Tôi có một anh bạn, trước học cơ khí chế tạo máy, trực tiếp đi làm một năm thì chuyển sang phụ trách Đoàn. Sau đó do thuyên chuyển công tác, chúng tôi không gặp lại nhau. Ai ngờ hơn chục năm sau cả hai đứa tìm được nhau ở giữa lòng Hà Nội.
Bạn tôi giờ đã là cán bộ của ngành truyền thông. Hóa ra trước khi yên vị ở cơ quan hiện nay, anh đã lướt qua quãng chục công việc khác: Phụ trách một đoàn đi lao động ở nước ngoài, tư vấn việc làm, quản đốc một phân xưởng may, trợ lý giám đốc, cán bộ tôn giáo... Ngần ấy năm anh cũng cạy cục để có được thêm hai cái bằng, dăm cái chứng chỉ... làm kỷ niệm! Thỉnh thoảng nhớ nghề cũ, cũng là thứ chuyên môn chắc nhất của anh, anh lại vật chiếc xe máy ra chọc ngoáy.
Bạn tôi loanh quanh chỉ làm những việc tẹp nhẹp, nhiều việc có thì thiếu, không có thì thừa cho nên dễ quen và nếu có sai cũng ít gây hậu quả lớn. Mặc dù nghĩ vậy nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn cứ cấn cá: Ngộ nhỡ lúc nào đó hắn gặp vận đỏ, vọt lên làm ở cấp cao hơn, mà chuyên môn láo nháo như vậy, thì bỏ mẹ! Tôi chắc chắn mất toi một thằng bạn chất phác, giỏi nghề cơ khí, còn đất nước có thêm một bố kễnh cái gì cũng biết nhưng chẳng biết rõ cái gì. Nguy hiểm hơn, để loại trước sự coi thường, hắn sẽ chuyên tâm tìm diệt những đứa giỏi hơn mình.
Hóa ra không chỉ trường hợp bạn tôi, mà tình trạng như của bạn tôi đang trở nên phổ biến ở nhiều nơi, nhất là khu vực địa phương. Dường như với ai đó, bất kỳ ai đó có chí làm cán bộ, thì nghề nghiệp chuyên môn – thứ cho anh ta giá trị thực để định danh, định vị, định giá trị của anh ta – luôn chỉ là phương tiện nhất thời giúp anh ta quá độ đến một vị trí khác. Ở vị trí khác này, như những gì đang xảy ra, nghề nghiệp, chuyên môn chẳng còn tí giá trị định danh, định vị nào nữa.
Từ đây trở đi, tiêu chí hàng đầu phải là lòng tận tụy, tận tâm, trung thành với cấp trên, (lạ thay cái phẩm chất tầm gửi này vẫn luôn được đánh giá cao?) cùng với hàng loạt năng lực phi chuyên môn khác. Những năng lực này không đòi hỏi phải học, không cần khổ luyện, không cần tu dưỡng. Từ chỗ trau dồi chuyên môn, anh ta học lối ứng xử khôn ngoan, lựa chiều, sáng tạo ra những câu nịnh hót vừa tai cấp trên, bóp trán chỉ để đón trúng ý cấp trên. Nhiều khi sự lựa chiều này kéo dài một mạch cho tận đến lúc về hưu, tức là cho đến khi hoàn tất một cuộc đời, một sự nghiệp cơ bản là vô tích sự!
Cái cách sử dụng cán bộ không gắn với chuyên môn, không căn cứ vào năng lực thật, mà chỉ dựa vào những lời đầu môi chót lưỡi, chỉ thích những người dễ bảo, dễ sai khiến để tiện bề kéo bè kéo cánh sẽ tất yếu đẻ ra thực trạng trên. Nó tạo ra một loại cán bộ cái gì cũng biết, lĩnh vực nào cũng có thể tham gia, nghề gì cũng đá gà đá vịt được... mà ta gọi là “đa năng”, nhưng thực chất đã tạo ra mảnh đất tốt cho những kẻ lười nhác, cơ hội, tư cách thấp kém… tìm đến.
Thực tế cho thấy chúng ta đã mất rất nhiều chuyên gia, công nhân lành nghề, thợ bậc cao... để được những cán bộ quản lý, điều hành dở ngô, dở ngọng, chỉ giỏi xu nịnh và cứ lù lù chặn bước tiến của người có năng lực cán bộ thực sự. Nó làm hư hỏng bộ máy hành chính, bộ máy công chức. Đây cũng là nguyên nhân chính của buôn bán bằng cấp, chứng chỉ, nạn giả mạo lý lịch, khai man về năng lực, tuổi tác, thành tích. Tất yếu dẫn đến hình thành thị trường mua quan bán tước. Hậu quả tiếp theo là gì thì ai cũng có thể thấy trước.
Theo tôi, quá trình “đa năng” hóa cán bộ cần phải được xem xét lại. Nếu cứ để như tình trạng hiện nay, nếu không nghiêm túc trong khâu tuyển chọn, nếu vẫn chỉ đề cao chức danh, thì “đa năng” của cán bộ đồng nghĩa với “đa họa” cho xã hội?