Aa

Cái nhà

Thứ Năm, 24/01/2019 - 06:00

Dãy biệt thự ấy, lúc đầu nhìn hào nhoáng, giờ thì cũng lại ồn ào, bụi bặm. Mấy hôm vừa rồi Hà Nội tắc chuyện rác. Xe rác ứ đầy trước cửa nhà Hải. Đóng hết mọi cửa kính cũng không chịu nổi mùi. Hải gọi điện rủ tôi đi ngồi quán bia, như một hình thức "sơ tán". Tất nhiên chuyện này là hãn hữu thôi, chúng tôi thậm chí vui là sự cố ứ rác đã cho mình có dịp để bù khú giống khi xưa...

Ở quê thời ấy, sự khá giả đo bằng bồ thóc để trong buồng. Giáp hạt thóc còn dưới đáy, thì là khá giả. Người ta có một đống rạ, nhà mình hai, ba đống - vậy là khá giả. Trong nhà có đủ cả giường, cả sập, có bàn thờ gỗ - vậy là khá giả…Thóc nhiều cũng phải bán cho Nhà nước. Lợn nuôi được nhiều cũng phải báo cho "thu mua" đến cân. Đem ra chợ mà bán được có lẽ chỉ là buồng chuối, mớ cá, giỏ cua…

Cho đến giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao thời đó, vẫn có những người làm nông ở quê vun vén mua được gạch, ngói, gỗ lạt…để dựng ngôi nhà mới. Quy mô đồ sộ nhất thì là nhà chính ba gian hai chái. Rồi hai gian nhà dưới làm bếp. Và cái sân gạch. Sân gạch to là minh chứng hùng hồn nhất của sự giàu có, bề thế.

Bố mẹ thằng Hải lúc nào cũng làm một việc gì đó, không ngoài ruộng thì trong vườn, không phải đang lội dưới nước thì cũng là đang gồng gánh trên đường. Khi họ già hẳn rồi thì làm được ngôi nhà to, có cái sân gạch to. Cho thằng Hải, vì anh nó đi bộ đội đã hy sinh.

Cuối đời bố mẹ thằng Hải vẫn cặm cụi làm, và còn mua được một chiếc xe đạp Thống nhất nữ gióng chéo nữa. Chiếc xe ấy, của đáng tội, thằng Hải cũng không được đi. Trên bức tường chính nhà ngoài, bên cạnh bàn thờ, bố thằng Hải đóng ba cây sắt để treo chiếc xe đạp lên. Nó màu xanh hoà bình, bóng loáng. Ba cái đinh sắt to bọc vải để không xước sơn xe. Nó là biểu tượng của sự phú quý đợi chờ thằng Hải lớn lên.

Tôi nghĩ bố mẹ thằng Hải khi nhắm mắt xuôi tay thì mới nghỉ ngơi. Và chắc là họ mãn nguyện đã làm được tất cả những gì cần làm cho đứa con trai. Hồi đó, người ta không gọi gia tài như thế là "nhà cửa", mà gọi là "dinh cơ'. Khi đã hơi lớn, hết sơ tán, tôi về thành phố học, đôi lúc gặp người trong làng ra, tôi hỏi thăm về thằng Hải. Ai cũng trả lời giống nhau: "Thằng ấy thì còn nói làm gì nữa. Đời nó chỉ cần quản cái "dinh cơ" bố mẹ để lại là đã sướng mấy đời rồi!".

Nhưng thằng Hải lớn lên, sau cấp II, đi học nghề. Nó thành công nhân xây dựng. Làm thợ nhiều năm, vốn kiên trì và có chí, nó đi học thêm và thành cán bộ kỹ thuật. Chỗ ở hồi đó không thành vấn đề - có các dãy nhà tập thể. Bẵng đi thời gian rất lâu, vào cái thời bao cấp khốn khó, tôi gặp lại Hải khi vợ chồng con cái nó được hưởng cái phúc to đùng: Thế nào mà lại được suất nhà tập thể (khi đó chưa gọi là chung cư) trên tầng 4. Đó là may mắn lắm. Tôi được dự liên hoan khi nó từ biệt, trả lại cái phòng trong dãy nhà tập thể cấp 4, để lên "nhà tầng" ở.

Tôi chẳng hỏi nó về cái "dinh cơ" ở quê. Lúc đó, nếu đặt bên cạnh hình ảnh căn hộ trên cái nhà 5 tầng đồ sộ, hình ảnh cái nhà năm gian và cái sân gạch với dẫy bếp, chuồng lợn, vườn tược…thật là vô nghĩa. Hình như chỉ ngày giỗ, Tết thằng Hải mới về thắp hương nơi nhà cũ.

Nhà ở quê, con cháu chỉ về khi giỗ, Tết.

Nhà cổ ở quê, con cháu chỉ về khi giỗ, Tết.

Thời bao cấp như một dòng nước ứ đọng trôi đi rất chậm. Nhưng rồi nó cũng qua. Thế rồi bỗng chốc chính những căn nhà tập thể cấp 4 dưới đất ào ào biến thành các nhà mặt phố 4, 5 tầng. Lại một lần nữa, tôi không hiểu sao người ta, sau những năm không có cái gì ăn, mà lại xây được nhà to đến thế. Hàng xóm cũ của tôi, người phụ nữ nhào than cho bếp ăn tập thể, nghèo túng không thể hình dung được, cũng có nhà mặt phố ba tầng. Bằng cách thế này: Bà ấy đồng ý để hai nhà hai bên xây tường sâu vào phần đất gian của bà mỗi nhà nửa mét. Bù lại, họ cho bà ấy chung hai tường chính hai bên. Vậy là cái nhà của bà chỉ cần gác hai cái sàn, và hai cái mái, tường trước, tường sau. Có nhà mặt phố rồi, tầng 1 bà cho thuê bán hàng, ít lâu là sau trả được hết nợ làm nhà.

Thằng Hải tiếp tục ở cái căn hộ tầng 4 cổ lỗ và bất tiện. Nhà 5 tầng nhìn ngày càng lở lói. Như nhiều người, nó hối hận đã rời cái căn dưới đất mà hân hoan dọn "lên trời".

Thế rồi lại đến cái thời của các nhà mấy chục tầng, thời của các "khu đô thị mới". Công ty thằng Hải làm xây dựng, nên hiển nhiên nó đăng ký được nhiều căn hộ. Cứ có đăng ký là bán "lốt", được khối tiền. Mấy năm trời thằng Hải thành nhân vật rất quan trọng. Được cái, với bạn bè, thì nó chỉ giúp. Trông trước trông sau thì đa số bạn bè đều có căn hộ "chung cư cao cấp" (hầu như nhà nào cũng được gọi bằng cái tên mơ hồ ấy). Gọi nhau đến chơi, địa chỉ toàn CT (cao tầng) A, CT B, CT X…. Đẳng cấp là chỗ nào thang máy xịn hơn.

Có lần tôi hỏi Hải: "Nhà ở quê còn không?". Nó hồ hởi: "Còn chứ, giờ là nhà cổ rồi đấy!". Nó bảo đang quyết chí "trở về mặt đất", tức là phấn đấu mua nhà riêng, rời "chung cư cao cấp". Dĩ nhiên, chẳng ai, cả nó, cả tôi, nghĩ đến cái "nhà mặt đất" ở quê cả. Lâu rồi, đó chỉ là chỗ thờ phụng.

Nói gì chuyện Hải hay chúng tôi. Có rất nhiều người đang vật lộn bám trụ ở thành phố, với những chỗ ở tạm quá cực khổ. Nhưng phần nhiều ở quê vẫn có ngôi nhà bố mẹ xây được. Chỉ có điều không thể nghĩ chuyện về quê sống ở ngôi nhà đó. Theo một quy luật nào đó, người ta cứ phải vật lộn từ đầu để làm một cái khác, ở nơi khác. Cũng có những người có nhà phố cổ Hà Nội, bán đi để có tiền đi sang nước ngoài lao động. Gom góp đến giờ nếu về lại chẳng thể mua được ngôi nhà từng có. Từ chuyện này đâu thể rút ra kết luận rằng, nếu khôn ngoan, họ phải nằm nhịn ăn ru rú ở nhà nhẫn nại chờ thời từ những năm bao cấp cho đến bây giờ?

Lần này, thằng Hải đi sớm một bước. Nó mua được một lô đất trong dãy "nhà vườn" ở dự án khu đô thị của công ty nơi nó làm lâu nay. Bây giờ nếu nói về chuyện nhà cửa, Hải đã thuộc về đẳng cấp khác. Có lẽ trong nhóm bạn bè thân thiết, đến bây giờ chỉ có nó là ở NV (nhà vườn). Còn lại vẫn là CT. Tôi có mua bức tranh đến nhà Hải mừng "tân gia". Biệt thự bốn tầng, đất gần 200 m2. Ai trong chúng tôi cũng thầm ghen tỵ. Vợ chồng Hải đầy mãn nguyện, cái mãn nguyện toát ra cả trong cái cách nói xuề xoà, khoát tay chỉ lên tấm ảnh ông con trai đang đi học xa: "Thì cũng cố để cho ông trẻ kia ở thôi, chứ mình giờ tuổi này ở thế nào chẳng được!".

Cậu con trai ấy rất khá. Nó vào đại học được một năm thì tự kiếm được học bổng đi học ở nước ngoài. Học xong, nó vẫn ở lại, có chỗ làm ở một công ty. Cách đây ít lâu, tôi gặp cậu về Việt Nam nghỉ một tháng. Cậu ta nói: "Chắc cháu làm bên đó lâu dài. Cháu đang có nhiều cơ hội". Tôi băn khoăn: "Bên đó lương có cao, nhưng lâu dài còn nhà cửa nữa, cũng khó". Chàng trai cười: "Sao nhất định phải có nhà hả bác? Bên đó nhiều người cả đời chẳng cần có nhà riêng của mình. Quan trọng là làm việc gì thôi bác ạ. Làm ở đâu thuê chỗ ở nơi đó, có sao đâu?".

Mà có lẽ cũng chẳng sao thật.

Vợ chồng Hải cũng đã về hưu. Chỉ hai vợ chồng trong ngôi NV ấy cũng buồn. Suốt ngày Hải lúi húi trồng đi trồng lại cây cảnh hoa lá, xây trát lại cái rìa quanh nhà, chắc cộng vào được 15-20 m2. Không bằng chỗ của mấy bụi chuối trong vườn nhà nó ở quê ngày trước. Dãy biệt thự ấy, lúc đầu nhìn hào nhoáng, giờ thì cũng lại ồn ào, bụi bặm. Mấy hôm vừa rồi Hà Nội tắc chuyện rác. Xe rác ứ đầy trước cửa nhà Hải. Đóng hết mọi cửa kính cũng không chịu nổi mùi. Hải gọi điện rủ tôi đi ngồi quán bia, như một hình thức "sơ tán". Tất nhiên chuyện này là hãn hữu thôi, chúng tôi thậm chí vui là sự cố ứ rác đã cho mình có dịp để bù khú giống khi xưa.

Chúng tôi vừa nhấp bia vừa ngắm phố đông chật những chiếc xe ô tô. Và những người rất trẻ đang vội vã. Tôi chợt nghĩ đến chuyện cả đời bố mẹ Hải làm lụng rồi mãn nguyện yên tâm ra đi khi có một "dinh cơ" để lại cho đứa con. Dinh cơ ấy chẳng bao giờ đứa con cần hưởng. Rồi tôi lại nghĩ có lẽ cái NV của vợ chồng Hải có lẽ cũng chỉ là nơi cậu con trai về trong lúc tưởng nhớ đến cha mẹ. Nghĩ đến chuyện cái vòng quay từ dinh cơ chốn quê đến biệt thự NV bên phố ồn ào bụi bặm là cả một cuộc đời, mà phải là cuộc đời thành đạt, may mắn nữa mới có vòng quay ấy. Nó có ý nghĩa nhiều không nhỉ? Thật tình tôi cũng không thể biết. Chúng ta luôn đo cuộc sống thế hệ sau bằng những thước đo lo lắng của lứa đời mình sống. Có lẽ lo lắng và vun vén dành dụm cho con cái là một quy luật bất biến rồi. Có nghĩa hay vô nghĩa thì cũng chẳng thể nào khác được!.  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top