Ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng cho toàn hệ thống thêm khoảng 1,5 - 2%. Các chuyên gia nhận định, đây là những giải pháp linh hoạt, bám sát diễn biến của lạm phát để xây dựng chỉ tiêu định hướng và các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài tín hiệu lạc quan này, doanh nghiệp vẫn đang xoay xở trước áp lực đáo hạn trái phiếu. Gần đây, một số công ty địa ốc đề xuất phương án gia hạn, hợp tác đầu tư hoặc chuyển đổi tài sản với nhiều ưu đãi nhằm tháo gỡ khó khăn cho vấn đề đáo hạn trái phiếu. Song vẫn cần Chính phủ, các cơ quan chức năng triển khai thêm các giải pháp khơi thông dòng vốn trung và dài hạn, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng.
Nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng là tín hiệu tốt
Trao đổi với Reatimes, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc tăng trưởng tín dụng lần này là sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất tăng trưởng và phát triển trong thời gian cuối năm 2022, gối đầu 2023 để hoàn thành kế hoạch mục tiêu đề ra. Việc nới room tín dụng đợt này chủ yếu hướng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, khi hoạt động cho vay tăng trưởng thì doanh nghiệp có nguồn vốn để mua nguyên vật liệu, trả lương công nhân, thực hiện hợp đồng đã ký kết trong dịp từ nay đến Tết âm lịch.
“Như Ngân hàng Nhà nước đã nêu rõ và yêu cầu các ngân hàng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ và các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, chúng ta rất hy vọng việc tăng trưởng tín dụng này sẽ đi đúng hướng, kiểm soát tốt rủi ro tín dụng và giữ tỷ lệ nợ xấu ở mức độ thấp”, ông Thịnh nói.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá, nhu cầu vốn cuối năm đều rất lớn ở tất cả các lĩnh vực, vậy cần phân bổ cho vay như thế nào, làm sao để từng đồng cho vay hiệu quả, tránh rủi ro nợ xấu là điều các ngân hàng phải cân nhắc kỹ lưỡng. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ theo như chỉ đạo của Thủ tướng là thận trọng, an toàn, linh hoạt và hiệu quả. Để kiểm soát nợ xấu, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc tăng trưởng tín dụng này sẽ phải đi đúng hướng, vào các nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên đúng như chỉ đạo của Chính phủ.
"Việc nới room tín dụng sẽ có một phần cho vay đối với các hộ gia đình, cá nhân muốn mua nhà, cho vay tiêu dùng, và phần nhỏ cho một số dự án bất động sản chuẩn bị hoàn thành nhằm tăng nguồn cung cho thị trường. Các ngân hàng cũng sẽ xem xét mức độ tín dụng bất động sản một cách linh hoạt, xét đến tính khả thi của từng dự án, trong đó cần cung cấp vốn vay cho người có nhu cầu ở thực", ông Thịnh nêu quan điểm.
Bên cạnh sự lạc quan về tình hình tín dụng, nhiều chuyên gia nhận định, việc trả nợ trái phiếu doanh nghiệp lúc này vẫn đang là thách thức rất lớn cần xử lý ngay. Dẫn số liệu từ Bộ Tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, lũy kế 10 tháng của năm 2022, thị trường có 23 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng với giá trị 10.599 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 413 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 240.761 tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành). So với cùng kỳ năm trước, giá trị trái phiếu phát hành ra công chúng đã giảm 56% và giá trị phát hành riêng lẻ giảm 51%, trong đó nhóm ngành bất động sản chiếm 21,5% tổng giá trị phát hành, giảm mạnh 67% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguồn vốn suy giảm mạnh trong năm nay khiến nhiều doanh nghiệp đang phải xoay xở để thực hiện trách nhiệm thanh toán với các trái chủ khi kỳ hạn thanh toán trái phiếu đã đến hạn, theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, gần đây nhiều công ty địa ốc đề xuất phương án gia hạn, hợp tác đầu tư hoặc chuyển đổi tài sản với nhiều ưu đãi nhằm tháo gỡ khó khăn. Đơn cử, một đơn vị bất động sản phía Nam đang đề xuất các phương án, như sử dụng giá trị trái phiếu đang nắm giữ để mua bất động sản của đơn vị này, với quyền tự do chuyển nhượng, hoặc gia hạn thanh toán trái phiếu thêm 24 tháng, lãi suất 12%/năm với kỳ thanh toán không thay đổi.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, xét trên góc độ kinh tế, những đề xuất thương lượng của doanh nghiệp vẫn mang lại lợi ích và đảm bảo tài sản cho trái chủ. Các giải pháp trên sẽ dễ dàng được chấp thuận hơn khi doanh nghiệp và trái chủ thương lượng các điều khoản phù hợp.
Các chuyên gia đánh giá cao nỗ lực xoay xở của các doanh nghiệp và chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước. Song, để giải tỏa được áp lực dòng vốn và đáo hạn trái phiếu cũng như bình ổn thị trường, vẫn cần thêm những thông điệp hỗ trợ và chủ trương, chính sách từ phía cơ quan quản lý.
Bình luận về về động thái cấp tiếp hạn mức tăng trưởng tín dụng 1,5 - 2% của Ngân hàng Nhà nước, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, Kinh tế Trưởng BIDV cho biết, trước bối cảnh áp lực lạm phát, lãi suất và tỷ giá trong nước và trên thế giới đã dịu bớt khá nhiều; thanh khoản hệ thống ngân hàng đã tốt lên với việc tiền gửi của dân cư tăng trở lại và nhu cầu vốn để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh, thanh khoản cuối năm của doanh nghiệp và người dân rất lớn, do đó Ngân hàng Nhà nước quyết định cấp tiếp hạn mức tăng trưởng tín dụng 1,5 - 2% vào lúc này.
Theo TS. Cấn Văn Lực, việc cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ tác động không đáng kể đến lạm phát do lượng vốn tín dụng tăng thêm khoảng gần 200.000 tỷ đồng, sẽ hấp thụ nhanh và đáp ứng các nhu cầu thiết thực đối với dự án, công trình dở dang, người vay mua nhà, các hợp đồng xuất nhập khẩu và các khoản nợ đến hạn...
"Việc cấp tiếp hạn mức tín dụng sẽ góp phần giải tỏa một phần nhu cầu vốn cuối năm của doanh nghiệp và người dân; hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định thị trường và ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng cuối năm và đầu năm tới", ông Lực nêu.
Chung tay giải tỏa áp lực dòng vốn cho doanh nghiệp
Trước động thái cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, TS. Cấn Văn Lực cũng đưa các lưu ý và khuyến nghị. Trước hết, các tổ chức tín dụng cần chủ động cân đối nguồn vốn huy động, đảm bảo thanh khoản, đảm bảo chất lượng và hiệu quả tín dụng; các bộ, ngành địa phương đẩy nhanh, hiệu quả giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi 2022 - 2023 nhằm giảm áp lực nhu cầu vốn tín dụng ngân hàng, giảm nợ đọng xây dựng cơ bản giữa các doanh nghiệp, tăng tính lan tỏa và tạo động lực tăng trưởng trước mắt và lâu dài.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo khoanh vùng, giải quyết nhanh, dứt điểm những vụ việc vi phạm trên thị trường vốn vừa qua, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, lấy lại niềm tin của thị trường, người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, TS. Cấn Văn Lực cũng mong muốn Bộ Tài chính sẽ khơi thông mạnh mẽ kênh dẫn vốn từ trái phiếu doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp thanh toán nợ đáo hạn.
Cùng bàn về kênh trái phiếu doanh nghiệp, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc ổn định và phát triển thị trường này, trong đó có việc đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư là vô cùng quan trọng, nhưng mấu chốt vẫn cần tạo điều kiện giúp doanh nghiệp xử lý vấn đề đáo hạn trái phiếu.
"Việc chú trọng bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư như Nghị định 65 là quan trọng và cần thiết, tuy nhiên phải xác định đây là hợp đồng dân sự giữa doanh nghiệp với nhà đầu tư. Do đó, các điều khoản của Nghị định nên vừa phải chứ đến mức doanh nghiệp không thể phát hành trái phiếu được thì cần sớm điều chỉnh.
Cần xác định đây là thị trường tiềm năng đối với nhà phát hành lẫn nhà đầu tư và việc xử lý thị trường trái phiếu cần chú ý đến niềm tin của các trái chủ đối với thị trường. Việc chung tay của Nhà nước trong quản lý phát hành là cần thiết, song, rõ ràng việc quyết định mua hay không mua, lãi suất và độ an toàn của trái phiếu như thế nào phải do nhà đầu tư tự xem xét quyết định. Nghị định 65 chú trọng bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư là rất tốt, nhưng Nghị định này đang quá chặt chẽ thì rất khó cho doanh nghiệp huy động vốn", ông Thịnh nói.
Ngoài ra, để giữ được niềm tin của nhà đầu tư trong thời điểm hiện tại, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, điều tiên quyết là các doanh nghiệp phát hành phải tìm cách bố trí nguồn vốn để trả nợ vay cho trái chủ đúng thời hạn. Nếu không, doanh nghiệp phải xem xét đẩy mạnh khả năng tiếp tục phát hành trái phiếu đảo nợ như Nghị định 65 đã cho phép. Trong trường hợp không phát hành được trái phiếu thì doanh nghiệp cần chủ động liên hệ trước với trái chủ để đàm phán. Nếu trái chủ cảm thấy doanh nghiệp có phương án tốt, kế hoạch đầu tư tốt, vấn đề tài chính tốt và sòng phẳng, với mức lãi suất phù hợp với thị trường hiện tại nhưng cũng không quá khả năng của doanh nghiệp, thì họ có thể đồng ý gia hạn trái phiếu.
Nếu không đàm phán được với trái chủ, doanh nghiệp phải tìm cách chuyển hóa trái phiếu thành cổ phần. Đây cũng là phương án tốt vì nhà đầu tư sau này sẽ được hưởng lợi ích từ sự hồi phục và phát triển của doanh nghiệp. Cuối cùng, doanh nghiệp buộc phải tính đến phương án bán những tài sản bảo đảm để trả nợ cho trái chủ và giữ uy tín, tên tuổi của mình.
Tuy nhiên, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng nêu, khi doanh nghiệp làm thủ tục xin phá sản, mặc dù là đối tượng được ưu tiên thanh toán, nhưng nhà đầu tư vẫn phải theo thứ tự ưu tiên, có khi sẽ không đảm bảo lợi ích đến cùng. Do đó, nếu trái chủ thiện chí hợp tác với doanh nghiệp để cùng phục hồi và phát triển thì sẽ thuận lợi hơn.
Ngoài ra, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng nêu thêm phương án, với vai trò thiết kế khuôn khổ pháp lý, giám sát quá trình phát hành trái phiếu để doanh nghiệp thực hiện đúng chính sách, trong điều kiện một số doanh nghiệp đang khó khăn, Chính phủ có thể giao nhiệm vụ cho cơ quan chuyên môn có thẩm quyền mua lại trái phiếu của một số doanh nghiệp.
“Việc mua lại có thể thông qua Ủy ban quản lý vốn Nhà nước hoặc cơ chế khác, trong một thời hạn nhất định, nếu đáp ứng được các điều kiện đặt ra như có tài chính tốt, có tài sản đảm bảo và khả năng trả nợ tốt… Sau khi doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh thì có thể bán lại trái phiếu cho doanh nghiệp với lãi suất cao hơn”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nói./.