Aa

Hết sức tránh việc lợi dụng chính sách đất đai để trục lợi

Thứ Năm, 31/08/2023 - 14:00

Để khai thác tối đa giá trị của đất đai, việc quy định linh hoạt mục đích sử dụng đất hay chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp là rất quan trọng, song hết sức tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi từ đất đai.

Còn rất nhiều vấn đề lớn tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần hết sức khẩn trương thống nhất, để kịp thời thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Trong đó, có việc cân nhắc quy định sao cho việc quy hoạch mục đích sử dụng đất được linh hoạt, đồng thời có chế tài đủ mạnh để chống đầu cơ và trục lợi từ đất đai.

Việc quy hoạch mục đích sử dụng đất còn cứng nhắc

Đây là ý kiến của đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách hôm 30/8. Thời gian qua, việc đất chỉ được quy hoạch ở một mục đích dẫn đến rất cứng nhắc khi sử dụng, rất mất thời gian nếu muốn thay đổi hoặc khai thác các giá trị khác của đất.

Do đó, đối với Điều 60 về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu đề nghị bổ sung một khoản quy định một khu đất được quy hoạch có thể sử dụng cho nhiều mục đích, trong đó có mục đích phục vụ cho công tác thống kê, kiểm kê. Các mục đích khác phù hợp nhằm giúp Nhà nước thuận lợi trong bố trí sử dụng và tạo điều kiện cho người sử dụng đất, chủ động, linh hoạt trong sử dụng đất, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của đất.

Về quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện ở Điều 65, 66, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị quy định việc phân bổ chỉ tiêu các loại đất trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia cho cấp tỉnh không nên quá chi tiết các loại đất như dự thảo Luật. Mà chỉ cần xác định một số loại đất do Trung ương quản lý, phục vụ chung cho quốc gia, như đất an ninh quốc phòng, đất xây dựng các công trình, trụ sở của các cơ quan trực thuộc Trung ương, đất xây dựng các công trình công cộng cấp quốc gia, đất cho an ninh lương thực quốc gia.

Đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: quochoi.vn)

Bên cạnh đó, việc phân bổ chỉ tiêu đất đai của cấp tỉnh cho cấp huyện cũng chỉ nên xác định một số chỉ tiêu, gồm các chỉ tiêu quốc gia phân bổ cho tỉnh và các chỉ tiêu cấp tỉnh phân bổ cho huyện. Sau đó, giao việc xác định các chỉ tiêu đất còn lại cho địa phương cấp dưới lập quy hoạch phù hợp với thực tế, thì sẽ sát sườn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường hiệu quả quản lý sử dụng đất ở địa phương hơn.

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định, tinh thần sửa đổi luật là bám sát theo Nghị quyết 18 của Trung ương. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, đối với quy hoạch đất quốc gia chỉ đưa các chỉ tiêu chính, như đất rừng, đất lúa, đất quốc phòng, an ninh.

Về thẩm quyền của các địa phương trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Nghị quyết của Quốc hội giao địa phương chuyển đổi và trong Luật Đất đai đã phân cấp với địa phương.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về quy hoạch sử dụng đất quốc gia, các cơ quan thống nhất theo nguyên tắc có những chỉ tiêu loại đất cần phải quản lý chặt chẽ như đất lúa, đất rừng, đất quốc phòng an ninh để bảo đảm an ninh lương thực và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh. Các chỉ tiêu khác có thể giao xuống cho quy hoạch sử dụng đất cấp thấp hơn.

Về kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, một số đại biểu cũng cho rằng không cần thiết. Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh lý giải, đây là nội dung phải được thể chế hóa theo Nghị quyết 18-NQ//TW về có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện. Ủy ban Kinh tế sẽ nghiên cứu những vướng mắc liên quan đến quy hoạch sử dụng đất cấp huyện mà đại biểu đã nêu để có hướng xử lý trong Luật, đảm bảo quy hoạch này đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ủng hộ việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp nhưng hết sức tránh trục lợi chính sách

Quan tâm đến nội dung quy định về chính sách mới liên quan đến tập trung tích tụ đất đai, đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, những quy định tại dự thảo luật đã phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Đồng thời, phù hợp với bối cảnh hiện nay, góp phần thúc đẩy việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, theo hướng tập trung, quy mô lớn.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.(Ảnh: quochoi.vn)

Cụ thể, khoản 6 Điều 45 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận. Phương án sử dụng đất nông nghiệp phải thể hiện các nội dung: địa điểm, diện tích, mục đích sử dụng đất; kế hoạch sản xuất kinh doanh nông nghiệp; vốn đầu tư; thời hạn sử dụng đất; tiến độ sử dụng đất. Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng lúa phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa theo quy định tại khoản này.

Tuy nhiên, đây là nội dung lớn, nhạy cảm nên cần đánh giá thật kỹ những tác động của chính sách, quy định cụ thể, nhằm bảo đảm việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đồng thời, có kèm theo điều kiện quy định cụ thể, kiểm soát việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sau khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tránh việc lợi dụng chính sách thu gom đất lúa để đầu cơ.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, dự thảo đã quy định cụ thể, thận trọng, tránh lợi dụng chính sách khi nhận chuyển nhượng đất lúa.(Ảnh minh họa: VietNamNet)

Về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đồng tình, việc mở động đối tượng để tích tụ ruộng đất sản xuất nông nghiệp quy mô lớn là rất quan trọng. Song, cần cân nhắc việc cho phép mở rộng đối tượng được chuyển quyền sử dụng đất mà không trực tiếp canh tác, sản xuất. Bởi thực tế có nhiều cá nhân lợi dụng chính sách này để đầu cơ, gây khó khăn cho những tổ chức có tâm huyết phát triển nông nghiệp.

Trước quan ngại trục lợi chính sách của các đại biểu về quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế dự kiến sẽ nghiên cứu để chỉnh lý dự thảo Luật, bổ sung quy định về việc yêu cầu thành lập doanh nghiệp, có phương án sản xuất kinh doanh phù hợp để cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hay có đề xuất bổ sung thêm là phải có dự án đầu tư, đồng thời có chế tài để chống chuyển đổi sai mục đích sử dụng đất lúa.

Còn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định, dự thảo đã quy định cụ thể, thận trọng, tránh lợi dụng chính sách.

Đồng thời, Bộ trưởng nhấn mạnh Luật Đất đai là luật đồ sộ, ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội của đất nước cũng như đời sống của nhân dân, nên Bộ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng các nội dung đưa vào luật. Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top