Không thể quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp chung với định giá viên
Tại phiên họp thứ 26 đang diễn ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về nhiều nội dung rất quan trọng, trong đó có Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đặc biệt quan trọng nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định cho ý kiến lần thứ 2, nhằm chuẩn bị bản dự thảo tốt nhất trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Hiện các quy định về định giá đất vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm đóng góp ý kiến của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội.
Chia sẻ với Reatimes, ông Ngô Gia Cường, Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam cho rằng, Điều 162. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức tư vấn định giá đất, đang quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp chung với định giá viên.
“Thực tế, việc quản lý tổ chức hành nghề rất phức tạp và tổ chức tư vấn đòi hỏi có chuyên môn, kiến thức chuyên sâu về thẩm định giá, định giá. Nếu muốn quản lý hành nghề định giá đất, tôi cho là cần phải có cả hệ thống văn bản quy định tương tự như Luật Giá quản lý hoạt động thẩm định giá, với tiêu chuẩn (chuẩn mực) rất phức tạp.
Trong khi đó, mức độ chính xác của hoạt động tư vấn định giá đất phụ thuộc vào trình độ, khả năng của người thực hiện định giá đất cụ thể (định giá viên). Còn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chỉ thực hiện quản lý quy trình định giá đất theo quy định hiện hành, không được can thiệp vào kết quả cũng như quá trình thực hiện nghiệp vụ. Do đó không thể quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp chung với định giá viên”, ông Ngô Gia Cường phân tích.
Do đó, đề nghị Dự thảo Luật tách thành quyền và nghĩa vụ của định giá viên và tổ chức tư vấn tương tự như thẩm định giá. Đồng thời tham khảo quy định về quản lý hoạt động thẩm định giá nêu trong Luật Giá năm 2023 mới được thông qua cho phù hợp với thực tế.
Bên cạnh đó, tiết h, Khoản 2 quy định, tổ chức tư vấn “Có trách nhiệm thực hiện tư vấn xác định, thẩm định giá đất cụ thể; cử đại diện tham gia Hội đồng thẩm định bảng giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Song, theo ông Ngô Gia Cường, thực tế, tổ chức tư vấn hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, theo nguyên tắc bù đắp chi phí và có lãi, việc quy định trách nhiệm như vậy cần xác định rõ hình thức tham gia theo Hợp đồng hay theo yêu cầu của Luật và chi phí như thế nào.
Đây cũng là vấn đề PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ đặt ra: Dự thảo luật cũng cần quy định rõ là thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá theo cơ chế nào; chỉ định, lựa chọn theo danh sách hay thông qua cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà tư vấn thẩm định giá?
Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu, quy định rõ, khi dự thảo luật quy định cả hai công đoạn định giá và thẩm định giá, các cơ quan nhà nước, hội đồng thẩm định đều thuê tổ chức có chức năng tư vấn định giá để tư vấn, giúp việc.
“Trường hợp hội đồng thẩm định không chấp nhận giá của tổ chức tư vấn thì hệ quả pháp lý sẽ như thế nào? Trách nhiệm của tổ chức tư vấn ra sao?”, PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ băn khoăn.
Ngoài ra, PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ đề nghị tăng thành viên độc lập là các chuyên gia về giá cả và đất đai để bảo đảm tính chuyên môn, chuyên nghiệp của hội đồng thẩm định.
Cần quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý hoạt động hành nghề định giá đất
Để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, và nhất là giải quyết thủ tục lựa chọn nhà thầu tư vấn trong trường hợp không thực hiện đấu thầu theo Luật Đấu thầu (nhằm giảm thời gian xác định giá đất đang quy định tối đa, theo ý 2 khoản 4 Điều 155, trong trường hợp UBND cấp có thẩm quyền không kịp thời ban hành quyết định trong thời gian 180 ngày, do thực tế có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến phát sinh chậm thực hiện), ông Ngô Gia Cường đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền quản lý hoạt động hành nghề định giá đất, ban hành bảng giá dịch vụ định giá đất, hình thức lựa chọn tổ chức tư vấn.
Theo ông Ngô Gia Cường, hiện nay nhiều cơ quan thuê tư vấn định giá áp dụng theo Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu được chỉ định thầu đối với gói thầu có giá trị đến 50 triệu đồng.
Tuy nhiên, hợp đồng tư vấn có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên không có quy định cụ thể và giá dịch vụ trên 100 triệu đồng phải đấu thầu dẫn đến kéo dài thời gian.
Thực tế, rất nhiều cơ quan áp dụng quy định của Thông tư số 58/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hiện đang quy định hoạt động thẩm định giá là phi tư vấn.
“Do đó, cần thiết xác định hoạt động tư vấn định giá đất là hoạt động tư vấn để có thể thực hiện chỉ định thầu rút gọn theo Luật Đấu thầu, khi giá trị gói thầu dưới 500 triệu, nhằm đảm bảo được thời gian thực hiện tư vấn định giá đất đến khâu ban hành được quyết định giá đất”, ông Cường đề xuất./.