Aa

Khi tiền nhảy tót lên ngôi đầu

Thứ Tư, 14/08/2019 - 06:30

Chỉ cần bỏ ra một phút thôi, mười giây thôi, chỉ cần nghĩ đến cháu bé vài giây thôi, cái sinh linh bé bỏng và vô tội ấy đã không chết một cách oan uổng.

Nhà văn Đặng Chương Ngạn có một con chó tên là Kẹo. Một ngày xấu trời, Kẹo bị lũ cẩu tặc bắt mất. Ông nhà văn giàu lòng trắc ẩn của chúng ta đã làm hết cách để đi tìm Kẹo ròng rã nhiều ngày trời, như tìm một đứa trẻ lạc. Có thể nói, đổi bao nhiêu tiền để có lại được Kẹo nguyên lành, chắc chắn Đặng Chương Ngạn cũng đổi. Nỗi đau đớn lớn nhất của Đặng Chương Ngạn là ông không thể biết Kẹo chết như thế nào. Mọi chuyện đều có thể xảy ra với con chó nhỏ. Liệu có cơ may nào đó khiến Kẹo chết mà không cảm nhận thấy đau đớn?

Cuối cùng, sau tất cả những gì đã làm vẫn không thể xoa dịu nỗi dằn vặt, ông nhà văn bèn ngồi xuống bàn viết hẳn một cuốn sách về cuộc phiêu lưu có nguyên nhân do bị lạc nhà của Kẹo, dài tới hai trăm trang, với một cái kết thúc đượm màu sắc cổ tích. Vì không phải là vấn đề chính của bài viết, tôi chỉ xin nói một nhận xét nhỏ thế này: Đứa trẻ nào cũng nên đọc cuốn sách Chiếc vòng cổ màu xanh. Thành công của cuốn sách ở chỗ, nó khiến bạn đọc - cả người lớn cũng như trẻ con - khi gấp sách lại cứ bị ám ảnh rằng, trong nỗi rủi ro, tai họa của người khác, luôn có phần trách nhiệm của mình, có phần lỗi của mình.

Có gì đó nhẫn tâm khi tôi viết những dòng này - kể về sự dằn vặt trước cái chết của một con chó - đúng vào lúc xảy ra sự cố đau lòng: Cháu bé sáu tuổi bị bỏ quên trên xe và đã bị tước mất mạng sống, đang làm chảy máu lương tâm xã hội? Thú thực, tôi đã không dám nhìn lâu vào tấm ảnh cháu. Nó vượt quá mọi sức chịu đựng của thần kinh tôi. Không chỉ những người có liên quan trực tiếp chịu trách nhiệm về cái chết đầy bí ẩn và kinh hoàng của cháu; không chỉ trường Gateway phải trả lời pháp luật, trả lời dư luận về cái chết thương tâm của cháu… mà là tất cả chúng ta. Tất cả chúng ta đều ít nhiều là những kẻ tòng phạm.

 Hoa và nến đặt trước cổng trường Gateway để tưởng niệm bé trai xấu số. Ảnh: V.Linh.

Cho dù đã vò nát trán suy nghĩ, tôi cũng không thể tin rằng, một cháu bé sáu tuổi, giữa một môi trường được mặc định là an toàn, lại có thể phải chết “đơn giản” như vậy, “đơn giản” như chúng ta bỏ quên một món đồ trên xe và vì nó nhỏ bé nên không muốn tìm lại? Tại sao trong suốt chín tiếng đồng hồ, không một ai trong số những người ít nhiều liên quan đến cháu bé, số đó là hàng chục, lại có thể quên bẵng một thiên thần nhỏ tuổi? Chỉ cần ai đó trong số hàng chục ấy tự hỏi xem thằng bé mới đến trường được hai hôm đang làm gì? Chắc chắn nó sẽ gặp một vài chuyện đáng được người lớn quan tâm giúp đỡ. Chỉ cần bỏ ra một phút thôi, mười giây thôi, chỉ cần nghĩ đến cháu bé vài giây thôi, cái sinh linh bé bỏng và vô tội ấy đã không chết một cách oan uổng.

Khi đó người lớn chúng ta đang nghĩ gì, làm gì?

Tôi không muốn xát muối vào nỗi đau, không muốn đặt ra trước mắt mọi người thêm những cái giá treo cổ của sự phán xét. Nhưng tôi nhất định phải nói thẳng ra rằng, khi đó chúng ta đang nghĩ đến tiền, đến mánh múng, đến chạy chức chạy quyền, đến quyền lợi mình được hưởng; khi đó chúng ta đang làm mọi cách không phải vì tương lai, mà vì để vụ lợi nhiều hơn cho bản thân, đang lo cho cái chết. 

Không ai cấm các vị làm điều đó. Nhưng nếu chỉ làm vì điều đó, thì cuộc sống này phỏng có ý nghĩa gì để chúng ta phải lao tâm khổ tứ như vậy. Tiền, tiền, tiền, tất cả là do tiền. Nó đã thượng lên ngôi đầu. Nó khiến mỗi người trong số những kẻ chịu trách nhiệm về cái chết của cháu bé chỉ cố gắng làm xong bổn phận, theo mức thù lao mình được nhận. Sòng phẳng và đúng với giao kèo. Lạnh tanh lạnh ngắt và vô tri như đồng tiền vậy.

Bởi chỉ cần một trong số đó - Hiệu trưởng, lái xe, nhân viên đưa đón học sinh, cô giáo chủ nhiệm… nghĩ về tiền ít đi, nghĩ nhiều hơn đến nghĩa vụ đạo đức của mình, cuộc sống của chính các vị đã không vô nghĩa hiển hiện đến như vậy.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top