Hàng loạt dự án nghìn tỷ kêu gọi nhà đầu tư
Nửa đầu tháng 5 vừa qua, các tỉnh thành khu vực phía Bắc đã tung ra hàng loạt dự án đầu tư với tổng giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Theo đó thị trường bất động sản các địa phương cũng tăng sức nóng, hứa hẹn một cuộc cạnh tranh sôi động giữa các nhà đầu tư và mở ra những trang mới cho bức tranh đô thị khu vực.
Đơn cử tại tỉnh Bắc Ninh, Ban Quản lý dự án dân dụng và Phát triển đô thị tỉnh chính thức mời đấu thầu dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới, dịch vụ tại ba phường sầm uất của thành phố Bắc Ninh: Khắc Niệm, Vân Dương và Đại Phúc. Với quy mô ấn tượng lên đến gần 144ha và dự kiến đáp ứng nhu cầu ở cho hơn 11.400 cư dân, dự án này có tổng mức đầu tư gần 13.600 tỷ đồng.
Theo thông tin chi tiết, khu đô thị được quy hoạch bài bản với đầy đủ các hạng mục từ đất ở (gần 26ha), thương mại dịch vụ, khu dịch vụ - du lịch (gần 13ha), văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục, đến mảng xanh rộng lớn (hơn 31ha) và hệ thống giao thông đồng bộ (hơn 56ha). Tiến độ thực hiện dự án dự kiến kéo dài 6 năm kể từ ngày lựa chọn được nhà đầu tư, cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tầm nhìn dài hạn của tỉnh.
Không kém phần sôi động, tỉnh Hà Nam gây chú ý khi liên tiếp công bố kêu gọi đầu tư cho 7 dự án đô thị chỉ trong một tuần. Thị xã Duy Tiên trở thành "điểm nóng" với 3 dự án khu đô thị mới có tổng mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, dự án khu đô thị mới phía Tây Nam cầu Yên Lệnh với quy mô gần 48,5ha và tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, hứa hẹn sẽ tạo ra một diện mạo đô thị hiện đại cho khu vực. Cùng với đó là các dự án khu đô thị mới kết hợp chỉnh trang khu dân cư tại phường Duy Minh, Duy Hải (gần 631 tỷ đồng) và khu đô thị Đông Đồng Văn (hơn 985 tỷ đồng) cũng đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.
Thị xã Kim Bảng cũng không nằm ngoài cuộc đua khi UBND tỉnh mời thầu dự án khu đô thị tại các phường Tân Sơn, Lê Hồ và Đồng Hóa với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng trên diện tích 34ha. Sở Xây dựng tỉnh còn mời đầu tư thêm hai dự án tiềm năng khác tại Kim Bảng là khu đô thị kết hợp chỉnh trang đô thị phía Tây Nam nút giao đường Vành đai 5 và QL.1A (gần 1.200 tỷ đồng) và khu đô thị phía Nam phường Ngọc Sơn (433 tỷ đồng).
Huyện Lý Nhân cũng góp mặt vào danh sách với dự án khu đô thị Bắc Thái Hà (hơn 1.700 tỷ đồng) tại xã Bắc Lý và Chân Lý, cho thấy sự lan tỏa của làn sóng phát triển đô thị đến các vùng ven.

Thị trường bất động sản khu vực phía Bắc đang chứng kiến một làn sóng đầu tư mạnh mẽ khi hàng loạt tỉnh, thành phố đồng loạt công bố kêu gọi, mời thầu các dự án quy mô nghìn tỷ. Ảnh minh họa.
Thủ đô Hà Nội cũng không đứng ngoài xu hướng khi giới thiệu 2 dự án phân khúc nhà ở xã hội. Cụ thể, Sở Xây dựng Hà Nội kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho cán bộ, công chức, người lao động tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên với tổng mức đầu tư gần 1.100 tỷ đồng. Dự án này dự kiến cung cấp 452 căn hộ chung cư, giải quyết nhu cầu về nhà ở cho khoảng 1.400 người.
Bên cạnh đó, dự án khu nhà ở xã hội - Tây Nam Kim Giang tại huyện Thanh Trì và quận Hoàng Mai với quy mô gần 5ha và tổng vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng cũng đang được mời gọi đầu tư, thể hiện sự quan tâm của thành phố đến vấn đề an sinh xã hội và tạo điều kiện cho người dân có thu nhập thấp tiếp cận nhà ở.
Hưng Yên đang bước vào một giai đoạn sôi động của thị trường bất động sản khi HĐND tỉnh vừa công bố danh mục các khu đất sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất từ nay đến năm 2030. Trong đó, nổi bật nhất là Khu phức hợp đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Phố Hiến với quy mô khủng lên tới 1.249 ha, tọa lạc tại hai xã Phú Cường và Hùng Cường, TP. Hưng Yên. Dự án dự kiến sẽ tổ chức đấu thầu trong giai đoạn 2026 - 2030.
Cũng tại TP. Hưng Yên, khu đô thị rộng 100 ha tại xã Liên Phương được đưa vào danh mục đấu thầu cùng giai đoạn, hứa hẹn tạo thêm điểm nhấn cho khu vực ven đô.
Thị xã Mỹ Hào là địa phương tiếp theo góp mặt với hai dự án quy mô lớn. Dự án đầu tư xây dựng Phân khu A – Khu đô thị phía Bắc Quốc lộ 5 thuộc Khu đô thị Phố Nối có diện tích hơn 262 ha, vốn đầu tư được điều chỉnh tăng mạnh từ gần 3.000 tỷ lên gần 35.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ được tổ chức đấu thầu trước tháng 6/2025.
Bên cạnh đó là dự án Khu đô thị Mỹ Hào Garden City rộng 219 ha, triển khai tại các phường Phan Đình Phùng, Nhân Hòa, Cẩm Xá, cũng sẽ tìm nhà đầu tư trong giai đoạn 2025 - 2026…
Còn tại tỉnh Hòa Bình cũng cho thấy sự năng động trong thu hút đầu tư bất động sản với 3 dự án khu đô thị mới được công bố. Tại thành phố Hòa Bình, dự án khu đô thị Hợp Thành (gần 867 tỷ đồng) và khu đô thị Kỳ Sơn (gần 896 tỷ đồng) hứa hẹn mang đến không gian sống hiện đại kết hợp với cảnh quan thiên nhiên.
Huyện Lương Sơn cũng góp mặt với dự án khu nhà ở tại khu Đồi Tiểu khu 2 (gần 230 tỷ đồng) và đặc biệt là dự án khu đô thị sinh thái Hòa Sơn (vốn đầu tư chưa được công bố), một dự án có quy mô lớn lên đến hơn 261ha, bao gồm đa dạng các loại hình nhà ở, công trình công cộng, thương mại dịch vụ và du lịch nghỉ dưỡng, cho thấy tầm nhìn phát triển đô thị sinh thái bền vững của tỉnh.
Cơ hội từ làn sóng đầu tư "nghìn tỷ"
Làn sóng công bố các dự án đầu tư "nghìn tỷ" trong lĩnh vực bất động sản tại khu vực phía Bắc cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ và tiềm năng phát triển lớn của thị trường sau những "nốt trầm". Việc các tỉnh, thành phố chủ động kêu gọi đầu tư vào các khu đô thị mới không chỉ góp phần hiện đại hóa hạ tầng, chỉnh trang đô thị mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.
Nhìn nhận về thị trường bất động sản khu vực phía Bắc, tại Hội thảo mới đây, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính đang được triển khai mạnh mẽ được kỳ vọng sẽ tạo ra những không gian phát triển mới, nâng cao hiệu quả quản lý và thúc đẩy quá trình đô thị hóa. Đây chính là "chìa khóa" để thị trường bất động sản nói chung, phía Bắc nói riêng có những bước chuyển mình mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn.

KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Vị chuyên gia dẫn chứng, khu vực Bắc Giang và Bắc Ninh đang nổi lên như những trung tâm thu hút các tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn và điện tử, được thúc đẩy bởi hạ tầng khu công nghiệp ngày càng hiện đại và đồng bộ. Song song với đó, các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình và Phú Thọ cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch tâm linh, sinh thái và nghỉ dưỡng cuối tuần. Điều này kéo theo sự trỗi dậy của bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng tại những khu vực này, trở thành tâm điểm chú ý trong bối cảnh tầng lớp trung lưu mở rộng và nhu cầu sở hữu "ngôi nhà thứ hai" ngày càng tăng cao.
Trong khi đó, các đô thị như Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định và Ninh Bình đang có sự bứt phá. Trong đó, Hưng Yên đang khẳng định vị thế của mình nhờ tiềm năng phát triển đô thị bài bản, kế thừa danh tiếng "Nhất Kinh kỳ, nhì Phố Hiến"; Nam Định và Ninh Bình tập trung vào phát triển hạ tầng và trung tâm hành chính mới; còn Hải Phòng, đô thị cảng lớn nhất miền Bắc, tiếp tục đóng vai trò là cực tăng trưởng quan trọng, với bất động sản công nghiệp và đô thị gắn liền cảng biển phát triển sôi động. Đáng chú ý, nhiều tập đoàn lớn như Vingroup, Sun Group đang rót vốn đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, bất động sản, du lịch và dịch vụ tại các khu vực này.
"Dòng vốn đầu tư lớn đổ vào các dự án khu đô thị mới, khu dân cư không chỉ đơn thuần tạo ra những khối bê tông và nhà ở. Nó còn kéo theo sự phát triển đồng bộ của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Đường sá được mở rộng, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí được xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng sống và thay đổi diện mạo đô thị theo hướng hiện đại, văn minh hơn. Điều này trực tiếp làm tăng giá trị bất động sản trong khu vực và các vùng lân cận", KTS. Trần Ngọc Chính nhận định.
Còn theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường từ BHS Group và Savills Việt Nam các thông báo mời đầu tư của các địa phương sẽ cung cấp cho doanh nghiệp cơ hội tiếp cận các quỹ đất mới, đa dạng về vị trí và quy mô, từ đó làm phong phú thêm danh mục dự án của mình. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh quỹ đất tại các đô thị lớn ngày càng khan hiếm và đắt đỏ.
Hơn nữa, các dự án được mời gọi không chỉ giới hạn ở nhà ở mà còn bao gồm khu đô thị phức hợp, thương mại dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, thậm chí cả nhà ở xã hội. Điều này cho phép doanh nghiệp lựa chọn và đa dạng hóa loại hình đầu tư phù hợp với năng lực và chiến lược phát triển của mình.
Đó còn chưa kể, các dự án "nghìn tỷ" thường đi kèm với quy mô lớn, mật độ xây dựng cao và tiềm năng thương mại lớn, hứa hẹn mang lại nguồn doanh thu và lợi nhuận đáng kể cho các nhà phát triển.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng bên cạnh những cơ hội, việc triển khai đồng loạt các dự án quy mô lớn cũng đặt ra không ít thách thức. Các địa phương cần có sự quản lý chặt chẽ trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo năng lực tài chính và kinh nghiệm thực tế để tránh tình trạng dự án triển khai chậm tiến độ.
Ngoài ra, việc quy hoạch và phát triển các khu đô thị cần đảm bảo tính đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, chú trọng đến yếu tố môi trường và tạo ra không gian sống chất lượng cho cư dân. Đồng thời, nhà đầu tư cần theo dõi sát các quy hoạch chi tiết, tiến độ triển khai hạ tầng và sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư.