Aa

Cái ghim giấy

Thứ Năm, 18/03/2021 - 13:00

Giá như những người lớn chúng ta dạy con em mình ngay từ bé biết thận trọng trước những vật nhọn để tránh bị gây đau, nhất là đừng để gây đau cho người khác…

Tôi nhớ, một lần, khi đang ăn miếng bánh gato, tự nhiên lưỡi đá phải một vật gì cứng, nhọn. Tôi vội lèo ra. Thì ra là một cái ghim giấy bằng sợi sắt đã duỗi thẳng. Chúng rất bé, rất dễ lẫn vào bất cứ chỗ nào. Đó là cái ghim do người dùng đã gỡ ra từ tập giấy nào đó. Có thể nó bị lẫn trong nguyên liệu làm bánh. Cũng có thể khi đóng hộp, người đóng hộp bấm những cái ghim lỡ để rơi vào. Giả như, hôm ấy tôi ăn vội vàng, nuốt chiếc ghim ấy vào bụng, không biết rồi sẽ ra sao. Thủng dạ dày, đi viện là cái chắc… Hú vía.

Từ bấy, mỗi lần đi photo tài liệu, hoặc nhận một tệp tài liệu từ ai đó, nếu phải bỏ ghim ra, tôi thường thận trọng gập hai đầu ghim lại, khi đó hai đầu sợi sắt được quặp vào bên trong. Như thế, nếu ai đó vô tình giẫm chân lên sẽ không bị đâm vào bàn chân. Hoặc trường hợp tệ nhất, bị nuốt vào trong bụng, chắc khả năng sát thương dạ dày sẽ không cao, an toàn hơn.

Nghĩ rộng ra, trong đời sống mỗi chúng ta bắt gặp hoặc bỏ đi vô số vật nhọn. Có thể mảnh vỡ của chiếc cốc thủy tinh, mảnh vỡ của cái bát sứ, một miếng gỗ còn dính mấy chiếc đinh… nghĩa là những thử rất nhỏ thôi, nhưng có khả năng gây sát thương, gây đau đớn, không ai có thể lường trước.

Tôi vô cùng băn khoăn khi phải thu dọn mảnh thủy tinh nếu một chiếc cốc, một cái bình bị vỡ. Thu gom vào một cái túi riêng, thế rồi bỏ đi đâu? Không thể bỏ tọt vào thùng rác chung được. Lúc này rất ao ước các ngõ phố đều có thùng rác phân loại 2, 3 ngăn. Những vật nhọn vô cơ như thế được bỏ vào một thùng riêng, sẽ an toàn biết mấy.

Ngày xưa, khi còn bé, tôi nhớ mãi lần chứng kiến một người anh lớn tuổi bị chết do vi trùng uốn ván. Chả là anh lội ruộng bắt cá, chẳng may chân anh giẫm phải mảnh thủy tinh. Do chủ quan, cũng do ít hiểu biết về bệnh học, mấy hôm sau anh lên cơn sốt, co giật. Gia đình hô hoán, mấy người làng cáng bằng xe đạp (ngày đó cả làng chưa có xe máy) đưa anh xuống bệnh viện tỉnh, cách nhà gần chục cây số. 

Trên đường đi, anh kêu gào, đau đớn, suýt bật ra khỏi cáng. Để cho an toàn, người nhà phải dùng dây vải trói anh lại. Sau hơn hai tiếng đồng hồ mới đưa anh tới nơi, mở võng ra, anh đã tắt thở. Bác sĩ khám nghiệm, nhìn bàn chân sưng vù, bầm đen lại của anh, kết luận anh bị vi trùng uốn ván. Thì ra, anh đã phát sốt, chân sưng tấy mấy hôm, nhưng cứ đắp thuốc lá xằng xịt, mãi không khỏi. Khi thấy sốt co giật, mới đưa đi viện thì đã muộn.

Anh ấy hiền lành, rất yêu trẻ con, hay bện mũ rơm cho lũ trẻ trong làng để đi học, tránh mảnh bom máy bay Mỹ. Ai cũng thương anh.

Tôi bị ám ảnh về cái ca vi trùng uốn ván từ ngày thơ bé đó…

Viết đến đây, tôi lại sực nhớ về những tai nạn thương tâm của những người đi xe máy, thậm chí cả ô tô nữa khi bị dính đinh và chông tự chế của bọn ác rải trên đường. Một chiếc xe dính đinh, xịt lốp trên cao tốc, rất có thể là một tai nạn cướp đi mấy mạng người cùng một lúc.

 

Bảo bọn rải đinh là loại cố cùng liều thây thì đúng rồi. Nhưng bảo chúng là bọn ác cũng không oan.

Giá như những người lớn chúng ta dạy con em mình ngay từ bé biết thận trọng trước những vật nhọn để tránh bị gây đau, nhất là đừng để gây đau cho người khác…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top