Aa

Cẩn trọng khi làm bãi đỗ xe ngầm ở công viên

Chủ Nhật, 16/06/2019 - 14:01

Cẩn trọng khi làm bãi đỗ xe ngầm ở công viên; Cảnh giác chiêu lừa bán đất nền; Bộ Xây dựng “tuýt còi” Khánh Hòa về dự án nhà ở hơn 30ha không đấu thầu... là những tin tức nổi bật 24h qua.

Cẩn trọng khi làm bãi đỗ xe ngầm ở công viên

Theo Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được HÐND thành phố Hà Nội thông qua ngày 5/12/2018, trong phạm vi đô thị trung tâm, quy hoạch 1.480 vị trí bãi đỗ xe công cộng, diện tích gần 1.200ha; trong đó có 74 vị trí xây dựng bãi đỗ xe ngầm, 450 bãi đỗ xe cao tầng, còn lại là các bãi đỗ xe mặt đất…

TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông nhận định, lâu nay Hà Nội mới chỉ tập trung lo cho đường sá mà bỏ quên quy hoạch bãi đỗ xe. Nhiều vị trí đáng lẽ phải dành cho bãi đỗ xe lại biến thành dự án bất động sản, kinh doanh nên mới thiếu điểm đỗ xe trầm trọng.

TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia cho rằng: “Tại sao thế giới không làm nhiều bãi đỗ xe ngầm, bởi chi phí xã hội để khai thác, vận hành rất lớn, nếu quy hoạch hạ tầng tốt thì làm bãi đỗ xe trên mặt đất không tốn kém, đạt hiệu quả cao hơn.

Công viên Cầu Giấy nhìn trên cao (Ảnh: Thành Long)

Công viên Cầu Giấy nhìn trên cao (Ảnh: Thành Long)

Bãi đỗ xe ngầm là cần thiết nhưng nên làm ở một số vị trí nhất định, phải có kết nối với các loại hình vận tải khác. Hà Nội không thiếu đất, nếu không khéo, các bãi đỗ xe ngầm lại mọc lên như nấm, sẽ quay trở lại hệ lụy ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”.

Cách quy hoạch đô thị hiện nay của nước ta tương đối giống với các nước cách đây gần nửa thế kỷ. Các đô thị căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xác định nhu cầu vận tải, đi lại, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông... cộng lại thành con số đầu tư khổng lồ, không biết lấy tiền ở đâu, nên phương án quy hoạch không khả thi. Giải quyết bài toán ùn tắc, các quốc gia phát triển nhận thấy, càng xây thêm nhiều đường thì lúc đầu giảm ùn tắc, nhưng lại kích thích người dân mua phương tiện và quay trở lại ùn tắc, trở thành cái vòng luẩn quẩn.

Vì thế, các quốc gia chuyển sang quy hoạch hợp nhất phát triển đô thị hỗ trợ vận tải công cộng. Khi quy hoạch đô thị, đã tính luôn nhu cầu cần thiết trong xã hội, có phương án đáp ứng theo hướng để người dân sử dụng vận tải công cộng hay vận tải phi cơ giới thuận tiện, quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đi trước để hướng tới mô hình hợp lý, bền vững, tích hợp hỗ trợ hệ thống vận tải công cộng, giảm sử dụng xe cá nhân.

“Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tích hợp hỗ trợ hệ thống vận tải công cộng, nhưng hiện chưa thấy có quy hoạch nào, nếu làm muộn sẽ phải trả giá rất lớn”, TS Trần Hữu Minh đánh giá.

Xem chi tiết tại đây.

Cảnh giác chiêu lừa bán đất nền

Ngoài chiêu hứa hẹn lợi nhuận hấp dẫn, một số công ty còn đánh vào tâm lý đám đông, gài chim mồi, hô hào khẩu hiệu không nhanh thì hết, xuống tiền cọc ảo, cho nhiều người giả tranh giành suất đầu tư… làm không ít khách hàng đi xem đất dễ bị cảm giác đám đông tác động mà xuống tiền mua ngay. Một khi đã xuống tiền, việc lấy lại hay chấm dứt suất đầu tư là rất khó vì phía công ty cố tình kéo dài thủ tục hoàn trả. Nhiều HĐ còn mập mờ các khoản chi phí, bồi hoàn mà khách hàng chưa tìm hiểu kỹ đã bị thúc giục ký vội. 

Tinh vi hơn, một số đối tượng còn trộm tên, bản vẽ quy hoạch của một dự án khác, lợi dụng công nghệ để làm giả toàn bộ giấy phép, hồ sơ phê duyệt rồi tổ chức cho người mua đi xem thực tế và bán với giá rẻ hơn thị trường. Hầu hết người mua đều không nghĩ đến việc đi kiểm chứng lại giấy tờ tại các cơ quan chức năng nên rất dễ mắc bẫy, đến khi thanh toán gần xong mới phát hiện bị lừa thì khả năng đòi lại tiền gần như vô vọng.  

Người mua nên thận trọng trước các quảng cáo rao bán đất nền giá rẻ. Ảnh: NLĐ

Người mua nên thận trọng trước các quảng cáo rao bán đất nền giá rẻ. Ảnh: NLĐ

Việc bán không đúng với hiện trạng giấy tờ đất, mang đất nông nghiệp, đất ruộng ra phân lô bán nền như dự án cũng diễn ra khá nhiều. Một khi đã xuống tiền, người mua rất khó để thu hồi vốn hay kiện cáo bồi thường vì các giao dịch chủ yếu ở dạng đặt cọc, hứa mua hứa bán, hay góp vốn với những điều khoản bất lợi cho người mua.

Để không dính “bẫy”, người mua cần hết sức cảnh giác với những lô đất rẻ hơn giá thị trường hoặc hứa hẹn có lợi nhuận cao. Đồng thời phải đối chiếu thông tin, kiểm tra kỹ lưỡng sổ sách, các yếu tố pháp lý dự án, thông tin chủ đầu tư tại các cơ quan chức năng như Sở địa chính phường, quận, Sở xây dựng.

Xem chi tiết tại đây.

Bộ Xây dựng “tuýt còi” Khánh Hòa về dự án nhà ở hơn 30ha không đấu thầu

Bộ Xây dựng vừa có công văn phúc đáp Bộ Công an về việc cho ý kiến đối với các văn bản của UBND tỉnh Khánh Hòa và các sở, ban, ngành tỉnh Khánh Hòa ban hành tại dự án Khu đô thị Hòn Thị, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, trong đó có những văn bản liên quan đến lĩnh vực Nhà ở.

Về việc này, Bộ Xây dựng cho biết, theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hoà, ngày 28/11/2014, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 3247/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Khu dân cư Hòn Thị với quy mô diện tích khoảng 29,9ha.   

Đến ngày 29/02/2016, UBND tỉnh Khánh Hòa có Văn bản số 1231 công nhận Công ty TNHH khai thác đá Hòn Thị (Công ty gồm 02 thành viên góp vốn thành lập là Công ty Powerscreen Indo-China Limited và Công ty CP Cảnh nước) được làm chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Hòn Thị.

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng về trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Hòn Thị của Khánh Hòa là không đúng với quy định của pháp luật.

Qua nghiên cứu, đối chiếu với văn bản số 78/UBND-XDNĐ ngày 8/3/2019 của UBND tỉnh Khánh Hòa báo cáo, Bộ Xây dựng dẫn ra quy định tại Khoản 1, điều 18 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP: Trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất để xây dựng nhà ở thương mại thì thực hiện lựa chọn chủ đầu tư thông qua hình thức: Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đấu giá đối với khu vực đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu đối với khu vực chưa thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 22 của Luật Nhà ở năm 2014 và Khoản 2, Điều 18, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ, trường hợp nhà đầu tư có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 21 của Luật Nhà ở, đồng thời có quyền sử dụng đất ở hợp pháp theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 4 Điều 23 của Luật Nhà ở thì được chỉ định làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại trên khu đất đó.

Từ những dẫn chứng trên, Bộ Xây dựng khẳng định, tỉnh Khánh Hoà thực hiện công nhận chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Hòn Thị cho Công ty TNHH khai thác đá Hòn Thị tại thời điểm Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực thi hành mà không thông qua thủ tục đấu giá, đấu thầu là không đúng với quy định của pháp luật về nhà ở.

Xem chi tiết tại đây.

Lý giải nguyên nhân căn hộ tái định cư vắng bóng người ở

Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có nhiều dự án tái định cư (TĐC) nhằm giúp những hộ dân nằm trong các khu vực giải toả có chốn an cư vẫn luôn trong tình trạng thưa thớt, vắng bóng người ở.

Cụ thể, trên địa bàn huyện Bình Chánh có dự án chung cư tái định cư Vĩnh Lộc B với diện tích hơn 30ha. Nơi đây được hy vọng là nơi ở của hàng nghìn hộ dân nằm trong diện giải tỏa khu vực kênh Tham Lương và một số chương trình chỉnh trang đô thị của TP.HCM. Tuy vậy, khu tái định cư này hiện còn trống nhiều căn hộ vắng bóng người ở, có dấu hiệu xuống cấp khi xuất hiện những sụt lún, vết nứt vách.

Chung cư Vĩnh Lộc B là khu tái định cư của hàng nghìn hộ dân nằm trong diện giải tỏa khu vực kênh Tham Lương và một số chương trình chỉnh trang đô thị của TP.HCM.

Chung cư Vĩnh Lộc B là khu tái định cư của hàng nghìn hộ dân nằm trong diện giải tỏa khu vực kênh Tham Lương và một số chương trình chỉnh trang đô thị của TP.HCM.

Được biết, khu tái định cư Vĩnh Lộc B có vốn đầu tư 1.062 tỷ đồng, chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2011. Dự án gồm 45 lô chung cư với gần 2.000 căn hộ và 559 nền đất. Tuy vậy, đã nhiều năm trôi qua, toàn khu chỉ có vài trăm hộ dọn về ở, số còn lại vẫn nằm chờ. Nguyên nhân chính được lý giải là do, khu chung cư này nằm khá xa trung tâm, đường đi lại bất tiện khiến nhiều người không mặn mà.

Không chỉ khu tái định cư Vĩnh Lộc B vắng bóng người ở vì quá xa trung tâm, khu tái định cư Bình Khánh (toạ lạc phường Bình Khánh, quận 2) nằm sát quận 1 với diện tích 38,4ha, thuộc chương trình 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Dự án có ba khu, gồm khu 30,2 ha Bình Khánh có 4.216 căn hộ, khu 38,4 ha Bình Khánh có 6.220 căn hộ, khu 17,3 ha An Phú - Bình Khánh có 1.844 căn) cũng rơi vào cảnh đìu hiu.

Chung cư tái định cư Bình Khánh được hoàn thiện và đưa người dân vào ở vào năm 2015. Tuy vậy, có rất ít người dân được bố trí tái định cư ở trong các căn hộ này. Mà thay vào đó là các căn hộ bị mua đi bán lại hoặc cho thuê mà chủ sở hữu là các nhà đầu tư chứ không phải người dân nằm trong diện tái định cư.

Xem chi tiết tại đây.

Thu hồi 53 căn hộ nhà ở xã hội mua bán trái phép

Ngày 14/6, UBND tỉnh Bình Định cho biết đã chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND TP.Quy Nhơn phối hợp với đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý các vi phạm trong việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội (NƠXH) tại chung cư Phú Mỹ và cao ốc Long Thịnh (ở TP.Quy Nhơn, Bình Định).

Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, tháng 9.2018, các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, phát hiện tại dự án chung cư nhà thu nhập thấp - cao ốc Long Thịnh (ảnh, do Công ty CP đầu tư và kinh doanh vật liệu xây dựng FICO làm chủ đầu tư) có 77 căn hộ chuyển nhượng sai quy định (chuyển nhượng cho bên thứ 3), 85 căn cho thuê hoặc cho mượn để ở và 101 căn chưa tiếp cận được người sử dụng.

Tại dự án NƠXH Phú Mỹ - Quy Nhơn (do Công ty TNHH đầu tư xây dựng Phú Mỹ - Quy Nhơn làm chủ đầu tư) vào thời điểm tháng 9.2018 có 53 căn hộ chuyển nhượng trái phép, 57 căn cho người khác thuê hoặc mượn để ở và 21 căn chưa tiếp cận được người sử dụng. Sau đó, chủ đầu tư đã thu hồi 53 căn hộ chuyển nhượng trái phép để xét duyệt bán lại cho người sử dụng khác theo đúng quy định.

Xem chi tiết tại đây.

Hà Nội bêu tên nhiều doanh nghiệp bất động sản nợ thuế

Trong đó, 129 đơn vị công khai lần đầu với số nợ 57,34 tỷ đồng thuế phí và công khai lại 65 đơn vị với con số nợ là 239,3 tỷ đồng.

Tại danh sách công khai lần đầu tính đến ngày 30/4, Công ty CP Xây lắp điện đứng đầu danh sách với số nợ 3,57 tỷ đồng. Tiếp đó là Công ty CP Công trình giao thông Thăng Long với số nợ 3,48 tỷ đồng; Công ty TNHH xây dựng phát triển hạ tầng Tân Hưng nợ 2,93 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Việt Nhật nợ 2,782 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư Thương mại Hà Thăng nợ 2,124 tỷ đồng; Công ty TNHH Tân Nhật Linh nợ 1,979 tỷ đồng;…

Tại danh sách công khai lại gồm các đơn vị nợ thuế đã được Cục Thuế thực hiện công khai vào những năm trước, Công ty CP Constrexim - Đầu tư và xây lắp cao tầng nợ 13,4 tỷ đồng; Công ty TNHH Niềm tin nợ 12,5 tỷ đồng…

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top