Aa

Cảnh báo cơn sốt đất mới vùng ven đặc khu

Thứ Sáu, 15/06/2018 - 14:01

Cảnh báo cơn sốt đất mới vùng ven đặc khu; Thêm một nghi án “bán” đất công giá bèo ở TP.HCM; Tiêu thụ tăng trưởng mạnh, doanh nghiệp xi măng sẽ “thoát hiểm”?; Sau mương Nghĩa Đô, Hà Nội sẽ cưỡng chế công trình "xẻ thịt" mương Phan Kế Bính;... là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Cảnh báo cơn sốt đất mới vùng ven đặc khu

Đầu tháng 6 vừa qua, UBND TP Tuy Hòa, Phú Yên bán đấu giá quyền sử dụng 64 lô đất ven biển khu dân cư thuộc phường Phú Đông. Phiên đấu giá đã thu hút gần 2.700 hồ sơ và được xem là phiên đấu giá đất có số lượng hồ sơ tham gia nhiều kỷ lục từ trước đến nay ở tỉnh Phú Yên.

Các lô đất được đưa ra đấu giá là các lô đất còn lại trong một khu tái định cư được hình thành sau khi xây dựng kè chống sạt lở ven biển phường Phú Đông. Việc đầu tư hạ tầng cho khu tái định cư này khá bình thường, chưa hoàn thiện. Ngoài ra, các lô đất này nằm trên một khu nghĩa địa đã giải tỏa.

Cơn sốt đất chuyển sang các vùng ven khu Bắc Vân Phong.

Cơn sốt đất chuyển sang các vùng ven khu Bắc Vân Phong.

Tuy nhiên, theo công bố của đơn vị tổ chức phiên đấu giá, hầu hết giá trúng mua các lô đất đều cao gấp 3-5 lần so với giá khởi điểm. Có lô đất có giá khởi điểm 360 triệu đồng/lô 100m2, người trúng đấu giá nâng lên 1,2-1,3 tỷ đồng, nhiều lô được đẩy lên trên 1,5 tỷ đồng.

Theo ông Võ Ngọc Kha - Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, ban đầu chính quyền thành phố dự kiến thu khoảng 24 tỷ đồng từ việc bán đấu giá 64 lô đất trên. Tuy nhiên, với kết quả đấu giá như trên, ngân sách nhà nước thu được gần 100 tỷ đồng. Một số người trúng đấu giá các lô đất trên lý giải họ bỏ giá cao gấp 4-5 lần so với giá khởi điểm là căn cứ vào giá thị trường đất ven biển hiện nay ở Phú Yên.

“Ở các khu dân cư lân cận các lô đất vừa đấu giá ở phường Phú Đông, nhiều lô đất cách đây vài tháng chỉ vài trăm triệu đồng, nay đã tăng lên 1,7-2 tỷ đồng. Dù TP Tuy Hòa đưa ra giá khởi điểm thấp như vậy nhưng mình phải bỏ giá tương đương giá thị trường mới có thể trúng được” - ông Nguyễn Văn Thành (ngụ phường 4, TP Tuy Hòa) nói.

Xem chi tiết tại đây.

Tiêu thụ tăng trưởng mạnh, doanh nghiệp xi măng sẽ “thoát hiểm”?

Bước vào năm 2018, các DN xi măng còn lo ngại về tình hình khó khăn của thị trường. Thực tế, kết thúc quý đầu năm, nhiều DN xi măng vẫn kinh doanh đì đẹt.

Đơn cử, tại Xi măng Hà Tiên 1 (HT1), trong quý I/2018, doanh thu thuần đạt 1.840 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 81,7 tỷ đồng, giảm lần lượt 3% và 24,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Tình trạng này đã được cổ đông chất vấn ngay tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của HT1 vừa qua. Lãnh đạo HT1 cho biết, tình hình sản xuất - kinh doanh quý I sụt giảm là do sản lượng trong kỳ giảm.

Không chỉ Xi măng Hà Tiên, nhiều DN xi măng đang niêm yết trên sàn chứng khoán như Vicem Bỉm Sơn, Vicem Hoàng Mai, Vicem Hải Vân, Vicem Bút Sơn… cũng đều gặp khó khăn trong quý đầu năm nay.

Ảnh Internet.

Ảnh Internet.

Với hiện trạng khó khăn của ngành, cũng như kết quả kinh doanh không mấy khả quan của DN, cổ phiếu của nhóm ngành xi măng thường trong tình cảnh đìu hiu, giá rẻ như rau.

Chẳng hạn, thị giá cổ phiếu BCC của Xi măng Bỉm Sơn hiện ở quanh mức 6.000-7.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu HVX của Xi măng Hải Vân cũng chỉ ở mức 3.000-5.000 đồng/cổ phiếu, tương tự là cổ phiếu HOM của Xi măng Hoàng Mai chỉ là 3.000-4.000 đồng/cổ phiếu và nhiều phiên liên tiếp không có thanh khoản. Với HT1, thị giá tốt hơn, quanh mức 13.000 đồng/cổ phiếu, song thanh khoản cũng không cao, trung bình vài chục nghìn cổ phiếu mỗi phiên.

Xem chi tiết tại đây.

Nhà đầu tư đu theo hạ tầng, đất nền khu Đông Sài Gòn bị "thổi giá"

Mỗi khi có thông tin về dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội được hé lộ ở khu vực này, dù chưa biết triển khai khi nào là ngay lập tức giới đầu tư lại đổ vào đón sóng, bất cứ thời điểm nào. 

Điều này đã khiến giá bất động sản ở khu Đông Sài Gòn trong năm 2017 và những tháng đầu 2018 tăng chóng mặt, đặc biệt là đất nền với mức tăng dao động khoảng 20-40% tùy từng khu vực. 

Đặc biệt, phân khúc đất nền được xem là "ăn theo" hạ tầng, giá tăng rõ nét nhất. Mới đây, thông tin dự án khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc (Q.2) xây dựng phục vụ cho Seagame 31 (Việt Nam đăng cai năm 2021) tái khởi động, lập tức thu hút sự quan tâm của đông đảo giới đầu tư khu vực. 

Kéo theo đó là giá đất nền tại các tuyến đường quanh khu thể thao như Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Lương Định Của, Đỗ Xuân Hợp… "nhảy múa" theo. Theo ghi nhận, so với đầu năm 2017, đất nền khu vực Q.2 hiện đã tăng giá từ 30 – 50% (tùy vị trí). Giá đặc biệt tăng cao ở các khu đất mặt tiền đường lớn. Nếu tính từ giữa năm 2017 đến nay thì giá đất Q.2 tăng ít nhất 30%.

Xem chi tiết tại đây.

Sau mương Nghĩa Đô, Hà Nội sẽ cưỡng chế công trình "xẻ thịt" mương Phan Kế Bính

Phát biểu tại cuộc họp báo thông tin về việc xử lý các vi phạm tại khu vực dự án cống hóa mương Phan Kế Bính thuộc phường Cống Vị (quận Ba Đình, Hà Nội) chiều ngày 13/6, ông Đỗ Viết Bình cho biết, Công ty CP Đa quốc gia được TP.Hà Nội giao làm chủ đầu tư dự án cống hóa mương Phan Kế Bính.

Theo kế hoạch, khi dự án cống hoá mương Phan Kế Bính hoàn thành, công ty này sẽ được thuê đất làm bãi đỗ xe, công trình phụ trợ. Tuy nhiên, sau khi được UBND TP.Hà Nội cho thuê đất, công ty đã xây dựng nhà không phép, sai phép trên diện tích dự án cống hóa, sử dụng đất sai mục đích, rồi cho một số đơn vị khác thuê mặt bằng kinh doanh.

Công ty CP Đa quốc gia vi phạm trật tự xây dựng, sử dụng đất sai mục đích rất nghiêm trọng trong thời gian dài, chây ì khắc phục tại mương Phan Kế Bính.

Công ty CP Đa quốc gia vi phạm trật tự xây dựng, sử dụng đất sai mục đích rất nghiêm trọng trong thời gian dài, chây ì khắc phục tại mương Phan Kế Bính.

Theo ông Bình, Công ty CP Đa quốc gia vi phạm trật tự xây dựng, sử dụng đất sai mục đích rất nghiêm trọng trong thời gian dài, chây ì khắc phục. Các cơ quan chức năng của quận Ba Đình, phường Cống Vị đã nhiều lần lập biên bản thông báo với các đơn vị yêu cầu tự khắc phục, nhưng chủ đầu tư không chấp hành.

Ông Đinh Quang Thắng - Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng quận Ba Đình, cho biết các vi phạm về trật tự xây dựng tại mương Phan Kế Bính đã diễn ra suốt gần 10 năm, từ năm 2009 - 3.2018. Đội Thanh tra Xây dựng quận đã nhiều lần báo cáo lãnh đạo quận Ba Đình và các cơ quan chức năng về vi phạm, sai phạm tại dự án này.

“Đến nay, quận Ba Đình dứt khoát xử lý triệt để tồn tại vi phạm về sử dụng đất, trật tự xây dựng. Từ nay đến trước ngày cưỡng chế, quận Ba Đình vẫn tuyên truyền vận động để Công ty CP Đa quốc gia và các đơn vị thuê mặt bằng kinh doanh tự tháo dỡ phần sai phạm. Những công trình xây dựng không phép sẽ bị cưỡng chế phá bỏ, buộc di dời. Những công trình sai phép sẽ xử lý nghiêm, buộc dỡ bỏ phần sai phép”, ông Bình nói.

Xem chi tiết tại đây.

Thêm một nghi án “bán” đất công giá bèo ở TP.HCM

Theo nội dung đơn tố cáo của ông Hứa Văn Hải (sinh 1958), hiện đang làm việc tại Công ty CP Kim khí TP.HCM - Vnsteel (mã chứng khoán HMC), lãnh đạo HMC đã bán đất công (khu đất 9.125m2, tại số 370 Nguyễn Văn Quỳ, phường Phú Thuận, Quận 7, TP.HCM) với giá rất... bèo cho Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán DXG) đang gây ra nhiều tranh cãi và nghi vấn.

Cụ thể, đơn ông Hải cho biết, khu đất này trước khi cổ phần hóa vào năm 2005, tài sản này của nhà nước (NN) giao cho HMC thuê đất. Khi cổ phần hoá, khu đất được xem là tài sản của NN góp vốn vào DN để tham gia cổ phần hoá. Năm 2013, HMC đã đóng tiền sử dụng đất 87 tỷ đồng để thực hiện dự án bất động sản. Tuy nhiên, năm 2016, lãnh đạo HMC đã cho chuyển nhượng toàn bộ khu đất trên cho DN tư nhân là Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh với giá hơn 102 tỷ đồng mà không thông qua đấu giá.

“Việc chuyển nhượng tài sản có vốn NN như thế là trái quy định của luật pháp, gây thiệt hại cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng”, ông Hải nhận định.

Trước tố cáo trên của ông Hải, Tổng Công ty Thép Việt Nam (đơn vị nắm giữ 55,6% vốn NN tại HMC) đã vào cuộc xác minh và trả lời ông Hải.

Cụ thể, tại Công văn số 322/VNS-TCNS (ký ngày 16.3.2018) gửi ông Hứa Văn Hải, ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Tổng Giám đốc  - Tổng Công ty Thép Việt Nam đã trả lời rằng: HMC chuyển nhượng dự án cho đối tác có năng lực để tiếp tục triển khai dự án theo hồ sơ pháp lý đã được các cơ quan thẩm quyền tại TP.HCM phê duyệt. Tại thời điểm đó, dự án chung cư đã được chính quyền phê duyệt, có quy hoạch 1/500, đã bồi thường, giải phóng mặt bằng, không tranh chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ), không có quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất và đã có giấy chứng nhận QSDĐ, đảm bảo đủ điều kiện để chuyển nhượng toàn bộ dự án.

Xem chi tiết tại đây.

10.000 m2 đất "vàng" dự án bãi xe ngầm thành bãi xe lậu

Năm 2016, Thường trực Thành ủy Hà Nội đồng ý chủ trương của Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội về đầu tư dự án bãi đỗ xe ngầm tại khu đất 295 Lê Duẩn (quận Hai Bà Trưng) có diện hơn 10.000 m2 nằm cạnh khuôn viên của công viên Thống Nhất.

Theo đó, khu đất "vàng" này sẽ  xây dựng một trung tâm thương mại kết hợp bãi đỗ xe ở phần không gian ngầm. Trong đó bãi đỗ xe chính là phần ngầm của dự án khách sạn SAS Hanoi Royal Hotel trước đây mà Hà Nội đã thu hồi của nhà đầu tư vào năm 2013 sau khi dư luận phản ứng.

Dự án bãi đỗ xe dự kiến có 3 tầng đỗ xe ngầm, mỗi tầng hơn 5.600 m2, đủ sức chứa 390 chỗ cho ôtô. Tầng mặt đất có sân đường giao thông, cây xanh, nhà điều hành, các công trình phụ trợ khác với tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.Thế nhưng khu đất "vàng" tại 295 Lê Duẩn này lại trở thành bãi trông giữ xe, rửa xe trái phép ngang nhiên tồn tại nhiều năm nay.

Theo tìm hiểu của PV, năm 2008 dự án Khách sạn SAS Hanoi Royal Hotel chính thức được khởi công trên khu đất này. Tuy nhiên, do dư luận lo ngại  nhiều vấn đề ảnh hưởng của dự án đến không gian công viên Thống Nhất.

Năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo dừng việc xây dựng khách sạn SAS Hanoi Royal Hotel và giao UBND TP. Hà Nội thu hồi lại dự án này đồng thời Hà Nội tìm quỹ đất khác cho nhà đầu tư.  

Sau đấy, Hà Nội đã giao cho Trung tâm Giao dịch đất đai và phát triển quỹ đất Hà Nội- nay là Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội (thuộc Sở TN-MT Hà Nội) quản lý. Tuy nhiên, thực tế khu đất "vàng" này lâu nay vẫn trở thành nơi trông giữ xe và rửa xe trái phép.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top