Aa

Cày lỏi và thừng óng

Thứ Ba, 16/03/2021 - 07:00

Khi chúng ta đánh mất bất cứ thứ gì từng thuộc về quá khứ, lại là thứ gắn với công việc quan trọng hàng ngày giúp ta sống và trưởng thành, chúng ta sẽ nghèo đi mất một chút.

Về quê, ngoài việc tìm lại không gian sinh thái, không gian văn hóa một thời (dù chỉ hy vọng thấy một phần), tôi thường học lại, mà chính xác ra phải là chuộc lại, cách nói mộc mạc, giàu hình ảnh của người nhà quê. Học lại, vì mình đã từng thuộc nhưng nay bị quên. 

Còn vì sao phải chuộc lại? Vì mình từng sử dụng, từng là chủ sở hữu nhưng chính mình đánh mất! Trời ạ, mới có mấy chục năm xa quê, mà đã như người mang một quốc tịch khác! Thấy lạ hoắc từ cách nhấn nhá, cách kéo dài giọng khi phát âm nhằm diễn tả một trạng thái tình cảm nào đó, đến lối ví von cô đọng, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ ngấm. Chỉ riêng một từ ăn thôi đã có tới vài chục từ đồng nghĩa, mỗi từ khi nói ra diễn tả một tâm trạng, một ẩn ý khác nhau của người nói. Bảo sao ngôn ngữ dân gian thường sinh động.

Lần về mới đây, tôi chuộc lại được hai từ mà mấy chục năm trước ngày nào chúng tôi cũng dùng, giờ quên tiệt. Đó là từ cày lỏi và thừng óng. 

Cày luôn là công đoạn quan trọng của việc làm đất. Sau mỗi vụ gieo trồng, đất bị chặt lại, mặt nổi váng, một số chất mầu chìm sâu xuống trong khi các lỗ hổng chứa không khí hầu hết đều bị bít lại. Muốn canh tác tiếp thì phải lật đất lên, làm nó tơi xốp hoặc nhuyễn ra. Đó chính là công đoạn cày. 

Cày lỏi
Khi chúng ta đánh mất bất cứ thứ gì từng thuộc về quá khứ, lại là thứ gắn với công việc quan trọng hàng ngày giúp ta sống và trưởng thành, chúng ta sẽ nghèo đi mất một chút. (Ảnh sưu tầm)

Thời xưa, thợ cày luôn là người có ngày công cao nhất cho mỗi buổi lao động. Bởi cày thường là việc nặng nhọc, chỉ phù hợp với những người cao to, khỏe mạnh, dẻo dai. Nghề nào, muốn giỏi, thì đều cần có chút năng khiếu “trời cho”. Thợ cày cũng không ngoại lệ. Có người cày cả đời vẫn không thể thành thầy được. Người cày giỏi là người có đường cày đều cả về chiều rộng và chiều sâu. Cày kém sẽ cho ra những đường cày chỗ nông, chỗ sâu, đường cày cong vẹo, thiếu sắc nét, đất lật không đều. Nhìn thửa ruộng cày có thể đoán biết người cày là vì thế!

Lỗi lớn nhất của người cày ruộng chính là cày lỏi. Từ lỏi chắc chắn là một từ thuần Việt. Hiểu nôm la là dối. Hiểu rộng ra là cày ăn bớt, ăn xén, cày điêu, do ông thợ cày ranh vặt, làm việc tắc trách... Nhưng dù cùng diễn đạt một nghĩa, thì cày dối, cày ăn bớt, cày điêu… không thể hay bằng cày lỏi! Cày lỏi là các đường cày không liền nhau, vì thế đất ruộng có chỗ chưa được lật (thường phải tinh mới phát hiện ra). Cày lỏi còn là đường thì sâu, đường thì nông, cày hời hợt như gãi đất. 

Ngoài ra, thường mỗi thửa ruộng đều có hình vuông hoặc chữ nhật, tức là có bốn góc. Không bao giờ cày được tất cả các góc, vì lưỡi cày không thể chạm tới, ngoại trừ người cày để cho trâu bước sang thửa ruộng khác (điều này rất ít khi xảy ra). Vì thế, sau khi cày xong, phải thêm một công đoạn nữa là cuốc góc. Nếu người cày nghiêm túc thì mỗi góc còn lại thường rất nhỏ. Trong khi cày lỏi thì chưa đến góc họ đã cho trâu quay (do lười, làm gian dối hoặc do ngại khó) khiến người cuốc góc rất nhọc.

cày ruộng
Con trâu, cái cày - Ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ (Ảnh sưu tầm)

Còn thừng óng là cái thừng gì? Khi đóng ách lên vai trâu mỗi khi cày, bừa hay kéo xe, để giữ cho chiếc ách không bị tuột trong quá trình cày, nhất là lúc quay đầu mỗi khi chạm bờ phải nâng cày lên cao khiến hai dây kéo chùng lại, người ta dùng một sợ thừng nhỏ, mềm, buộc cố định vào một bên ách, rồi vòng xuống bên dưới cổ trâu (không được thít chặt khiến trâu khó thở hoặc khiến thịt da nó bị trầy xước), cài vào một cái móc để sẵn đầu bên kia ách. Sợi dây đó gọi là thừng óng.

Có thể bạn nghĩ tôi lẩm cẩm, tìm lại những thứ ngày nay chả còn mấy ai dùng. Nhưng tôi thì nghĩ khác và mong bạn chia sẻ: Khi chúng ta đánh mất bất cứ thứ gì từng thuộc về quá khứ, lại là thứ gắn với công việc quan trọng hàng ngày giúp ta sống và trưởng thành, chúng ta sẽ nghèo đi mất một chút./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top