Aa

Cần cơ chế định rõ trách nhiệm để giải quyết tình trạng thiếu trường học ở các khu công nghiệp

Thứ Ba, 09/05/2023 - 06:12

Theo các chuyên gia, các nhà quản lý, chính quyền các cấp, các doanh nghiệp phải cùng nhau quan tâm và có trách nhiệm để xây dựng các giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng thiếu trường học tại các KCN hiện nay.

LTS: “Thiếu trường học” là cụm từ không mới và thường được nhắc đến mỗi khi các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất vận hành trong những năm gần đây. Đây là bài toán khó đối với các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách và quản lý đô thị làm sao để hài hòa giữa sự phát triển với đảm bảo quyền và lợi ích của người dân, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Trước thực trạng này, ngày 10/3/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 126/CĐ-TTg về việc tập trung kiểm tra, rà soát, đầu tư xây dựng trường học, cơ sở y tế tại các khu đô thị, khu nhà ở, khu dân cư, khu công nghiệp và nhà vệ sinh công cộng tại trường học, đô thị. 

Với mong muốn góp một phần tiếng nói để hiện thực hóa chủ trương trên, Reatimes xin trân trọng gửi tới bạn đọc loạt bài "Hạ tầng giáo dục - Đòn bẩy phát triển các khu đô thị và khu công nghiệp".

Bài 5: Cần cơ chế định rõ trách nhiệm để giải quyết tình trạng thiếu trường học ở các khu công nghiệp

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Thực trạng báo động...

Giáo dục mầm non là cấp học đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, của trẻ em. Tuy nhiên, hiện nay tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) trên cả nước đều đang thiếu trường mầm non cho các con em công nhân.

Trên thực tế, hầu hết công nhân làm việc tại các KCN, KCX đa số là nữ và đều trong độ tuổi trung niên hoặc có con nhỏ. Điều này cho thấy nhu cầu gửi trẻ tại các KCN, KCX là rất lớn, nhưng việc đáp ứng nhu cầu chính đáng đó không hề đơn giản, đây là một thực tế đáng buồn đã diễn ra trong một thời gian dài ở nhiều địa phương trong cả nước.

Khảo sát thực tế cho thấy tại Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, TP.HCM hay Bình Dương, Đồng Nai... là những tỉnh, thành phố có khá nhiều KCN, KCX, khu công nghệ cao với tỷ lệ lao động nữ đều chiếm từ 70% trở lên và phần lớn ở trong độ tuổi từ 18 đến 25... Thế nhưng, theo thống kê trung bình mỗi địa bàn xã, phường có KCN thường chỉ có từ 1 đến 2 trường mầm non công lập, không thể đáp ứng đủ nhu cầu lượng trẻ tới trường.

thiếu trường mầm non công lập
Trung bình mỗi địa bàn xã, phường có KCN thường chỉ có từ 1 đến 2 trường mầm non công lập, không thể đáp ứng đủ nhu cầu lượng trẻ tới trường. (Ảnh minh hoạ: Nguyễn Lạc)

Trao đổi với Reatimes, TS.KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, đây là một thực tế đáng buồn đã diễn ra trong một thời gian dài không riêng gì ở Thủ đô Hà Nội mà còn ở nhiều địa phương khác trên địa bàn cả nước.

"Trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế thông qua phát triển công nghiệp, dịch vụ, quá trình chuyển đổi từ hoạt động nông nghiệp sang hoạt động công nghiệp là biểu hiện của quá trình đô thị hóa của các nước đang phát triển. Có thể nói về bản chất đô thị hóa là một quá trình biến động toàn diện về kinh tế - xã hội, môi trường mang tính tất yếu khách quan, diễn ra rõ nét, sôi động trên phạm vi toàn cầu.

Quá trình đô thị hóa chịu sự tác động của sự phát triển và vận động của lực lượng sản xuất, sự tác động của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật vào quá trình sản xuất xã hội và kèm theo đó là sự phân công lao động xã hội. Về khía cạnh văn hóa thì đô thị hóa là quá trình chuyển đổi văn hóa nông thôn thành văn hóa đô thị (hoặc văn hóa nông nghiệp thành văn hóa công nghiệp). Về khía cạnh kinh tế thì đô thị hóa là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Quá trình đô thị hóa là một tiến trình tất yếu song hành với lịch sử phát triển của tất cả các quốc gia trên thế giới", ông Quảng nói.

ts.kts trương văn quảng, kiến trúc sư trương văn quảng
TS.KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam. Ảnh: Reatimes.vn

Tuy nhiên, theo TS.KTS. Trương Văn Quảng, đô thị hóa cũng có những mặt tiêu cực của nó như:

Một là, sử dụng năng lượng không bền vững trong khi nhu cầu năng lượng và nước toàn cầu dự kiến sẽ tăng 40% và 50%.

Hai là, quản lý chất thải rắn chiếm khoảng phần lớn ngân sách hàng năm của các thành phố ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Ba là, các tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, lũ lụt và hạn hán có thể kết hợp lẫn nhau, làm cho quản lý rủi ro thiên tai trở nên phức tạp hơn.

Bốn là, khu ổ chuột vẫn tiếp tục là một thách thức của các thành phố ở các nước đang phát triển.

Năm là, gia tăng bất bình đẳng trong đô thị như việc làm, nhà ở, nhà trẻ, trường học, bệnh viện cho người lao động.

Sáu là, thể chế và pháp luật không toàn diện.

Bảy là, quản lý đô thị chưa hiệu quả... Điều đó khẳng định các biểu hiện tích cực hoặc tiêu cực của quá trình đô thị hóa là quy luật khách quan, tất yếu trong quá trình phát triển.

“Cần một giải pháp mang tính tổng thể và đồng bộ, trước hết, chính quyền địa phương các nơi cần rà soát, đánh giá mức độ đáp ứng của mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non ở các khu vực KCN, KCX, để có giải pháp cân đối. Đối với việc quy hoạch phát triển các KCN, KCX mới, nên quy hoạch giống như khu đô thị công nghiệp khép kín, trong đó có: khu sản xuất, khu ở cho người lao động, khu trường học, khu y tế,… và những khu này phải có khoảng cách đảm bảo”.

TS.KTS. Trương Văn Quảng - 

Việc ưu tiên quỹ đất để xây dựng nhà ở, các công trình dịch vụ xã hội như nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế, khu dịch vụ thương mại cho con công nhân lao động tại các KCN, KCX từ lâu đã trở thành đề tài nóng bởi đó là nhu cầu thật sự bức thiết và đặc biệt quan trọng. Bởi vậy Điều 194 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, quy định Nhà nước có chính sách giảm tiền thuê lại đất đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường đầu tư trong các cụm công nghiệp và quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh về xác định nhu cầu xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong các cụm công nghiệp là hết sức cần thiết. Đây là tín hiệu đáng mừng cho một quá trình nâng cao chất lượng sống cho người lao động.

Đồng thời, mới đây, công điện số 126/CĐ-TTg của Thủ tướng nêu rõ: Thời gian qua, các cấp, các ngành đã quan tâm đầu tư các công trình giáo dục, y tế tại các khu đô thị, khu nhà ở, khu dân cư, khu công nghiệp và nhà vệ sinh công cộng tại trường học, khu du lịch và đô thị, hình thành các không gian đô thị hiện đại, văn minh, xanh, sạch, đẹp, chất lượng sống của người dân đô thị từng bước được nâng cao.

"Tôi cho rằng, công điện này rất kịp thời đối với tình hình hiện nay và rất phù hợp lòng dân, bởi lực lượng công nhân cũng là nòng cốt đóng góp cho nền kinh tế xã hội. Giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đã được đưa vào diện ưu tiên phát triển. Ðiều này thể hiện sự quan tâm của Ðảng, Chính phủ trước thực trạng khó khăn của giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp trong thời gian qua", ông Quảng nói.

Cần sự hợp lực mang tính đồng bộ

Nhu cầu trường mầm non phục vụ cho con em công nhân lao động tại các KCN hiện nay rất lớn, nhưng vẫn có nhiều vướng mắc về pháp lý hoặc thiếu quỹ đất,... khiến nhiều nơi không thể xây trường.

“Tại những tỉnh phía Nam, đặc biệt là Bình Dương, công nhân lao động chủ yếu từ miền Bắc vào, miền Tây lên, vì vậy buộc họ phải gửi con đi nhà trẻ. Tuy nhiên, có những điểm gửi trẻ rất bé, cơ sở vật chất không đảm bảo, giáo viên không có nhiều kỹ năng chăm sóc, dạy học…”.

- PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội - 

Thứ nhất, vướng mắc ở Nghị định số 36-CP của Chính phủ ban hành ngày 24/4/1997 về quy chế KCN, KCX, khu công nghệ cao quy định: KCN và KCX là khu tập trung các doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống. Do đó, theo quy hoạch được phê duyệt, các khu này đều không có quỹ đất để xây dựng các công trình phục vụ người lao động và việc tìm quỹ đất trong các KCN, KCX để xây dựng trường mầm non là rất khó khăn.

Thứ hai, vẫn có nơi được phê duyệt, được chọn địa điểm xây dựng trường học nhưng chậm triển khai do phải thực hiện nhiều thủ tục pháp lý như điều chỉnh quy hoạch,… hoặc thiếu hụt kinh phí xây dựng.

Để giải quyết những khó khăn, bất cập trong tổ chức chăm sóc, dạy học cho con em công nhân lao động, theo TS.KTS. Trương Văn Quảng, cần một giải pháp mang tính tổng thể trên quan điểm Việt Nam là Nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa, một Nhà nước do dân và vì dân, lấy con người làm trung tâm, chất lượng sống của con người làm trọng tâm.

"Trước hết, chính quyền địa phương các nơi cần rà soát, đánh giá mức độ đáp ứng của mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non ở các khu vực KCN, KCX, nếu thiếu thì phải có giải pháp cân đối, có kế hoạch xây dựng trường lớp đáp ứng nhu cầu của người lao động.

Đối với việc quy hoạch phát triển các KCN, KCX mới, trước khi trình duyệt cần đưa quỹ đất xây dựng trường mầm non vào và phân rõ từng phân khu. Giống như khu đô thị công nghiệp khép kín, trong đó có khu sản xuất, khu ở cho người lao động, khu trường học, khu y tế,… và những khu này phải có khoảng cách đảm bảo. Đồng thời trong quá trình hoạt động phải tăng cường công tác thanh kiểm tra thường xuyên. Trong trường hợp mảnh đất KCN vừa phải hoặc nhỏ thì cần ghép khu ở người lao động vào khu vực dân cư liền kề trong quy hoạch chung của cả khu vực đó", ông Quảng chia sẻ.

khu công nghiệp, cơ sở giáo dục mầm non, khu chế xuất
Cần rà soát lại mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non ở các khu vực KCN, KCX. (Ảnh minh hoạ: Nguyễn Lạc) 

Ngoài ra, cũng cần phải rà soát lại hệ thống văn bản pháp quy để bổ sung hoàn chỉnh, tháo gỡ sự chồng chéo giữa các bộ luật như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở... Các nghị định, thông tư liên quan đến quy hoạch phát triển Khu kinh tế, KCN, KCX, cụm công nghiệp... để đảm bảo khắc phục tình trạng tại các khu vực này thiếu các cơ sở hạ tầng xã hội như nhà ở, trường học (trong đó có nhà trẻ, mẫu giáo), cơ sở y tế, dịch vụ thương mại... Quy định trách nhiệm cho chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, các chủ đầu tư phải đảm bảo thực hiện các thiết chế phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các Khu kinh tế, KCN, KCX, cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật.

TS.KTS. Trương Văn Quảng lấy dẫn chứng, trong khoản 9 Điều 194 Luật Đất đai sửa đổi quy định về đất KCN, KCX, cụm công nghiệp cũng cần làm rõ UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xác định nhu cầu xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong KCN, KCX để tích hợp vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, nông thôn... Việc bố trí quỹ đất dành để xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ công cộng cho công nhân tại KCN, KCX, cụm công nghiệp cũng phải phù hợp với Luật Nhà ở (sửa đổi).

Bên cạnh đó, TS.KTS. Trương Văn Quảng còn cho rằng, việc quy hoạch, xây dựng quản lý phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong Khu kinh tế, KCN, KCX, cụm công nghiệp... đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện tốt như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Nó phản ánh tính đúng đắn trong nhận thức của hệ thống chính trị về một chiến lược đô thị hóa quốc gia có tính khoa học và thực tiễn. Giải quyết tốt vấn đề nhà ở, trường học, cơ sở y tế, dịch vụ trong Khu kinh tế, KCN, KCX, cụm công nghiệp... là việc làm tốt công tác về chính sách xã hội có tính ưu việt đối với người lao động trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa tại Việt Nam./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top