Trong khuôn khổ chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, chiều nay (6/6), sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Chứng khoán sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này. Tiếp đó, dự án Luật Chứng khoán sửa đổi được các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ, trước khi được đưa ra thảo luận ở hội trường dự kiến vào ngày 13/6 tới.
Việc sửa đổi Luật Chứng khoán được đặt ra theo lãnh đạo Bộ Tài chính, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, thực tiễn sau hơn 10 năm thi hành cho thấy Luật Chứng khoán đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Nội dung một số điều khoản của Luật chưa đủ rõ ràng và cụ thể, dẫn đến cách hiểu khác nhau và gây khó khăn trong áp dụng. Một số điều khoản của Luật không còn hợp lý hoặc không phù hợp với thực tiễn. Luật chưa quy định một số vấn đề mà thực tiễn đòi hỏi cần phải thể chế hóa bằng luật. Ngoài ra, một số điều khoản chưa tương thích với thông lệ quốc tế tốt, chưa phù hợp với yêu cầu và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế...
Mặt khác, việc sửa Luật Chứng khoán còn để khắc phục tình trạng một số quy định của luật không còn thống nhất, đồng bộ với quy định liên quan tại các văn bản quy phạm pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung như: Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra...
Cụ thể như: Mô hình quản trị đối với sở giao dịch chứng khoán; quy định giấy phép thành lập và hoạt động đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là chưa thống nhất với Luật Doanh nghiệp. Quy định liên quan đến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn bất cập với Luật Đầu tư. Quy định pháp lý liên quan đến nghĩa vụ công bố thông tin của công ty đại chúng cần được sửa đổi, bổ sung để thống nhất với Luật Doanh nghiệp...
Việc sửa Luật Chứng khoán đặt ra bức thiết còn vì các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường ngày càng tinh vi, phức tạp (từ năm 2007 - 2018, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã ban hành hơn 1.950 quyết định xử phạt hành chính, với tổng số tiền phạt hơn 116 tỷ đồng) trong khi việc thu thập thông tin để phát hiện, xử lý các hành vi giao dịch nghi vấn gặp nhiều khó khăn do Ủy ban chứng khoán Nhà nước hạn chế về thẩm quyền. Điều này khiến kết quả thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm còn hạn chế.
Trong bối cảnh dự án Luật đã trải qua nhiều vòng thảo luận, tiếp thu ý kiến các thành viên thị trường, cơ quan quản lý, nhưng ghi nhận ý kiến từ thị trường cho thấy, nhiều nội dung của dự án Luật còn có ý kiến khác nhau như: nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, tăng thẩm quyền cho Ủy ban chứng khoán Nhà nước, mô hình tổ chức và hoạt động của sở giao dịch chứng khoán, gia tăng các chế tài xử phạt…
Bởi vậy các thành viên thị trường đang kỳ vọng trong quá trình thảo luận, đại biểu Quốc hội sẽ gợi mở đường hướng tháo gỡ khả thi, góp phần hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật chứng khoán.
Qua đó, thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển minh bạch, hiệu quả và sôi động hơn, để thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế đúng như vai của thị trường này theo thông lệ quốc tế.