Trải qua một năm thanh lọc khắc nghiệt
Khó khăn kéo dài đã khiến năm 2023 trở thành năm ghi nhận nhiều "cuộc chia ly" nhất trong lịch sử thị trường bất động sản Việt Nam khi hàng chục nghìn môi giới mất việc, bỏ nghề. Phần lớn môi giới còn hoạt động phải làm thêm nhiều công việc để duy trì cuộc sống.
Số liệu thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, tới cuối năm 2023, chỉ khoảng 20% môi giới địa ốc - tương đương khoảng 60.000 người - còn hành nghề. Điều này có nghĩa, thị trường đã chứng kiến 80% môi giới bỏ nghề để tìm những hướng đi mới.
Ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VARS nhìn nhận, từ cuối năm 2022 đến hết năm 2023, thị trường bất động sản gặp khó khăn, các giao dịch gần như "đóng băng" khiến lực môi giới không có việc để làm. Điều này đã trực tiếp ảnh hưởng đến thu nhập của họ.
Theo tính toán, gần 95% nhân sự ngành bất động sản trong đó chủ yếu là lực lượng môi giới bị giảm thu nhập trong năm vừa qua. Trong đó, có 14% nhận sự có thu nhập giảm 20 - 30%; 50% nhân sự giảm 30 - 40% và khoảng 6% giảm trên 70% thu nhập.
"Khi thu nhập không đủ để duy trì cuộc sống thì buộc các môi giới phải bỏ nghề để tìm kiếm những công việc mới. Số môi giới còn trụ lại, hoặc là những người đã làm việc lâu năm và có một khoản tích luỹ đáng kể, hoặc là những người làm nhiều việc cùng một lúc và môi giới bất động sản chỉ là nghề tay trái", ông Bình cho biết.
Chia sẻ với PV, lãnh đạo một sàn giao dịch bất động sản tại Ninh Thuận cũng thẳng thắn thừa nhận, 2023 là một năm khắc nghiệt với những người làm môi giới. Không chỉ khan hiếm các giao dịch mới để thực hiện mà nhiều sàn còn bị chủ đầu tư chậm trả hoa hồng. Do vậy, hầu hết các sàn phải cắt giảm nhân sự, cắt giảm lương thưởng. Thậm chí, không ít sàn phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động.
"Thời điểm cuối năm 2022, công ty có hơn 700 môi giới bất động sản nhưng đến đầu năm 2023, chỉ còn hơn 500 và cuối năm 2023 đã giảm thêm 200. Số lượng nhân viên giảm quá nửa, một phần đến từ kế hoạch cắt giảm nhân sự nhưng phần lớn là các nhân viên chủ động nghỉ do không chốt được giao dịch để đảm bảo thu nhập", lãnh đạo sàn giao dịch chia sẻ.
Rõ ràng, khó khăn kéo dài của thị trường bất động sản không chỉ ảnh hưởng tới chủ đầu tư dự án, nhà đầu tư cá nhân mà môi giới cũng là một trong những lực lượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất. Những gì đã trải qua trong năm qua thực sự là khoảng thời gian khó quên của những người làm nghề môi giới. Đó là lý do, khi bước sang năm 2024, câu hỏi được nhiều người đặt ra là thị trường bất động sản đang xuất hiện nhiều hơn tín hiệu tích cực, liệu thách thức với người làm môi giới có sớm qua đi? Và môi giới bất động sản đã sẵn sàng quay trở lại thị trường?
Môi giới bất động sản cần thay đổi để thích ứng trong năm 2024
Thực tế thời điểm cuối năm 2023, một số công ty như Đất Xanh Miền Bắc, OneHousing, Phố Xanh Realty liên tục đăng thông báo tuyển dụng từ hàng chục đến hàng trăm nhân viên môi giới với nhiều chính sách đãi ngộ trong bối cảnh các chủ đầu tư đã bắt đầu khởi động lại và ra mắt nhiều dự án.
Đất Xanh Miền Bắc đã ra thông báo tuyển nhân viên môi giới cho các dự án ở Sapa, Phú Quốc... Nhân viên có thể được hưởng mức lương cứng lên đến 12 triệu đồng một tháng, hoa hồng từ 50 triệu đồng một giao dịch, hỗ trợ đến 90% chi phí marketing...
Còn OneHousing tích cực tuyển dụng để có 1.000 môi giới vào cuối năm 2023, tập trung ở một số dự án cả cao tầng và thấp tầng trong các đại đô thị Hà Nội. Đơn vị cũng này đặt mục tiêu tăng gấp 10 lần lực lượng môi giới trong năm 2024.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hoà cho biết, thị trường địa ốc vẫn khó, nhưng đã bắt đầu có những tín hiệu tích cực như khách hàng quan tâm hơn đến các dự án căn hộ, chủ đầu tư lớn dần trở lại thị trường, chuẩn bị những đợt mở bán khủng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Bởi vậy, các công ty môi giới đã phải tuyển dụng mới để khởi động hệ thống, chạy lại các chương trình bán hàng cho chủ đầu tư, nhất là các dự án căn hộ phục vụ nhu cầu ở thật.
Tuy nhiên, theo ông Quang, số lượng môi giới trở lại thị trường trong năm 2024 sẽ không nhiều bởi đây chỉ mới là năm thị trường "chớm hồi phục", chưa thực sự sôi động để có việc cho đông đảo môi giới.
Hơn hết, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) mới được thông qua có quy định, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề và phải làm trong một tổ chức kinh doanh dịch vụ giao dịch, môi giới bất động sản. Điều này có nghĩa, môi giới không còn được tự do hoạt động như trước. Và quy định này là cần thiết sau thời gian dài môi giới hoạt động tự phát, thiếu sự quản lý.
Thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, ở giai đoạn thị trường phát triển sôi động, cả nước có khoảng 300.000 người hành nghề môi giới nhưng chỉ có khoảng 30.000 - 40.000 người có chứng chỉ hành nghề. Lực lượng môi giới đúng nghĩa chiếm tỷ lệ rất ít, chủ yếu là môi giới "tay ngang". Thực tế này đã gây ra không ít tiêu cực, lộn xộn cho thị trường bất động sản.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, khi Luật mới được áp dụng, cùng sự thanh lọc của thị trường, đội ngũ môi giới cả nước cũng buộc sẽ có những thay đổi.
Những môi giới viên thiếu cả "tâm" và "tầm" sẽ khó bám trụ với nghề trong bối cảnh mới. Chỉ có những môi giới chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và tầm nhìn bền vững, có năng lực chuyên môn, tích lũy và chỉ số tín nhiệm cao mới có thể tồn tại với nghề.
"Muốn trụ vững trên thị trường ở bối cảnh hiện tại, môi giới không chỉ cần có quyết tâm, đam mê nghề nghiệp, mà còn phải liên tục nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nếu không sẽ phải rời bỏ thị trường như một cơ chế sàng lọc tự nhiên, bởi khi đó cơ hội sẽ thuộc về những người có kỹ năng và kinh nghiệm tốt hơn", ông Đính nhấn mạnh.