Aa

Bùng nổ bất động sản du lịch: Những thách thức cần sớm được xử lý

Chủ Nhật, 12/08/2018 - 14:01

Bùng nổ bất động sản du lịch: Những thách thức cần sớm được xử lý; Đô thị thông minh tác động lớn đến thị trường địa ốc; Sốt đất vùng ven, cò đất tung chiêu lừa đảo; ... là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Bùng nổ bất động sản du lịch: Những thách thức cần sớm được xử lý

Thực tế cho thấy, trong một vài năm gần đây, bất động sản du lịch Việt Nam không chỉ phát triển mạnh ở 28 tỉnh, thành phố có biển, mà còn ở nhiều địa phương không có biển. Trong đó, ngoài mô hình khách sạn truyền thống, còn có nhiều loại hình kinh doanh kết hợp khác như condotel, shophouse, resort…

Theo thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, từ năm 2015 đến nay, Bộ Xây dựng đã thẩm định sơ bộ 25.000 căn condotel, officetel..., chưa kể hàng chục nghìn căn do địa phương thẩm định, tập trung tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, thành phố ven biển như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa...

Phát biểu tại “Diễn đàn Bất động sản du lịch biển Việt Nam 2018” diễn ra mới đây, ông Đỗ Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng cho rằng, bất động sản du lịch đang là một lĩnh vực kinh doanh rất mới tại Việt Nam, với đa dạng các nhà đầu tư.

Tuy phát triển mạnh thời gian qua, nhưng cơ sở pháp lý cho bất động sản du lịch chưa được hoàn thiện.

Tuy phát triển mạnh thời gian qua, nhưng cơ sở pháp lý cho bất động sản du lịch chưa được hoàn thiện.

"Đến năm 2020, ngành du lịch phấn đấu thu hút khoảng 58 triệu lượt khách du lịch. Điều này cho thấy, cơ hội phát triển của bất động sản du lịch là rất lớn", ông Khởi đánh giá.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển quá nhanh đang đặt ra không ít vấn đề đối với phân khúc giàu tiềm năng nay, trong đó nổi cộm nhất là hành lang pháp lý. Theo ông Khởi, về cơ bản, mô hình khách sạn truyền thống đã và đang được quản lý khá chặt chẽ, nhưng đối với những mô hình "lai" như condotel, officetel... lại gặp khó khăn do đây là khái niệm mới, chưa được quy định cụ thể.

“Xét về góc độ khái niệm, condotel, officetel, shophouse… không phải là loại hình nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở, mà là cơ sở lưu trú du lịch. Mặt khác, đây cũng là một loại hình bất động sản, nhưng lại có một phần là dịch vụ lưu trú. Cũng bởi do kết hợp nhiều loại hình kinh doanh nên chưa có một cơ sở pháp lý chung”, ông Khởi nói và cho biết thêm, điều này khiến thị trường thời gian qua nảy sinh những vướng mắc, tranh chấp giữa người mua và chủ đầu tư về trách nhiệm của các bên.

Xem chi tiết tại đây.

Sốt đất vùng ven, cò đất tung chiêu lừa đảo

Anh Minh Tuấn, một nhà đầu tư ở quận 9, cho biết, với số tiền tích lũy khoảng 3 tỷ, anh đang mua một lô đất ở khu Đông, để đón đầu các dự án lớn trong khu vực. Khi tìm thông tin trên mạng thì bắt gặp quảng cáo đất Cát Lái, quận 2, giá chỉ 15 triệu/m2. Đây là mức giá quá rẻ và ít ai ngờ tới.

“Tò mò vì thông tin rao bán, tôi gọi cho môi giới thì được giới thiệu khá lòng vòng về hạ tầng trong khu vực. Môi giới còn hứa hẹn, đầu tư một nền chỉ khoảng 1,5 tỷ thì sau 1 năm có thể lời 20% và công ty sẽ lo việc ra hàng cho khách. Điều lạ là khi hỏi thông tin chủ đầu tư và sổ đỏ dự án thì môi giới không cung cấp mà chỉ hẹn cuối tuần lên xe công ty đưa xuống dự án rồi sẽ tư vấn thêm”, anh Minh Tuấn nói.

Sự phát triển nóng của phân khúc đất nền vùng ven như Long An, Đồng Nai, Bình Dương… cũng kéo theo nhiều công ty môi giới và cò đất làm ăn chụp giật (Ảnh minh hoạ).

Sự phát triển nóng của phân khúc đất nền vùng ven như Long An, Đồng Nai, Bình Dương… cũng kéo theo nhiều công ty môi giới và cò đất làm ăn chụp giật (Ảnh minh hoạ).

Cũng theo nhà đầu tư này, qua tìm hiểu những người bạn đã đầu tư đất nền thì đây là chiêu trò của những công ty môi giới thiếu uy tín. Mức giá 15 triệu/m2 đất dự án chỉ có thể là ở Đồng Nai và môi giới đang dùng thông tin cầu Cát Lái nối TP.HCM và Đồng Nai để câu khách. Hiện tại đất Đồng Nai đã bị thổi giá khá cao nhưng chiếc cầu này không biết bao giờ mới khởi công.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, việc quảng cáo đất Sài Gòn để câu khách ra vùng ven không chỉ xảy ra ở Đồng Nai mà cả những tỉnh giáp ranh như Long An. Ngoài chiêu trò này, một số công ty còn mạo danh chủ đầu tư để ký hợp đồng với khách hàng, thu tiền chênh hàng trăm triệu đồng trên mỗi sản phẩm.

“Thậm chí họ còn tự ý vẽ lại quy hoạch, thêm tiện ích không có trong phê duyệt quy hoạch 1/500… để dễ bán. Do vậy, khách hàng cần quan tâm tìm hiểu uy tín của chủ đầu tư và đơn vị môi giới cũng như pháp lý dự án để tránh tiền mất tật mang”, ông Châu khuyến cáo.

Xem chi tiết tại đây.

Đô thị thông minh tác động lớn đến thị trường địa ốc

Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững hướng tới đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh vừa được Chính phủ thông qua... đã có những tác động nhất định đến đầu tư phát triển bất động sản của các nhà đầu tư hiện nay. Đặc biệt tại TP.HCM thị trường bất động sản xuất hiện những xu hướng đầu tư mới như bất động sản xanh, bất động sản thông minh.

Về vấn đề này ông Phan Trường Sơn - Trưởng phòng Quản lý Bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết TP.HCM đã phê duyệt đề án phát triển thị trường bất động sản trong 10 – 15 năm tới. Trong đó tất yếu sẽ hướng đến đô thị thông minh, kiến trúc xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với sự phát triển của bất động sản thì kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố cũng sẽ ngày càng hiện đại hơn. Sắp tới thị trường bất động sản sẽ có thêm nhiều loại hình hơn như condotel, officetel nhằm đáp ứng nhu cầu đạ dạng của người mua.

Sự phát triển chung cư trong 10 – 15 năm tới cũng sẽ trở thành tất yếu tuy nhiên chủ trương của thành phố là lồng ghép vào chương trình chỉnh trang đô thị, cải tạo kênh rạch của thành phố nhằm tránh phát triển quá nóng và hướng đến bền vững.

Ông Ngô Đông Hải - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương lưu ý với các nhà đầu tư bất động sản bốn vấn đề từ chính sách hiện nay.

Thứ nhất, Đảng và Chính phủ kiên trì chủ trương tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, điều này tạo ra môi trường đảm bảo cho thị trường phát triển. Thứ hai là tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng, kể cả trong lĩnh vực bất động sản cũng có thể xuất hiện những loại hình như bất động sản nghỉ dưỡng. Thứ ba là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong đó có thể chế về các loại thị trường. Thứ tư là tiếp tục kiên định hội nhập kinh tế quốc tế để Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế.

Ngoài những tác động từ chính sách, hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đã tác động rất lớn đến xu hướng phát triển bất động sản Việt Nam.

Xem chi tiết tại đây.

Nhà ở riêng lẻ ngang nhiên "hô biến" thành chung cư

Xu hướng nhà ở chung cư mini được nhiều khách hàng có mức thu nhập thấp chọn mua, đồng thời do sự khan hiếm các dự án nhà ở giá rẻ trên địa bàn TP.HCM nên nhiều cá nhân, tổ chức đã tìm cách xây dựng nhiều dự án "căn hộ mini" từ giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ để bán cho khách hàng, bất chấp những sai phạm về pháp lý.

Tìm hiểu một dự án chung cư mini (theo tên gọi của chủ đầu tư) tại đia chỉ số 36 phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TP.HCM, được biết công trình đang trong quá trình xây dựng nhưng chủ đầu tư công trình này đang rao bán các căn hộ ở đây vào khoảng 600 triệu đồng/căn, được sở hữu trong 50 năm. Loại căn hộ 20m2, giá bán 310 triệu đồng nhưng thời gian sở hữu chỉ 20 năm, loại sở hữu 50 năm có giá khoảng 420 triệu đồng.

Công trình nhà ở riêng lẻ được chủ đầu tư “hô biến” thành chung cư mini rồi rao bán.

Công trình nhà ở riêng lẻ được chủ đầu tư “hô biến” thành chung cư mini rồi rao bán.

Dự án này được rao bán lấy tên chủ đầu tư là Công ty dịch vụ thương mại – Địa ốc Việt Nam House thế nhưng trên giấy phép xây dựng đây là dự án xây dựng theo giấy phép nhà ở riêng lẻ do một cá nhân đứng tên.

Công trình được xây trên hai thửa đất gộp lại gồm thửa đất 756 tờ 49 bản đồ địa chính phường Linh Đông thi công theo giấy phép xây dựng 2671/GPXD với quy mô gồm hai khối, tổng diện tích 1898,16 m2 và thửa đất 768 theo giấy phép xây dựng với quy mô 3 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng là 827,58 m2.

Từ những mập mờ của dự án chung cư mini đang rao bán này, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã kiểm tra và có văn bản kết luận dự án xây dựng tại hai thửa đất này được xây dựng theo giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ.

Xem chi tiết tại đây.

Cung nhiều giá cao, căn hộ thứ cấp khó ra hàng

Thị trường căn hộ hoạt động ảm đạm trong 2 quý vừa qua, không chỉ nguồn hàng sơ cấp khó bán, căn hộ thứ cấp cũng chịu chung số phận khi lượng giao dịch thành công giảm rõ rệt. Bất chấp sự sụt giảm lượng người mua, giới đầu tư vẫn ồ ạt ra hàng, nhất là ở các dự án chuẩn bị bước vào giai đoạn hoàn thiện.

Khu Đông hiện là thị trường ghi nhận nguồn hàng căn hộ thứ cấp chào bán lớn nhất. Đây cũng là khu vực có sự biến động mạnh về giá bán căn hộ. Tìm hiểu của phóng viên tại nhiều sàn giao dịch cho thấy, số lượng căn hộ nhận chào bán lại tại các dự án ở khu Đông và khu Nam tăng mạnh. Nhiều sàn còn cho biết, số sản phẩm nhà đầu tư ký gửi rao bán lại ngang ngửa số hàng sơ cấp sàn đang phân phối.

Thông thường tại một dự án sắp hoàn thiện hay vừa bàn giao sẽ có gần 30-40% số căn hộ được rao bán lại. Khoảng 4 tháng trở lại đây, lượng sản phẩm thứ cấp đổ vào thị trường ngày càng nhiều. Số căn hộ rao bán lại có giá tăng trung bình từ 10-20% so với 3 tháng đầu năm.

Nhiều nhà đầu tư lo lắng qua năm 2019 khi nguồn cung tăng lên, việc bán ra sẽ gặp khó khăn. Hơn nữa, giai đoạn 2017-2018 lại là thời điểm bàn giao khá nhiều dự án, nhà đầu tư không có ý định cho thuê sẽ phải tranh thủ ra hàng trước khi tất toán với chủ đầu tư.

Xem chi tiết tại đây.

Thị trường bất động sản: "Sẽ không biến động lớn đến 2019"

Trong những tháng đầu năm 2018, nhìn chung thị trường bất động sản cả nước về cơ bản vẫn ổn định, nguồn cung dồi dào, phong phú. Nhu cầu thực chất sử dụng bất động sản ngày càng tăng rõ rệt, cho thấy dấu hiệu của thị trường bền vững và phát triển và đã có sự sôi động, lan tỏa trên hầu hết các vùng, miền.

Về lượng giao dịch: trong 6 tháng đầu năm 2018, qua báo cáo của một số chủ đầu tư và một số sàn giao dịch bất động sản, tại Hà Nội có khoảng 8.650 giao dịch thành công (tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2017); tại Tp.HCM có khoảng 9.550 giao dịch thành công (tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2017).

Về giá bất động sản: tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư có xu hướng tăng nhẹ, khoảng 0,08% so với quý 1/2018 và giảm 0,39% so với cùng kỳ năm 2017; giá nhà ở riêng lẻ tăng 1,84% so với quý 1/2018 và tăng 3,01% so với cùng kỳ năm 2017. Tại Tp.HCM, giá căn hộ tăng 1,4% so với quý 1/2018 và tăng 3,43% so với cùng kỳ 2017; với phân khúc nhà ở riêng lẻ, mức tăng lần lượt là 3,24% và 10,42%.

Tồn kho bất động sản tiếp tục giảm: tính đến ngày 20/6/2018, tổng giá trị tồn kho còn khoảng 24.072 tỷ đồng, giảm 104.476 tỷ đồng (giảm 81,27%) so với lúc đỉnh điểm ở quý 1/2013; còn so với 20/12/2017 thì đã giảm 1.310 tỷ đồng (tương đương 5,16%).

Thị trường bất động sản phát triển đã góp phần chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, hiện đại và đảm bảo tính an toàn cho hệ thống ngân hàng... Điều này cho thấy, hệ thống chính sách thị trường bất động sản hiện đang phát huy tích cực và niềm tin của thị trường đang phát triển tốt. Cùng với đó là sự điều tiết của Nhà nước ngày một hiệu quả đối với thị trường này.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top