Aa

Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp 2

Hữu Lễ
Hữu Lễ huule.baodnhn@gmail.com
Thứ Ba, 16/04/2024 - 09:23

Nhiều địa phương tại Cà Mau đang thiếu nước ngọt phục vụ đời sống của người dân, khả năng còn tiếp tục xuất hiện thêm các điểm sụt lún đất, sạt lở bờ kênh, đường lộ giao thông trong vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời, U Minh. Việc này làm hư hỏng kết cấu, mặt đường lộ giao thông, gây khó khăn cho giao thương hàng hóa và đi lại của người dân.

Mới đây, ông Lê Văn Sử, UBND tỉnh Cà Mau ký có quyết định công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp 2 trên địa bàn các huyện Trần Văn Thời và U Minh.

Trong 2 ngày đầu tháng 4/2024, trong tỉnh xuất hiện mưa trái mùa cục bộ với lượng mưa nhỏ đến mưa vừa, thời gian còn lại không mưa, ngày nắng. Tổng lượng mưa tại các trạm đo ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 75 - 100%, ở mức thấp hơn cùng thời kỳ năm 2023 từ 12 - 155%, riêng một số nơi xuất hiện mưa trái mùa cao hơn TBNN từ 46 - 126%. Mực nước trên các kênh, rạch trong vùng ngọt hóa huyện U Minh xuống mức thấp; hầu hết các tuyến kênh, rạch trong vùng ngọt hóa Huyện Trần Văn Thời đã khô cạn.

Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp 2- Ảnh 1.

Tại nhiều địa phương trong tỉnh thiếu nước ngọt phục vụ đời sống của người dân, khả năng còn tiếp tục xuất hiện thêm các điểm sụt lún đất, sạt lở bờ kênh, đường lộ giao thông. (Ảnh: Hữu Lễ)

Tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh còn kéo dài đến hết tháng 4/2024; đầu tháng 5/2024, khả năng mới xuất hiện mưa dông chuyển mùa; mùa mưa năm 2024 có khả năng xuất hiện vào nửa cuối tháng 5. Cho nên, hạn hán ảnh hưởng trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó ảnh hưởng nặng nhất tại các huyện Trần Văn Thời và U Minh.

Cụ thể, địa bàn huyện Trần Văn Thời xuất hiện 601 điểm sụt lún, sạt lở nằm trên 132 tuyến kênh, với tổng chiều dài 15.890 mét.

Tại nhiều địa phương trong tỉnh thiếu nước ngọt phục vụ đời sống của người dân, khả năng còn tiếp tục xuất hiện thêm các điểm sụt lún đất, sạt lở bờ kênh, đường lộ giao thông trong vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời, U Minh, làm hư hỏng kết cấu, mặt đường lộ giao thông, gây khó khăn cho giao thương hàng hóa và đi lại của người dân. Mực nước trên các kênh, rạch còn nước trong vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời, U Minh tiếp tục xuống mức thấp, khả năng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

Vì thế, UBND tỉnh cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán hoặc sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán: Cấp độ 2.

Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp 2- Ảnh 2.

Mới đây nhất là vụ cháy khoảng 40 ha rừng tràm ở Đội quản lý đất quốc phòng (Nông trường 402 cũ).

Bênh cạnh những thiệt hại, hậu quả mà thiên tai gây ra, UBND tỉnh Cà Mau có các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra. 

Cụ thể, xác định các khu vực khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, triển khai các giải pháp phục vụ cấp, trữ nước và xử lý nước cho các hộ gia đình như: thiết lập các điểm cấp nước tập trung, hỗ trợ dụng cụ chứa, bồn chứa, hóa chất xử lý nước, vận chuyển nước ngọt từ nơi khác đến,...; đồng thời, mở rộng mạng đường ống cấp nước các công trình hiện có để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân, tuyệt đối không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Tập trung rà soát các tuyến giao thông ven sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở, sụt lún, để lắp đặt các biển cảnh báo và triển khai các biện pháp phù hợp nhằm giảm tối đa thiệt hại; huy động nhân dân tham gia thực hiện phòng, chống thiệt hại do sụt lún, sạt lở đất và khắc phục những vị trí có nguy cơ đe dọa an toàn đến người và phương tiện trong quá trình lưu thông.

Rà soát, cập nhật kế hoạch, phương án sản xuất phù hợp với diễn biến thời tiết; đồng thời, khuyến cáo người dân tổ chức sản xuất đúng lịch mùa vụ, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp 2- Ảnh 3.

Rừng tràm vườn Quốc Gia U Minh Hạ nhìn từ trên cao. (Ảnh : Hữu Lễ)

Ngoài ra, UBND tỉnh phân công trách nhiệm đến UBND huyện Trần Văn Thời, U Minh và các sở, ngành, địa phương có liên quan.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo thời tiết, khí tượng, thủy văn, cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của địa phương phù hợp với điều kiện thực tế.

Tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; trường hợp xảy ra thiếu nước không bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu sử dụng, phải ưu tiên cấp đủ nước sinh hoạt.

Xác định các khu vực khó khăn về nguồn nước sinh hoạt để chủ động tổ chức triển khai giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt, trường hợp cần thiết huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân.

Bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Đối với Sở NN&PTNT, chủ động hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả, giảm thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đối với công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn đang xây dựng để sớm đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả.

Tổng hợp, báo cáo tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở các địa phương, chủ động phối hợp với sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan rà soát, đề xuất, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời triển khai công tác ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn theo quy định của pháp luật.

Đối với Sở GTVT, tổ chức sửa chữa, gia cố các tuyến đường giao thông bị sụt lún, sạt lở hoặc đang có nguy cơ sụt lún, sạt lở do hạn hán gây ra theo phân cấp, đảm bảo an toàn lưu thông, an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tăng cường công tác quan trắc, thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, nhận định tình hình hạn hán, thiếu nước, thông báo đến các cấp, các ngành, địa phương biết để chủ động trong công tác ứng phó.

Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau và các cơ quan báo, đài trên địa bàn tỉnh tiếp tục làm tốt công tác truyền thông, đưa tin kịp thời, chính xác về tình hình nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, nâng cao nhận thức của người dân trong sử dụng tiết kiệm điện, nước và phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top