nghiệp giảm sút là do tình hình kinh tế chung vẫn còn khó khăn, trong đó có bất động sản. Vì vậy, việc đầu tư và phát triển dự án của công ty chưa thuận lợi.

Tương tự PDR, CTCP Đầu tư Nam Long (mã: NLG) cũng ghi nhận doanh thu thuần giảm 74% so với cùng kỳ, còn 252 tỷ đồng. Khấu từ giá vốn, lợi nhuận gộp của Nam Long giảm 77% về còn 128,6 tỷ đồng. Kết quả, Nam Long báo lãi sau thuế 160 tỷ đồng, giảm 30,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức lãi này vẫn cao hơn nhiều so với khoản lỗ 65 tỷ đồng của quý I đầu năm.

Là một trong những công ty con của "ông lớn" bất động sản công nghiệp Becamex IDC, CTCP Phát triển Kỹ thuật Hạ tầng Becamex (Becamex IJC, mã: IJC) được kỳ vọng sẽ có nhiều thuận lợi trong năm 2024. Thế nhưng, tại báo cáo kết quả kinh doanh quý II năm nay, mọi chỉ số kinh doanh của doanh nghiệp này đều sụt giảm đáng kể. Theo đó, doanh thu thuần chỉ đạt 388 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 73,5 tỷ đồng, giảm 48%.

Nhiều kỳ vọng cho những tháng cuối năm

Mặc dù vẫn còn một số doanh nghiệp bất động sản chưa đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng trong quý II cũng như nửa đầu năm nay, nhưng phải thừa nhận thị trường đã có nhiều chuyển biến tích cực và sức khoẻ của các doanh nghiệp nhìn chung đang có sự cải thiện. Một số dấu hiệu của sự hồi phục cũng đang lan tỏa mạnh mẽ như số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, số lượng giao dịch, đặc biệt là nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản đều tăng rõ rệt trong thời gian gần đây.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm nay, vốn FDI thực hiện tại nước ta ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng vị trí thứ 02 với 1,89 tỷ USD đổ vào, chiếm 19,9%.

Đối với lực lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, trong báo cáo mới công bố của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), toàn thị trường có 1.577 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã quay trở lại trong quý II/2024, tăng 11,4% so với cùng kỳ. Tính chung từ đầu năm 2023 đến hết quý II/2024, đã có 4.589 doanh nghiệp quay trở lại thị trường và 2.210 doanh nghiệp thành lập mới.

Đối với lực lượng môi giới, ước tính tổng số lượng môi giới quay trở lại bằng khoảng 60% so với giai đoạn "đỉnh".

Bên cạnh chủ đầu tư, nhà môi giới, VARs cũng cho biết, niềm tin của nhiều nhà đầu tư, khách hàng đã có sự hồi phục đáng kể. Phần chênh giữa quan tâm, xem xét và mua bất động sản được rút ngắn, lượng khách hàng quyết định "xuống tiền" mua bất động sản tăng trưởng rõ rệt trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Điều này giúp cho tỷ lệ hấp thụ các phân khúc đều có sự khởi sắc nhẹ.

Bà Phạm Thị Miền, Phó Viện trưởng VARs IRE nhận định, thị trường bất động sản nửa cuối năm đang xuất hiện nhiều trợ lực để có thể kỳ vọng khởi sắc mạnh mẽ. Trong đó, sức khoẻ của các chủ thể trên thị trường như doanh nghiệp bất động sản, môi giới bất động sản, nhà đầu tư, người mua ở thật đều đang cải thiện đáng kể. Đây chính là yếu tố cốt lõi thúc đẩy thị trường đi đúng tiến trình phục hồi của mình.

Ngoài ra, việc 3 bộ luật quan trọng gồm Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đã được Quốc hội cho phép có hiệu lực sớm từ 1/8 sẽ tạo thêm bước đệm để thị trường tăng tốc. Bởi khi các luật có hiệu lực sớm, giai đoạn "hoang mang" chuyển giao giữa luật sẽ được rút ngắn; các bộ ngành, địa phương sẽ có cơ sở để giải quyết các vấn đề đang tồn đọng từ trước đến nay./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top